Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân huyện Mường Tè chủ động triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Mường Tè là huyện vùng cao biên giới nằm phía Tây Bắc của tỉnh, có chiều dài đường biên trên 130km. Huyện có 14 xã, thị trấn, dân số khoảng 46 nghìn người, là địa bàn chung sống của 10 dân tộc. Trong đó, một số dân tộc mang nhiều nét văn hóa đặc biệt như: Cống, Mảng, La Hủ, Si La, Hà Nhì... Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; UBND huyện Mường Tè xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Trao đổi với đồng chí Đao Văn Khánh – Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, chúng tôi được biết: UBND huyện đã xây dựng kế hoạch với giải pháp và nhiệm vụ cụ thể giao cho các phòng ban chuyên môn, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn có trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, gắn với công tác phát triển du lịch và những mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện. Trong đó, tập trung nghiên cứu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện. Giáo dục, ngăn chặn các biểu hiện, hành vi làm suy thoái các giá trị văn hóa, đạo đức xã hội. Khơi dậy, phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong Nhân dân.

Đồng thời, lựa chọn một số giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của các dân tộc phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo sức cạnh tranh, thu hút du khách. Xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc sắc riêng của huyện Mường Tè kết hợp với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh, đưa du lịch Mường Tè trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện. Trong giai đoạn 2021 - 2025, hằng năm, bảo tồn và duy trì ít nhất 1 di sản văn hóa, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện như: lễ hội truyền thống, chữ viết, ẩm thực, dân ca, dân vũ, nghề thủ công… Xây dựng, hình thành một số bản văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới (bản Bó, bản Pắc Ma, xã Mường Tè; bản Pa Thắng, xã Thu Lũm…), qua đó tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng, quảng bá nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc đến với du khách.

Nét văn hóa của dân tộc Hà Nhì ở Mường Tè sẽ là sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Nét văn hóa của dân tộc Hà Nhì ở Mường Tè sẽ là sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Duy trì, nâng cấp và hoàn thiện mô hình “Không gian văn hóa” các dân tộc tại khu vực hồ trung tâm thị trấn huyện; xây dựng, phát triển khu vực này thành khu vui chơi, giải trí và phố đi bộ; hình thành khu du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa Hà Nhì... Giai đoạn 2026 – 2030, duy trì, nâng cấp các bản du lịch đã được công nhận; xây dựng mới 1 điểm du lịch cộng đồng thành làng văn hóa đặc trưng của huyện. Xây dựng, hình thành tour, tuyến du lịch mạo hiểm khám phá đỉnh núi Pu Si Lung, xã Pa Vệ Sủ. Xây dựng, phát triển chương trình Tuần văn hóa du lịch huyện Mường Tè thành sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh Lai Châu.

Chủ trương phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch đã được các phòng chuyên môn, cấp ủy chính quyền các xã đặc biệt chú trọng. Đồng chí Phùng Lòng Cà – Chủ tịch UBND xã Thu Lũm cho biết: Thu Lũm có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Trên địa bàn có hòn đá trắng rất linh thiêng được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Bên cạnh đó, những nghi lễ, lễ hội truyền thống của người Hà Nhì trên địa bàn như: Tết Hồ sự chà, Tết Mùa mưa, Lễ Cúng rừng hay những lời ca, điệu múa của bà con sẽ là sản phẩm du lịch thu hút du khách. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức về trách nhiệm cộng đồng dân cư giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; chủ động giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, bảo vệ môi trường và các di sản văn hóa; khôi phục nghề thủ công truyền thống, sản xuất sản phẩm, đồ lưu niệm phục vụ du khách.

Ông Tống Văn Kem – Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Tè cho biết: Thời gian tới, Phòng sẽ tổ chức triển khai các giải pháp nhằm khôi phục và nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Phát huy vai trò của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc bảo tồn, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, du lịch cả về quản lý Nhà nước, công tác bảo tồn và kỹ năng nghề du lịch. Cử cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin, cán bộ văn hóa xã tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về bảo tồn văn hóa gắn với du lịch nhằm nâng cao năng lực, phát huy hiệu quả hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp gắn với phát triển du lịch. Khuyến khích thành lập các hợp tác xã sản xuất các sản phẩm văn hóa truyền thống (dệt, mây tre đan) thành sản phẩm hàng hóa phục vụ du khách.

Để hoàn thành nhiệm vụ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, huyện Mường Tè sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn. Hằng năm, bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, kết hợp với thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để phát triển hạ tầng du lịch tại các địa bàn trọng điểm có tiềm năng du lịch gắn với văn hóa truyền thống. Đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội văn nghệ, các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian. Khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; tạo điều kiện cho các hộ dân có đủ điều kiện làm dịch vụ lưu trú cho du khách.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/m%C6%B0%E1%BB%9Dng-t%C3%A8-ph%C3%A1t-huy-b%E1%BA%A3n-s%E1%BA%AFc-v%C4%83n-h%C3%B3a-g%E1%BA%AFn-v%E1%BB%9Bi-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-du-l%E1%BB%8Bch