Văn hóa TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Với tình yêu, đam mê văn hóa dân tộc, những câu lạc bộ, đội văn nghệ không chuyên trên địa bàn huyện Tân Uyên đang từng ngày thầm lặng gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng thời, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân cũng như thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương phát triển.

Được thưởng thức các tiết mục văn nghệ của bà con các dân tộc bản Tân Dương (xã Trung Đồng), chúng tôi như được hòa mình với điệu múa mang đậm phong cách của dân tộc Khơ Mú. Những điệu múa như tái hiện hoạt động trong đời sống sinh hoạt như: đi rừng, đi nương. Tuy điệu múa đơn giản nhưng động tác rất dứt khoát, mạnh mẽ và lôi cuốn người xem.

Đội văn nghệ bản Tân Dương được thành lập từ năm 2015 và có 8 thành viên là nữ, độ tuổi từ 21 đến 32. Các thành viên trong đội đều là hạt nhân văn nghệ của bản và rất nhiệt tình, chịu khó học hỏi, luyện tập các điệu múa mang phong cách dân tộc Khơ Mú. Nhiều tiết mục đã được các chị học hỏi qua mạng và nghiên cứu, sáng tạo đổi mới ấn tượng, hấp dẫn nhưng vẫn duy trì được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc như: các điệu nhảy lắc mông, lắc eo…

Chị Hoàng Thị Pỏm - Đội trưởng Đội văn nghệ bản Tân Dương tâm sự: "Ngày nay những điệu nhảy, điệu múa của người Khơ Mú đã dần bị mai một, song với tình yêu văn hóa dân tộc, các thành viên trong đội văn nghệ tích cực hỏi học, sưu tầm những bài múa trên mạng để tự biên đạo phù hợp với cuộc sống sinh hoạt ở địa phương. Đội văn nghệ vẫn giữ được một số bài múa thể hiện cuộc sống lao động, sản xuất nên các động tác thường khỏe khoắn, dứt khoát.

Những điệu múa của người Khơ Mú hiện không chỉ là hoạt động văn hóa tinh thần mà cần được bảo tồn, lưu giữ. Vì vậy, rất mong các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện mở các lớp dạy hát, dạy múa và khôi phục các lễ hội đặc sắc của dân tộc Khơ Mú để chúng tôi tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình".

Dù không phải là các diễn viên chuyên nghiệp, song xuất phát từ lòng nhiệt huyết và mong muốn được mang những điệu múa, lời ca làm đẹp cho đời, Câu lạc bộ (CLB) Xòe Chiêng (tổ dân phố 26, thị trấn Tân Uyên) vẫn thường xuyên luyện tập để phục vụ nhu cầu bà con khi cần. Hiện đội có 20 thành viên gồm cả nam và nữ tuổi đời từ 45 trở lên song đều say mê với khúc hát, điệu múa của dân tộc Thái.

Câu lạc bộ Xòe Chiêng ở Tổ dân phố 26 (thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) luyện tập văn nghệ. Ảnh tư liệu

Câu lạc bộ Xòe Chiêng ở Tổ dân phố 26 (thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) luyện tập văn nghệ. Ảnh tư liệu

Ông Đới Xuân Cường - Chủ nhiệm CLB Xòe Chiêng cho biết: CLB được thành lập từ 2009, mới đầu chỉ có vài thành viên, nhưng vì niềm yêu thích văn hóa - văn nghệ nên CLB đã thu hút được cả nam và nữ tham gia. Nhiều tiết mục đã được các hạt nhân trong CLB nghiên cứu, sáng tạo phù hợp và biến tấu, đổi mới sao cho ấn tượng, phong phú, hấp dẫn trên cơ sở vẫn duy trì được nét đẹp văn hóa, chất liệu truyền thống của dân tộc. Mặc dù mỗi thành viên đều có công việc, hoàn cảnh khác nhau, song trong các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm vẫn dành thời gian để luyện tập, biểu diễn.

CLB không chỉ phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của tổ, thị trấn và còn thường xuyên thi đấu tại các cuộc thi văn nghệ quần chúng do huyện, tỉnh tổ chức luôn đạt giải cao. Ngoài ra, CLB còn được thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), chợ đêm San Thàng (thành phố Lai Châu) mời đi lưu diễn. Hiện nay, CLB Xòe Chiêng có khoảng hơn 10 tiết mục đặc sắc để phục vụ bà con mỗi khi có hội diễn, hội thi hay hoạt động giao lưu văn nghệ. Nhiều bài múa khó như: múa khăn, múa quạt, múa tính tẩu… đòi hỏi bước chân nhịp nhàng, bàn tay mềm mại, cơ thể uyển chuyển vẫn luôn được thành viên CLB kiên trì luyện tập.

Theo đồng chí Trần Khúc Dương - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Uyên, trong những năm gần đây, phong trào văn hóa văn nghệ trên địa bàn huyện ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, phát triển rộng khắp với 70 CLB, đội văn nghệ không chuyên ở các xã, thị trấn được hỗ trợ kinh phí hoạt động. Ngoài ra, còn nhiều đội văn nghệ, CLB cũng tích cực luyện tập dù không được hỗ trợ kinh phí, song bằng niềm đam mê, nhiệt huyết và mong muốn được mang lời ca, tiếng hát đến mọi người, các CLB, đội văn nghệ luôn nhiệt tình tập luyện, tham gia biểu diễn ở các khu dân cư. Đặc biệt, là các hoạt động trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức vào tháng 11 hàng năm, hay tổ chức sự kiện mừng năm mới đều có mặt của các CLB, đội văn nghệ không chuyên tham gia.

Qua đó, không chỉ góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của bà con mà còn giới thiệu quảng bá những bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Tân Uyên đến các du khách xa - gần.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/b%E1%BA%A3o-t%E1%BB%93n-v%C3%A0-ph%C3%A1t-huy-b%E1%BA%A3n-s%E1%BA%AFc-v%C4%83n-h%C3%B3a-truy%E1%BB%81n-th%E1%BB%91ng