'Văn học là chìa khóa có thể mở mọi cánh cửa!'

Ngày 15/10 vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học Pakistan. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong sự hợp tác hữu nghị giữa nhà văn hai nước và cũng là một dấu mốc đáng chú ý trong công tác đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam những năm qua.

Đồng thời, là hoạt động cụ thể hướng tới việc quảng bá những tác phẩm văn học Việt Nam thực sự có giá trị ra nước ngoài và giới thiệu những tác phẩm văn học tiêu biểu của các nước đến công chúng Việt Nam.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học Pakistan.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học Pakistan.

Việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học Pakistan có sự tham dự của ngài Kohdayar Marri - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan - là một trong những bước tiến quan trọng trong sự hợp tác hữu nghị giữa nhà văn hai nước.

Đặc biệt, tham dự ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác này còn có sự có mặt của đại sứ các nước như: ngài Saadi Salama - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine, ngài Shovgi Mehdizada - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Azerbaijan, ngài Kanat Tumysh - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Kazakhstan, ngài Korhan Kemik - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, bà Vuyiswa Tulelo - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi.

Điều này không chỉ thể hiện văn học là mối quan tâm trong hoạt động ngoại giao, mà còn hứa hẹn sẽ mở ra những thỏa thuận hợp tác mới của Hội Nhà văn Việt Nam với cơ quan đồng cấp ở các nước sau dấu mốc về sự hợp tác với Viện Văn học Pakistan.

Ngay sau ký biên bản ghi nhớ này, hai bên sẽ tiến hành những công việc cụ thể như sau: Phía Pakistan sẽ xem xét tiến hành việc dịch và xuất bản các tác phẩm: “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Sông núi trên vai” - tuyển thơ của các nhà thơ Việt Nam sang tiếng Urdu (ngôn ngữ của Pakistan); còn phía Việt Nam sẽ dịch và xuất bản “Tuyển chọn 100 bài thơ hay của Pakistan”.

Tại lễ ký kết, ngài Đại sứ Kohdayar Marri đã tặng Hội Nhà văn Việt Nam 2 tác phẩm: “Poems from Iqbal” (Thơ Igbal) và “Culture and Identity” (Bản sắc và văn hóa) của nhà văn Faiz. Đây là những tên tuổi lớn của văn học Pakistan mà ngài Đại sứ hy vọng sẽ có ngày được độc giả Việt Nam đón nhận qua việc dịch thuật và xuất bản tác phẩm này bằng tiếng Việt trong thời gian tới. Tiếp theo đó, hai bên sẽ tổ chức các cuộc trao đổi, hội thảo, dịch thuật, phối hợp tổ chức các hội chợ sách, trao giải thưởng, xuất bản và đăng tải các tác phẩm văn học của nhà văn hai nước...

Cũng phải nói thêm rằng, ngài Đại sứ Kohdayar Marri là người đã rất nỗ lực trong việc kết nối giữa Viện Văn học Pakistan và Hội Nhà văn Việt Nam để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác này ngày càng phát triển và đem lại hiệu quả tích cực.

Chia sẻ về ý nghĩa quan trọng của buổi lễ này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: “Văn học là bộ hồ sơ quan trọng nhất và tin cậy nhất về những vẻ đẹp lương tri và khát vọng chân chính của một dân tộc. Lễ ký kết hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học Pakistan là để đi đến sự hiểu biết hơn nữa những vẻ đẹp lương tri, những khát vọng lớn lao của mỗi dân tộc. Văn hóa, đặc biệt là văn học là “chìa khóa” có thể mở mọi cánh của đã bị đóng!”.

Cũng nhân sự kiện này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xúc động nhắc lại hoạt động mang tính biểu tượng sâu sắc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong chuyến công tác đến Hoa Kỳ gần đây: “Ngày 22/9/2024, tại thành phố New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm của chúng tôi đã trực tiếp trao Huân chương Hữu nghị cho hai nhà thơ cựu binh Mỹ - những người đã có đóng góp quan trọng trong việc dịch và truyền bá văn học Việt Nam tới bạn đọc Mỹ ngay từ những năm tháng quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ còn băng giá và nhiều thù địch.

Sau chiến tranh, khi các chính khách, các nhà ngoại giao của Việt Nam và Hoa Kỳ không thể đến đất nước của nhau để cất tiếng nói về dân tộc mình, thì các nhà văn đã trở thành những sứ giả hòa bình đầu tiên của mỗi dân tộc. Và, văn học đã trở thành tiếng nói chính thống, tin cậy và thuyết phục để hai dân tộc có một cái nhìn đúng nhất về nhau và tiến tới một quan hệ tốt đẹp như hiện nay.

