Văn hóa từ bữa ăn thừa
Diễn đàn Người Việt quá lãng phí thực phẩm đang bàn luận trên Báo Người Lao Động đã cho chúng ta thấy cận cảnh một thực tế đáng buồn.
Trong khi một bộ phận người dân ứng xử tùy tiện, thừa mứa với thực phẩm thì nhiều người khác đang rất khó khăn, thiếu thốn.
Dẫu biết mọi người có toàn quyền xử lý với thực phẩm mà mình bỏ tiền ra mua nhưng vứt bỏ thức ăn luôn gây xót xa và đánh động vào tâm tư với bất cứ ai có lòng chia sẻ với cuộc sống. Thực phẩm thừa đối với người này chỉ đơn giản là món hàng dễ mua, trong khi với người khác lại là nỗi mong muốn, thậm chí mang tính sinh tồn. Lãng phí trở thành thái độ bất nhẫn với đồng loại.
Tôn trọng thức ăn là thói quen nằm trong tâm tư của con người trong suốt quá trình phát triển từ thuở sơ khai đến nay. Lý do thói quen này tồn tại là bởi thực tế tàn khốc về sự thiếu đói luôn ám ảnh con người. Ngay trong cuộc sống hiện đại tưởng chừng đầy đủ đến mức thừa thãi như hiện nay thì có không ít quốc gia đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.
Theo báo cáo vào năm 2020 của Liên Hiệp Quốc về tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới, ước tính có khoảng 690 triệu người rơi vào tình trạng thiếu ăn trong năm 2019 - tăng thêm 10 triệu người so với năm 2018 và thêm gần 60 triệu người trong vòng 5 năm. Còn theo báo cáo của Chương trình Lương thực thế giới vào tháng 10-2022, mỗi ngày có gần 20.000 người chết vì đói, tương đương mỗi giây có 4 nạn nhân.
Những con số kinh hoàng nhưng lại lọt thỏm giữa những hình ảnh thừa mứa của các buổi tiệc xa hoa, lãng phí luôn được tung hê trên các mạng truyền thông từng giờ, từng phút. Càng đau đớn hơn khi liên tưởng với lượng thức ăn thừa do con người vứt đi được Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) thống kê là 1,3 tỉ tấn mỗi năm. Lượng thức ăn thừa này nếu được sử dụng sẽ xóa bỏ được nạn đói trên thế giới.
Từ nhỏ, mọi người luôn được dạy dỗ không được bỏ phí thức ăn. Đây là bài học nghiêm khắc và kiên nhẫn nhất được các bậc cha mẹ nhắc lại thường xuyên. Cuộc sống khá no đủ dễ làm chúng ta quên đi bài học này nên không ít người đã hối hận khi chính mình lâm vào cảnh khốn khó. Sử dụng hợp lý thức ăn để không lãng phí là cách cảm ơn cuộc sống đã cho chúng ta đầy đủ. Nó trở thành văn hóa ứng xử hằng ngày của mọi người và luôn được đưa vào các bài học từ nhà trường cho đến xã hội.
Ngay tại Việt Nam, hằng đêm có những nhóm thiện nguyện đến tuyên truyền tại các nhà hàng, phố ăn uống về việc tránh lãng phí thức ăn. Họ không hy vọng sẽ tạo được ý thức ngay cho các thực khách nhưng ít ra họ nhắc nhở rằng còn rất nhiều người thiếu thốn luôn cần thức ăn, đặc biệt là trẻ em. Có tổ chức thiện nguyện đang phối hợp với nhiều nhà hàng để có thể kêu gọi mỗi ngày đóng góp 2.000 bữa ăn cho trẻ em nghèo, người già neo đơn và người khó khăn ở các bệnh viện…
Góp mỗi người một tiếng nói, mỗi người một hành động, chúng ta có thể tin tưởng sẽ giúp được nhiều người có bữa ăn no đủ. Còn về cá nhân, trước khi vứt bỏ thức ăn, hãy dành 1 giây nghĩ đến hình ảnh sẽ có người hành khất lục lọi thùng rác nhà mình khi đêm đến. Tin rằng mọi người sẽ có cách ứng xử khác với thực phẩm mà mình không sử dụng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/van-hoa-tu-bua-an-thua-20221110214503411.htm