Văn học nghệ thuật Bắc Kạn trong ánh sáng của Đảng

Giữa núi non hùng vĩ, nơi tiếng suối róc rách như lời thì thầm của thiên nhiên, Bắc Kạn gìn giữ một kho tàng văn học nghệ thuật quý giá, kết tinh từ tâm hồn những người con dân tộc thiểu số, những người đã cầm bút như cầm súng, mang ánh sáng cách mạng lan tỏa đến từng bản làng.
Những viên gạch đầu tiên rực lửa
Trước cách mạng tháng 8/1945, dưới sự áp bức bóc lột và sự đồng hóa về văn hóa của chế độ thực dân, văn học miền núi nói chung và văn học tỉnh Bắc Kạn nói riêng chủ yếu tồn tại dưới loại hình văn học dân gian.
Khi ngọn gió Cách mạng lan tới vùng Việt Bắc, những người con quê hương Bắc Kạn đã hăng hái tham gia vào hội Việt Minh, tham gia vào phong trào cách mạng. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, của đường lối văn hóa do Đảng đề ra, nhiều chiến sĩ cách mạng của tỉnh Bắc Kạn đã sáng tác phục vụ cho hoạt động tuyên truyền cách mạng, phục vụ Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây cũng là khởi nguồn sản sinh ra nền văn học cách mạng vùng Việt Bắc, văn học các dân tộc thiểu số Bắc Kạn. Nhiều tác giả như Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại... đã trở thành những nhà văn tiêu biểu của nền văn học dân tộc thiểu số Việt Nam.
Nhà thơ Nông Quốc Chấn, người dân tộc thiểu số đầu tiên mang hơi thở núi rừng Việt Bắc vào thi ca đã để lại dấu ấn mạnh mẽ cho nền Văn học nghệ thuật cả nước. Giữa gian khổ, hiểm nguy, ông sớm giác ngộ cách mạng và một lòng đi theo ngọn đèn soi sáng của Đảng. Những tác phẩm viết bằng tiếng Tày của ông như một món ăn tinh thần ý nghĩa, truyền lửa, tiếp thêm niềm tin để bà con dân tộc thiểu số vững bước đi theo cách mạng, hướng đến ngày giải phóng Đất nước. Với giọng thơ bình dị, gần gũi nhưng đầy tính nghệ thuật, những câu thơ của ông như thủ thỉ trò chuyện, đầy tâm sự, thấu hiểu mà vẫn tràn đầy hy vọng:
“Từng đoàn người dắt lá cây tiến bước
Súng bên vai, bao gạo buộc bên vai,
Chân đi có giày không sợ nẻ
Trên đầu có mũ che nắng mưa.
Mặt trời lên sáng rõ rồi mẹ ạ!
Con đi bộ đội, mẹ ở lại nhà,
Giặc Pháp, giặc Mỹ còn giết người cướp của trên đất nước ta.
Đuổi hết nó đi, con sẽ về trông mẹ.”
(Dọn về làng)

Tiếp bước người anh Nông Quốc Chấn, nhà văn Nông Viết Toại – nay đã gần 100 tuổi – là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học cách mạng. Ông đến với văn chương bằng thơ tiếng mẹ đẻ, để vận động Nhân dân làm cách mạng, phê phán cường hào và những hủ tục lạc hậu. Tác phẩm nổi tiếng “Boong tàng tập éo” của ông khắc họa hình ảnh người dân vùng dậy đấu tranh, tin theo ánh sáng của Đảng và Bác Hồ.
Trên giá sách cũ của ông vẫn còn lưu giữ cuốn “Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam (Báo cáo đọc ở Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 16 đến 20-7-1948), do nhà văn Nông Minh Châu tặng. Đó không chỉ là kỷ vật cá nhân, mà là minh chứng sống cho sự gắn bó giữa văn hóa và cách mạng từ những ngày đầu còn gian khó.
Dành trọn niềm tin cho Đảng
Bên cạnh các cây bút lớp trước, nhiều tác phẩm thơ ca sau này tiếp tục khắc sâu hình ảnh Đảng và Bác Hồ trong trái tim người dân. Tiêu biểu là bài thơ “Hạt giống đầu tiên” của nhà thơ Dương Khâu Luông viết về sự kiện lịch sử Ngày thành lập Chi bộ Chí Kiên - Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn (22/9/1943 - 22/9/2023). Chỉ qua bốn câu thơ đã khắc họa nên biểu tượng mạnh mẽ về sự khởi đầu đầy gian khó:
“Hạt giống đầu tiên gieo nơi Coỏng Tát
Vất vả nhọc nhằn qua bao gió mưa
Kể sao hết công lao nhóm lửa trên mặt nước
Mới thành cây nở hoa trái bây giờ”.
Hình ảnh “nhóm lửa trên mặt nước” trong bài thơ như ẩn dụ cho những nỗ lực phi thường để giữ vững niềm tin, gây dựng tổ chức cách mạng giữa vùng rừng núi hiểm trở. Đó là biểu tượng của sự bền bỉ, cống hiến không mệt mỏi – cũng là tinh thần mà văn học Bắc Kạn không ngừng truyền tải.
Với tấm lòng son sắt và niềm tin với Bác Hồ, nhiều văn nghệ sĩ Bắc Kạn đã viết nên những tác phẩm đặc sắc. thể hiện tấm lòng kính yêu và thương mến dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc:
“Bác Hồ ơi! Chúng con đã chiến thắng
Toàn dân ta đã chiến thắng
Đường mòn Hồ Chí Minh nay thành đại lộ
Như Bác và nhân dân ta hằng mong ước
Tự hào đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.”
(Tháng năm nhớ Bác- Hà Hữu Nghị)

Theo thời gian, Văn học nghệ thuật ngày càng phát triển mạnh mẽ, cùng với thơ, ca, nghệ sĩ các chuyên ngành như Mỹ thuật; Nhiếp ảnh; Sân khấu biểu diễn… đã không ngừng sáng tạo say mê, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Tiếp bước các nhà văn, nhà thơ đã đặt những viên gạch rực lửa chan chứa tình yêu nước, lớp lớp văn nghệ sĩ trẻ hôm nay tiếp tục vững cây bút, sáng tạo thêm các tác phẩm sắc bén, góp sức cùng công tác tuyên truyền của Đảng. Đó là họa sĩ Trần Giang Nam, Trần Mạnh Kiên; nhà thơ Phùng Thị Hương Ly… Những tác phẩm về người lính, về quê hương đã góp phần truyền tải niềm tin mạnh mẽ đến người dân.
Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập và đổi mới, văn học nghệ thuật Bắc Kạn vẫn tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những vần thơ, truyện ngắn, bút ký thắp lửa tình yêu nước, những tác phẩm sân khấu, tranh vẽ tái hiện hình ảnh người chiến sĩ, người dân tộc thiểu số kiên trung... vẫn âm thầm gieo mầm lý tưởng sống cao đẹp, khơi dậy niềm tự hào về quê hương, về lịch sử dựng nước và giữ nước. Văn học nghệ thuật không chỉ là kênh truyền cảm hứng, mà còn là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại – để tinh thần cách mạng luôn hiện hữu trong từng nhịp sống đời thường của con người Bắc Kạn hôm nay./.