Văn học nghệ thuật chờ 'mùa gặt' mới

Để có những 'mùa gặt' mới trong văn học nghệ thuật, cần khơi dậy mạch nguồn sáng tạo thể hiện bản sắc độc đáo, đủ sức hòa vào dòng chảy thế giới.

Dấu ấn và bước chuyển mình

Nửa thế kỷ qua sau khi đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật Việt Nam đã tạo nên một bức tranh đa sắc, phản ánh chân thực và sinh động đời sống dân tộc qua bao thăng trầm lịch sử. Trên khắp các lĩnh vực văn học, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu và các loại hình nghệ thuật truyền thống, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào.

Trong lĩnh vực văn học, theo GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, nói đến sự phát triển của văn học là nói đến một quá trình, với sự tiếp nối của nhiều thế hệ. Theo đó, đã có cuộc đồng hành ngoạn mục gồm hơn 3 thế hệ viết: thế hệ tiền chiến, thế hệ chống Pháp và thế hệ chống Mỹ, gối sang thời Đổi mới. Cuộc đồng hành này đã để lại cho văn học hiện đại từ sau 1945 đến nửa đầu thập niên 1990 những câu, những bài, tập thơ, áng văn hay nhất về lòng yêu nước và yêu dân, về chủ nghĩa anh hùng và sự hài hòa gắn kết giữa cái chung và cái riêng của con người và Tổ quốc Việt Nam, trước một cuộc chuyển động dữ dội và những thử thách khốc liệt nhất của lịch sử.

Khơi dậy mạch nguồn sáng tạo văn học nghệ thuật. Ảnh: Thụy Du

Khơi dậy mạch nguồn sáng tạo văn học nghệ thuật. Ảnh: Thụy Du

Tuy nhiên, GS. Phong Lê cũng cho rằng, gương mặt văn học từ Đổi mới sang hội nhập, kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay, với độ dài 25 năm còn chưa gây được ấn tượng mạnh mẽ, vượt trội và ngoạn mục, trong so sánh với các "mùa gặt" lớn của lịch sử, và trong tương quan với thời cuộc.

Các loại hình nghệ thuật được duy trì và phát triển, đồng thời xuất hiện nhiều tác phẩm mới mang hơi thở đương đại, kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, trong bối cảnh giao lưu văn hóa quốc tế ngày càng sâu rộng, văn học nghệ thuật Việt Nam đã chủ động hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống ra thế giới. Nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đã có cơ hội giao lưu, trình diễn tại các sự kiện văn hóa quốc tế, góp phần làm giàu thêm bức tranh văn hóa đa dạng của thế giới.

TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định, văn nghệ sĩ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã nhiều lần vượt qua thách thức để góp phần to lớn vào công cuộc giữ nước và dựng nước của dân tộc. Hiện nay công chúng đang ngóng những tác giả, tác phẩm có dấu ấn thời gian như thời chiến. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác ta lại thấy những tín hiệu đáng mừng.

Chẳng hạn như, tranh Việt Nam đã tham gia thị trường quốc tế, phim Việt cũng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, âm nhạc Việt cũng đã có tác phẩm người nước ngoài yêu thích bỏ tiền mua… Đây là những tín hiệu nhỏ nhưng kỳ vọng lớn bởi hình như văn nghệ sĩ đã tìm được lối đi riêng, độc đáo của văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Đồng bộ chính sách phát triển

Bên cạnh những tác phẩm có giá trị cao trên nhiều lĩnh vực, PGS. TS. Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận về sự vắng bóng của những công trình, tác phẩm có tầm vóc, được công chúng trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao; sự sa sút nghiêm trọng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian và bác học. Cùng với đó là các sản phẩm văn hóa ngoại lai, chất lượng thấp, không phù hợp, thậm chí phản cảm tràn ngập, chiếm lĩnh đa phần các phân khúc thị trường văn hóa. Số lượng tác phẩm viết ra ngày càng nhiều, song ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, chưa làm rung động lòng người và ở lại lâu với công chúng, chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc.

Tạo môi trường thuận lợi cho văn học nghệ thuật phát triển. Ảnh: Th. Nguyên

Tạo môi trường thuận lợi cho văn học nghệ thuật phát triển. Ảnh: Th. Nguyên

PGS. TS. Đỗ Hồng Quân góp ý, ưu tiên đầu tư để phát triển đội ngũ và tổ chức, ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài; chăm lo cho đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà có đủ năng lực và điều kiện cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, cần dành ưu tiên đầu tư phát triển những ngành đào tạo, môn nghệ thuật không thể thích ứng hoặc khó thích ứng được với cơ chế thị trường, nhưng vô cùng cần thiết với sự phát triển của toàn lĩnh vực, và để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, như kịch hát dân tộc, tuồng, chèo, cải lương, hát xoan, ghẹo, ví dặm, ca trù, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam Bộ...; các loại hình nghệ thuật hàn lâm nhạc giao hưởng, thính phòng, múa ballet...

Nguồn lực đầu tư cho văn học nghệ thuật còn hạn chế, chưa tương xứng với vai trò và tiềm năng phát triển của lĩnh vực này. Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần có cơ chế để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, nhất là thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội.

Đặc biệt, hoàn thiện thể chế, chính sách là yếu tố then chốt tạo môi trường thuận lợi cho văn học nghệ thuật phát triển. Bởi hiện nay có sự thiếu đồng bộ trong chính sách phát triển văn học nghệ thuật; nhiều lĩnh vực nghệ thuật chưa có luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh, như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh… Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa là hướng đi quan trọng để tạo động lực mới cho văn học nghệ thuật phát triển bền vững và phát huy tối đa vai trò của mình trong kỷ nguyên mới.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoc-nghe-thuat-cho-mua-gat-moi-10372454.html