Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Suốt hơn 10 năm qua, sau khi ổn định cuộc sống nơi ở mới, Nhân dân thôn Đoàn Kết, thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ) tích cực lao động sản xuất; hăng hái tham gia phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, đô thị văn minh'; đẩy lùi tệ nạn xã hội. Qua đó, góp phần giữ vũng danh hiệu 'thôn văn hóa' nhiều năm liền.
Về thăm thôn Đoàn Kết trong ngày nắng ấm đầu xuân. Đi trên con đường bêtông khang trang, sạch đẹp, chúng tôi được ngắm nhìn những ngôi nhà sàn (đặc trưng của người Thái) san sát nhau; nghe các bà, các chị hát then bằng tiếng dân tộc ngọt ngào, trong trẻo. Ghé vào nơi đang diễn ra văn nghệ, chúng tôi được xem các cựu giáo chức say sưa tập luyện múa hát.
Bà Điêu Thị Ngải - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) bảo tồn văn hóa dân tộc Thái chia sẻ: Văn hóa, văn nghệ ngấm vào trong máu của chúng tôi từ bé rồi. Đến giờ, mỗi khi nông nhàn, chị em lại tập trung múa hát, thêu thùa, dệt vải với nhau. Cứ nói đến văn hóa, văn nghệ là chúng tôi vui lắm, vì vừa được giao lưu; vừa gìn giữ được giá trị văn hóa của dân tộc mình. Càng vui hơn khi giữa năm vừa rồi, chúng tôi thành lập được CLB với 54 thành viên có đủ thế hệ tham gia; vừa khôi phục lại nghề dệt vải truyền thống; vừa gìn giữ phát huy điệu hát then - múa xòe, làm đàn tính, đàn nhị - đều là những tinh hoa văn hóa dân tộc Thái.
Thôn Đoàn Kết có 217 hộ, 941 nhân khẩu với 2 dân tộc Thái, Giáy cùng sinh sống. Cách đây 12 năm, bà con chuyển từ Huổi Luông cũ về khu tái định cư sinh sống. Kể từ đó đến nay, xác định sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao đời sống vật chất nên Nhân dân trong thôn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thâm canh tăng vụ; chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô gia trại, hộ gia đình theo hướng hàng hóa thị trường, đảm bảo vệ sinh môi trường; chú trọng công tác bảo vệ rừng.
Được biết, thôn có tổng diện tích đất nông nghiệp 185ha. Hàng năm, bà con duy trì gieo cấy 33ha lúa nước, trồng 72ha ngô, 9ha sắn; chăm sóc 24ha cây chuối, 6,4ha mía theo hình thức liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã nông nghiệp; thâm canh trên 2ha lạc, đậu tương. Hiện nay, tổng đàn vật nuôi của thôn trên 3 nghìn con.
Cùng với phát triển kinh tế, Nhân dân trong thôn luôn đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái. Ông Phan Văn Tận - Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Đoàn Kết cho biết: Hàng năm, ban công tác mặt trận phối kết hợp với ban quản lý thôn và các tổ chức hội tuyên truyền Nhân dân chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; vận động các hộ đăng ký đạt danh hiệu gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh ở khu dân cư, cho con em đến trường đúng độ tuổi, các hộ thực hiện tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Hàng tháng, thông báo cho các bậc phụ huynh cho trẻ dưới 6 tuổi đi tiêm vắc-xin phòng bệnh; tổ chức hội nghị chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc người già, trẻ nhỏ đảm bảo đủ dinh dưỡng. Hàng tuần, huy động lực lượng trong thôn vệ sinh đường ngõ xóm, cống rãnh, thu gom rác thải; khuyến khích các hộ xây dựng nhà tắm, nhà tiêu nhằm xây dựng cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong năm 2021, qua bình xét, thôn có 174 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Hiện nay, thôn có 234 học sinh từ bậc mầm non đến THPT đến trường đầy đủ; 100% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và có các công trình vệ sinh hợp lý; trong năm qua, thôn không có tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3.
Bên cạnh đó, thôn Đoàn Kết phát huy vai trò, tiếng nói của người đứng đầu chi bộ, người có uy tín, người cao tuổi trong việc giáo dục đạo đức lối sống cho con cháu, nhất là thế hệ trẻ tránh xa các tệ nạn xã hội, ma túy, trộm cắp tài sản. Tổ dân quân tự vệ, tổ an ninh tự quản thôn đẩy mạnh tuần tra giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các chi hội: phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên, cựu chiến binh tổ chức nhiều phong trào thi đua, sáng tạo xây dựng các mô hình kinh tế thu hút hội viên, đoàn viên tham gia.
Ông Điêu Văn Tịnh (72 tuổi) - người dân trong thôn tâm sự: Từ khi chuyển về đây sinh sống, tôi thường xuyên căn dặn các con, các cháu phải đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn. Tích cực trồng trọt, chăn nuôi để có thu nhập đảm bảo cuộc sống hàng ngày; không mắc tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc. Đến bây giờ, tôi tự hào về con cháu của mình, không ai vi phạm pháp luật, có cuộc sống ổn định, thường xuyên tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân tộc Thái.
Sự nỗ lực, đoàn kết của Nhân dân thôn Đoàn Kết ở các phong trào thi đua được đền đáp xứng đáng bằng danh hiệu “thôn văn hóa” nhiều năm qua. Đây có lẽ là lời giải đáp chính đáng và thuyết phục nhất khi thôn được huyện Phong Thổ lựa chọn làm điểm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.