Người giữ hồn văn hóa dân tộc

Bằng niềm đam mê, tâm huyết của mình, nhiều nghệ nhân trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung, nghệ nhân người Khmer nói riêng đã và đang miệt mài tham gia gìn giữ, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong đó phải kể đến Nghệ nhân Hữu Văn Kel, ở ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình.

Nghệ nhân Hữu Văn Kel năm nay đã 59 tuổi, nhưng ông không ngừng nỗ lực trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc của đồng bào dân tộc mình. Ngoài là Ðội trưởng Ðội Nhạc trống lớn, ông Kel còn là Ðội trưởng Ðội trống Sa-dăm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh hoạt văn hóa dân gian của ấp Cây Khô; người uy tín trong phum, sóc; là giáo viên dạy chữ Khmer tại địa phương. Ông vốn là người xuất thân từ tu học, am hiểu sâu sắc nguồn cội, truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào Khmer, bản thân ông luôn tâm huyết giữ gìn văn hóa bản sắc dân tộc mình. Ông đang nhận nhiệm vụ cất giữ các thể loại nhạc cụ dân tộc.

Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ông Hữu Văn Kel không ngừng truyền đạt cho thế hệ trẻ những điệu múa truyền thống của dân tộc, đặc biệt để phục vụ trong dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2025.

Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ông Hữu Văn Kel không ngừng truyền đạt cho thế hệ trẻ những điệu múa truyền thống của dân tộc, đặc biệt để phục vụ trong dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2025.

Ðặc biệt, trong những ngày trước khi diễn ra Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer năm 2025, ông Hữu Văn Kel còn tổ chức dạy cho con em đồng bào dân tộc những điệu múa truyền thống nhằm phục vụ văn nghệ góp vui trong 3 ngày Tết.

Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình Nghệ nhân Hữu Văn Kel bao giờ cũng vậy, các nhạc cụ được ông cất giữ ngăn nắp và bảo quản rất chú đáo để khi có khách đến tham quan dễ nhìn, tiếp cận tìm hiểu. Bên cạnh đó, khi bà con gần xa có nhu cầu, ông Kel luôn sẵn sàng phục vụ hết mình. Mới đây, ông được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau tặng nhiều trang phục truyền thống Khmer cùng một số dụng cụ văn hóa và tủ để cất giữ đảm bảo an toàn.

Nhạc cụ được Nghệ nhân Hữu Văn Kel cất giữ, bảo quản cẩn thận, ngăn nắp.

Nhạc cụ được Nghệ nhân Hữu Văn Kel cất giữ, bảo quản cẩn thận, ngăn nắp.

Nói về công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, Nghệ nhân Hữu Văn Kel cho biết: “Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, nhiều lo ngại về văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc sẽ dần mai một nếu thiếu sự góp sức của các thế hệ trẻ. Tôi luôn trăn trở làm thế nào để gìn giữ, phát huy được các giá trị văn hóa dân tộc mình, giúp bà con hiểu rõ hơn, nhất là lớp trẻ để họ không quay lưng với văn hóa truyền thống mà cha ông đã dày công tạo dựng, trao truyền đến nay. Ðặc biệt, nhạc cụ trống lớn thường được sử dụng trong các sự kiện trọng đại diễn ra tại phum, sóc và trong các ngôi chùa Nam tông Khmer. Vì vậy, công tác bảo tồn và gìn giữ hết sức cần thiết”.

“Ðến nay, gần 30 năm gắn bó với nghề này cũng chính vì tôi quá đam mê sau khi cha và những người lớn tuổi đều qua đời, tôi quyết tâm thành lập lại đội nhạc cụ, trong đó có nhạc trống lớn. Ngoài ra, tôi còn tập cho các em, các cháu những điệu múa truyền thống (Ram vong, Saravan, Lâm leo...). Tôi mong muốn có người kế thừa, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay để góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Không chỉ riêng thể loại nhạc trống lớn mà những gì là bản sắc dân tộc ông cha ta để lại mình phải cùng nhau gìn giữ và phát huy”, ông Kel chia sẻ./.

Danh Ðiệp

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nguoi-giu-hon-van-hoa-dan-toc-a38377.html