Văn học nghệ thuật Đồng Nai: Góp sức xây dựng, phát triển đất nước, con người Việt Nam
Trong dòng chảy lịch sử Biên Hòa - Đồng Nai hơn 325 năm hình thành và phát triển cho đến nay, nền văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai với đặc trưng văn hóa vùng miền đã tạo nên những loại hình VHNT độc đáo, là cái nôi chung đúc, nuôi dưỡng nên những nhân tài nghệ thuật, đóng góp lớn cho nền VHNT Việt Nam.
Với 50 năm đồng hành, góp sức xây dựng con người Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển toàn diện, VHNT tỉnh nhà đã và đang có bước chuyển tích cực, tạo nên bản sắc riêng trong sự phát triển chung của đất nước.
Đồng hành cùng quê hương, đất nước
Sau ngày đất nước thống nhất, VHNT Đồng Nai luôn giữ và phát huy vai trò là dòng chủ lưu sáng tạo, liên tục điều chỉnh, bổ sung, khẳng định, bám sát với hiện thực đời sống xã hội của địa phương và đất nước. Từ những năm 1975-1980, VHNT Đồng Nai chưa ra đời nhưng Phong trào Văn nghệ quần chúng đã phát triển rất sôi nổi, các buổi diễn văn nghệ luôn thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đây được xem là giai đoạn làm nền để văn nghệ sĩ Đồng Nai trưởng thành, có thể quy tụ, hội nhập làm nên nền VHNT Đồng Nai hôm nay.
Nhà văn Bùi Công Thuấn kể, ông may mắn có mặt ở Đồng Nai từ những ngày đầu hoạt động phong trào cho đến khi Hội VHNT Đồng Nai thành lập. Ở thời kỳ đầu, số lượng hội viên, người viết văn rất ít. Phải sau năm 1985, Đồng Nai mới xuất hiện nhiều tác giả trưởng thành từ trong kháng chiến và từ sau đổi mới như: Đàm Chu Văn, Đỗ Minh Dương, Lê Đăng Kháng, Nguyễn Thái Hải, Nguyễn Một, Trần Thu Hằng… So với cả nước, văn học của Đồng Nai phát triển mạnh, có đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển của VHNT Việt Nam.
Lấy ví dụ về số lượng hội viên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam những năm qua, nhà văn Bùi Công Thuấn cho biết, Đồng Nai có số lượng hội viên đông chỉ sau Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Về tác giả đoạt giải thưởng VHNT của Trung ương có các nhà văn như: Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm, Nguyễn Thái Hải, Nguyễn Trí, Nguyễn Một… Những giải thưởng đó khẳng định tài năng, giá trị của văn học Đồng Nai, vượt trội so với nhiều tỉnh, thành.
“Dòng chủ đạo chính của văn học Đồng Nai thời gian qua là cách mạng kháng chiến, đạt nhiều thành tựu to lớn, sau đó phát triển thêm văn học dân chủ nhân văn và văn học thiếu nhi. Từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến thơ ca…, Đồng Nai đều có những cây bút tài năng. Chúng ta nhìn văn học Đồng Nai thì có thể nhìn ra văn học cả nước” - nhà văn Bùi Công Thuấn nói.
Đi qua chặng đường gần nửa thế kỷ đồng hành với quê hương, đất nước, với nền VHNT Việt Nam, nhà thơ Đỗ Minh Dương cho hay, sở dĩ VHNT tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ, không ngừng quảng bá và lan tỏa trong và ngoài nước là bởi VHNT Đồng Nai luôn được địa phương quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ hoạt động. Ngoài ra, Đồng Nai là nơi hội tụ con người, tinh hoa văn hóa từ nhiều vùng quê trong cả nước. Các hội viên được thừa hưởng truyền thống, tự mỗi người ý thức được trách nhiệm của mình để lao động, sáng tạo nghệ thuật, xây dựng quê hương.
Trên lĩnh vực văn nghệ dân gian, theo tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt, Phó chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, nếu soi xét vào văn học, văn học dân gian Đồng Nai chỉ là một “góc” nhỏ trong sự phát triển chung. Phần ngữ văn dân gian lồng ghép trong kho tàng sử thi, truyện kể, các bản văn, văn cúng. Ở góc độ văn hóa, văn nghệ dân gian đóng góp nhiều hơn. Đã có nhiều công trình văn nghệ dân gian Đồng Nai được xuất bản, công bố, lan tỏa giá trị văn hóa Đồng Nai như: phong tục tập quán, truyền thống, lễ hội, tín ngưỡng… đến với công chúng trong và ngoài tỉnh.
Với lĩnh vực âm nhạc, sân khấu điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa của Đồng Nai phát triển mạnh mẽ trong dòng chảy VHNT Việt Nam 50 năm qua. Như chia sẻ của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn, âm nhạc đã và đang góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai, bởi đây là vùng đất có bề dày lịch sử và giá trị văn hóa đặc sắc, là cái nôi nuôi dưỡng nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ tài năng. Nhiều tác phẩm âm nhạc về Biên Hòa - Đồng Nai được ra đời, cho thấy sức sáng tạo mãnh liệt, tài năng đáng trân trọng của các thế hệ nhạc sĩ Đồng Nai.
Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn bộc bạch: “Khó có thể kể hết những ca khúc viết về Đồng Nai trong gần 50 năm qua, nhưng rõ ràng nếu kết nối lại sẽ tạo nên một bức tranh bằng âm nhạc đầy ý nghĩa. Đây thực sự là một di sản âm nhạc quý giá của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam đương đại nói chung, Đồng Nai nói riêng mà không phải địa phương nào cũng có được”.
Nghệ sĩ Nhân dân GIANG MẠNH HÀ, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, cho biết: “Năm 2025 là tròn 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (1975-2025). Nửa thế kỷ qua, các thế hệ văn nghệ sĩ Đồng Nai đã phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, tích cực kế thừa, vun đắp và thắp sáng bản sắc quê hương, sáng tạo nên những tác phẩm VHNT chất lượng. Trong bối cảnh hiện nay, văn nghệ sĩ Đồng Nai - những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nỗ lực sáng tạo, quảng bá và lan tỏa VHNT, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển và hội nhập của quê hương, đất nước”.
Nối tiếp văn mạch của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai
Kế thừa nền VHNT mà các thế hệ cha ông gây dựng, hiện nay, VHNT Đồng Nai bên cạnh giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đã và đang hướng đến những vấn đề xã hội quan tâm. Những nỗ lực làm mới tác phẩm của người trẻ đã và đang được cộng đồng quan tâm, các nhà chuyên môn đánh giá cao và công chúng ghi nhận.
Biên kịch trẻ Lê Vũ Anh Đào, Ban Sân khấu điện ảnh, Hội VHNT Đồng Nai, cho biết trong dòng chảy 50 năm của nền VHNT Việt Nam, người trẻ Đồng Nai hôm nay được tiếp cận với công nghệ hiện đại, các sáng tác không chỉ được xuất bản trên nhiều phương tiện thông tin như: báo, đài truyền hình, sân khấu…, mà còn truyền tải đi khắp mọi nơi nhờ mạng xã hội, sách nói, điện thoại thông minh. Đặc biệt, hoạt động sáng tác VHNT ngày nay được Đảng, Nhà nước, địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ tỉnh nhà trải nghiệm, học tập, sáng tạo.
Tuy nhiên, đối diện với sự phát triển hiện đại, con người ngày càng ưa chuộng những sản phẩm văn hóa, giải trí ngắn gọn, tạo xu hướng và thay đổi xu hướng rất nhanh. Nhu cầu thưởng thức VHNT ngày càng khắt khe, đòi hỏi chuẩn mực cao hơn, hiện đại hơn, hợp xu hướng hơn. Các tác phẩm VHNT đang phải cạnh tranh gay gắt khi ngày càng có nhiều người tham gia sáng tác, hoạt động nghệ thuật.
“Văn nghệ sĩ trẻ chúng tôi vẫn còn thiếu vốn sống, vốn văn hóa và kinh nghiệm sáng tác. Cái bóng của những “cây đa, cây đề” đi trước vô tình trở thành áp lực, buộc chúng tôi phải vượt qua đề tài, phong cách kinh điển để tạo ra nét riêng, chỗ đứng cho bản thân. Tôi luôn tin rằng, với những tác phẩm VHNT mà các thế hệ đi trước để lại sẽ được người trẻ kế thừa để ngày càng hoàn thiện bản thân, tìm ra lối đi riêng, phong cách sáng tác mới, độc đáo của người trẻ” - biên kịch Anh Đào chia sẻ.
Theo nhà văn Nguyễn Thái Hải, VHNT Đồng Nai có nhiều tiềm năng, nhiều hy vọng vào người viết trẻ. Những người lớn tuổi, viết chắc tay đã gần như “lên tới đỉnh”, hoặc bị lặp lại chính mình, trong đó có ông. Nhà văn Nguyễn Thái Hải đã và đang cố gắng thoát khỏi sự lặp lại ấy bằng cách tìm cho mình những đề tài mới như chuyển đề tài thiếu nhi từ câu chuyện trường lớp, gia đình qua đề tài du lịch và thiên nhiên…
Nhà văn Nguyễn Thái Hải cho hay: “Tôi kỳ vọng rất lớn vào những người trẻ - thế hệ mới tiếp nối mạch văn của Biên Hòa - Đồng Nai. Mặc dù không thể kỳ vọng việc họ in sách, ra tác phẩm liên tục như những cây bút đã có chỗ đứng trên văn đàn, song họ nên được ưu tiên, kể cả tổ chức trại sáng tác, hỗ trợ xuất bản cho đến cơ chế để họ tham gia các giải thưởng VHNT”.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, đồng hành cùng quê hương, đất nước suốt chiều dài lịch sử nhưng chưa mấy ai bằng lòng với những gì đã làm được, bởi yêu cầu của cuộc sống, khát vọng vươn tới cái đẹp của VHNT còn ở phía trước. Điều này đòi hỏi văn nghệ sĩ Đồng Nai, nhất là những người trẻ, phải không ngừng nỗ lực để tiếp nối nguồn văn mạch của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hơn 325 năm hình thành và phát triển có chất lượng nghệ thuật, tính tư tưởng cao hơn, tốt hơn, đẹp hơn.