Hành động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chính là cách nhìn và tầm nhìn của người đứng đầu đất nước về sứ mệnh của văn học nói riêng và văn hóa nói chung đối với sự tồn vong và phát triển của dân tộc cũng như trong việc xua tan bóng tối và thắp lên ánh sáng trong đời sống của con người trên thế gian này, một thế gian còn nhiều ngờ vực, hận thù, còn nhiều nước mắt và máu chảy như chúng ta đang phải chứng kiến...”.

Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, việc củng cố quan hệ với các tổ chức văn học là đối tác truyền thống và mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị với các đối tác mới là chủ trương đã được thống nhất ngay từ đầu nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X.

Sự hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam với các tổ chức văn học trên thế giới là mối quan hệ hai chiều bình đẳng, bao gồm: tổ chức giao lưu, tìm hiểu thiên nhiên, đất nước con người ở mỗi nước; tổ chức hội thảo, trao đổi nghề nghiệp, đào tạo chuyên môn giữa nhà văn các nước; tổ chức dịch giới thiệu các tác phẩm văn chương của các nước; quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới về Việt Nam.

Thông qua sự hợp tác này, thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác, sự hiểu biết, thân thiện giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước. Riêng trong năm 2024, Hội Nhà văn Việt Nam đã và sẽ ký 5 biên bản ghi nhớ với các tổ chức văn học quốc tế với những thỏa thuận hợp tác cụ thể, mang tính thực tiễn cao và tầm nhìn cho nhiều năm tới.

Ngài Kohdayar Marri - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan:

“...Lịch sử, những câu chuyện và văn hóa của chúng tôi được chia sẻ và lưu giữ bằng hình thức truyền miệng. Hiện nay, rất ít người vẫn tiếp tục truyền thống đó. Chính nhờ cách lưu giữ truyền thống này mà tôi đã khám phá ra rất nhiều điều về văn hóa của mình, về người Baloch và cụ thể hơn là về lịch sử và văn hóa của người Marri. Chúng tôi có nguồn gốc từ Aleppo ở Syria. Vì chúng tôi luôn là một bộ tộc chiến binh, nên rất có thể chúng tôi đã bị trục xuất và tới định cư tại nơi hiện là tỉnh Balochistan của Pakistan.

Tôi cũng biết rằng người Anh không bao giờ có thể chinh phục được chúng tôi, mỗi lần họ đến gần khu vực của chúng tôi, họ đều bị đánh bại. Cho đến khi họ đến trong hòa bình, họ đã đồng ý ký kết một hiệp ước hòa bình. Ngay sau đó, họ bắn và tiêu diệt những nhà thiện xạ của chúng tôi. Vì vậy, người dân chúng tôi rất thận trọng với những người đưa một tay ra để bày tỏ tình hữu nghị, trong khi tay kia lại cầm vũ khí. Ông nội của tôi là nhà lãnh đạo phong trào xã hội chủ nghĩa ở Pakistan, ông là đại biểu quốc hội và là người đứng đầu bộ tộc Marri. Sau ông tôi, cha tôi cũng là một chính trị gia và là thủ lĩnh bộ tộc trong nhiều thập niên.

Vì vậy, việc tôi chọn cầm bút, cọ vẽ rồi máy ảnh không phải là ngẫu nhiên. Đó là sự thể hiện căn bản của bất kỳ tư tưởng và phong trào chính trị nào cần có. Đó là trí óc, con mắt và trái tim. Ông nội tôi từng nói với tôi rằng, một ngày nào đó tôi sẽ phải đặt máy ảnh và bút xuống để hoạt động chính trị, đấu tranh cho người dân của mình. Tôi trả lời ông rằng, cho đến ngày đó, tôi muốn nhìn thấy và ghi lại tất cả những niềm vui và nỗi buồn mà cuộc sống mang lại cho chúng ta. Để bảo vệ nó, tôi cần biết và trân trọng giá trị thực sự của nó.

Mục đích của tôi ở đây để xóa bỏ khoảng cách giữa người với người, không chỉ đưa các quốc gia xích lại gần nhau, mà còn tạo ra và củng cố mối liên kết giữa tâm hồn chúng ta. Đây chỉ là khởi đầu cho hành trình của chúng ta và là khoảnh khắc lịch sử đối với tôi. Đây còn là sự hợp tác suốt đời về văn chương, kịch nghệ và thơ ca. Những tác phẩm của đất nước Pakistan mà tôi mong muốn được dịch sang tiếng Việt là của các nhà thơ và nhà văn vĩ đại của chúng tôi gồm có: Faiz Ahmad Faiz, Manto, Ather Shad từ Balochistan và Allama Iqbal. Còn những tác phẩm văn học Việt Nam mà người Pakistan cần đọc và làm quen là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và “Sông núi trên vai” của các nhà thơ Việt Nam viết về chiến tranh...”.

Nguyệt Hà

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/van-hoc-la-chia-khoa-co-the-mo-moi-canh-cua--i748121/