Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Tại tỉnh ta, đồng bào dân tộc Lự sinh sống chủ yếu ở các xã: Bản Hon (huyện Tam Đường); Nậm Tăm, Lùng Thàng và rải rác ở một số xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ. Dẫu có ảnh hưởng bởi sự giao thoa văn hóa, nhưng trong cộng đồng vẫn lưu truyền nhiều nét đẹp truyền thống. Vẻ đẹp ấy được hội tụ, hồi sinh trong các dịp tết, lễ hội và từ đó tiếp tục lan tỏa trong đời sống.

Cũng như các dân tộc khác, người Lự vui đón tết Nguyên đán, tết Nguyên tiêu – rằm tháng giêng và một số lễ, tết đặc trưng của dân tộc như: tết ăn cơm mới sau khi thu hoạch mùa màng – “kin khẩu máy”. Cùng với đó, còn một số ngày lễ lớn trong năm: Lễ gọi hồn trâu “Vu khoăn khoai”, Lễ cúng rừng cấm - “phi bản”, cúng rừng “căm nung”… Lễ, tết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống tâm linh, là dịp để người Lự thể hiện sự biết ơn tới ông bà tổ tiên, thiên nhiên. Qua các nghi thức cổ truyền đã góp phần lưu truyền, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Vào mỗi dịp lễ, tết, đồ thờ cúng thường là những món ăn truyền thống của dân tộc, được chuẩn bị chu đáo với sự tham gia của cả gia đình, họ tộc, cộng đồng. Tết Nguyên đán, người Lự gọi là “kin chiêng”, bà con thường làm bánh chưng “hó khâu túm”, ngoài bánh chưng xanh gói vuông bà con còn làm bánh chưng đen, bánh gù để dâng lên tổ tiên. Để bánh chưng đen đẹp, ngon trong quá trình ủ gạo nếp, bà con thường đốt cây “màng tang” lấy than, giã ra rồi hòa nước, ngâm gạo. Sau khi gói bánh, luộc chín, bánh có màu tro, điều này tạo nên sự khác biệt so với bánh chưng truyền thống của người Kinh. Trong mâm cỗ cúng đầu năm của người Lự, cùng với thịt gà, thịt lợn, rượu và các lễ vật khác không thể thiếu “hó khâu túm”. Sau những nghi lễ cúng tế cầu mong một năm mới gặp nhiều may mắn, các hộ dân trong bản cùng nhau đi chúc tết, tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết hơn.

Sau tết Nguyên đán 15 ngày, người Lự thường tổ chức ăn rằm tháng giêng, theo ông Lò Văn Chom ở bản Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) đây cũng là một trong lễ lớn trong năm, sau khi vui lễ rằm tháng giêng, bà con sẽ bắt tay vào sản xuất vụ xuân hè. Trong lời khấn của gia chủ luôn mong được phù hộ cho mùa màng tốt tươi, gia đình khỏe mạnh, đảm đương được việc đồng áng, sản xuất không bị sâu bệnh. Ngày rằm tháng giêng, dân bản rất kỵ nói chuyện mùa màng thất bát, sâu bệnh hại.

Dịp lễ, tết đồng bào dân tộc Lự thường chọn cho mình những bộ trang phục truyền thống được dệt từ thổ cẩm, nhuộm chàm. Trang phục của phụ nữ được thiết kế khá cầu kỳ với các phụ kiện bằng kim loại, thêu thùa hoa văn, mỗi họa tiết đều ẩn chứa những triết lý nhân sinh. Sau khi hoàn tất việc cúng bái, các gia đình sẽ tổ chức liên hoan, mời thêm họ hàng, bạn bè rồi tổ chức giao lưu văn nghệ, giao hữu các môn thao dân tộc, trò chơi dân gian: kéo co, đẩy gậy, đánh cù, đánh cầu lông gà, thi đi cà kheo…

Người Lự ở bản Chăn Nuôi (xã Đông Pao, huyện Tam Đường) tổ chức lễ cúng mừng cơm mới - “kin khẩu máy”. Ảnh tư liệu

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, đồng bào dân tộc Lự vẫn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa dân gian, kho tàng văn hóa phi vật thể của người Lự rất phong phú. Điều đó thể hiện qua truyện cổ tích dân gian, tục ngữ ca dao, dân ca, hát xướng, múa, biểu diễn nhạc cụ… Nhưng những nét đẹp văn hóa ấy chưa được lưu giữ một cách có hệ thống, vì thế rất dễ bị mai một theo thời gian. Do đó, việc tổ chức giao lưu văn nghệ trong các dịp lễ tết đã giúp cho văn hóa dân gian được lưu truyền một cách tự nhiên, khẳng định sức sống của mình trong cộng đồng.

Không gian văn hóa dân gian không chỉ hội tụ trong các dịp lễ, tết đầu năm, mà còn được tái hiện sinh động trong các dịp lễ khác trong năm. Đời sống kinh tế gắn với sản xuất nông nghiệp, trong năm người Lự có 2 lễ lớn: ăn cơm mới – “kin khẩu máy” và cúng hồn trâu – “vu khoăn khoai”. Đây là ngày lễ lớn sau khi hoàn tất thu hoạch mùa vụ, để tạ ơn các đấng siêu nhiên, tổ tiên đã phù hộ cho một vụ thu hoạch thắng lợi và mong các vụ sau sẽ bội thu. Trong lễ mừng cơm mới, bà con thường mời những người đã đổi công, giúp đỡ trong sản xuất tới dự liên hoan và dân bản vẫn giữ quan niệm lễ cơm mới nhiều người chung vui thì vụ sản xuất tiếp theo sẽ thêm bội thu.

Trong cộng đồng người Lự còn có một số lễ hội được tổ chức trong cộng đồng, thường trưởng bản và chủ tế sẽ là người chủ trì. Trao đổi với ông Tao Văn Xanh - Trưởng bản Nậm Ngập (xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ), chúng tôi được biết trong lễ gọi hồn trâu – “vu khoăn khoai”, trưởng bản sẽ đứng ra huy động bà con cùng góp lương thực, thực phẩm làm lễ. Sau đó, trưởng bản sẽ bàn với các vị cao niên, chọn ngày đẹp, thường là ngày thìn để tổ chức lễ cúng. Từ phần nghi lễ cho tới chuẩn bị cỗ cúng, cỗ liên hoan cộng đồng đều được phân công cụ thể. Sau khi hoàn tất các nghi thức, dân bản sẽ cùng tổ chức liên hoan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất.

Trong ngày lễ này, trâu bò sẽ được nghỉ ngơi, nhiều gia đình còn tắm, dọn dẹp chuồng trại, vẽ hoa văn họa tiết trang trí lên mình trâu – mỗi nét vẽ đều được chủ nhân gửi gắm nhiều ý nghĩa: thể hiện sự biết ơn của gia chủ với “đầu cơ nghiệp” của mình luôn mạnh khỏe, đảm bảo sức kéo, phục vụ sản xuất và sinh thêm bầy nghé giúp chủ nhà có thêm nguồn thu nhập… Cùng với lễ gọi hồn trâu, lễ cúng rừng cấm cũng được cộng đồng tổ chức thường niên với nhiều phong tục cổ truyền.

Những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Lự luôn hội tụ qua các lễ hội truyền thống. Những lễ hội dân gian hội là dịp các giá trị văn hóa được kết tinh và lan tỏa trong cộng đồng. Nhờ đó, văn hóa dân gian của dân tộc Lự được lưu truyền mãi theo dòng chảy thời gian.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/l%E1%BB%85-t%E1%BA%BFt-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-l%E1%BB%B1-h%E1%BB%99i-t%E1%BB%A5-b%E1%BA%A3n-s%E1%BA%AFc-v%C4%83n-h%C3%B3a-d%C3%A2n-gian