Văn học nghệ thuật Việt Nam luôn phát triển mạnh mẽ trong thời đại 4.0

Ngày 23/4 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề '50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc' nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS. TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, đồng thời là chủ đề lớn và cảm hứng mạnh mẽ trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Sau nhiều năm chiến tranh, văn học nghệ thuật có điều kiện chuyển mình, được phát triển trong một không khí mới, tâm thế mới, bắt nhịp, cổ vũ và đồng hành với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Với đội ngũ tác giả đã trở thành lực lượng tin cậy, trung thành của Đảng và nhân dân, có lòng yêu nước nồng nàn, niềm tự hào dân tộc, tâm huyết với nghề, xứng đáng là người nghệ sĩ - chiến sĩ, lực lượng nòng cốt của nền văn học nghệ thuật cách mạng. Bằng khát vọng cao cả và tài năng, bằng những tác phẩm ưu tú kết tinh bản lĩnh nghệ thuật nhuần nhuyễn, văn học nghệ thuật Việt Nam đã tạo lập cho mình một thương hiệu, một khuôn mặt sáng giá, được công chúng trong nước và cộng đồng văn hóa nghệ thuật quốc tế trân trọng ghi nhận.

PGS. TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo.

PGS. TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo.

“Văn học nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua là một dòng chảy liên tục, mạnh mẽ, góp phần bồi đắp nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới”, PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.

Tại hội thảo, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết: "Hội thảo “50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” là dịp để nhìn lại, đánh giá một cách khoa học, khách quan và toàn diện những thành tựu quan trọng mà văn học nghệ thuật Việt Nam đã đạt được trong 50 qua, đặc biệt trong bối cảnh đất nước thống nhất, đổi mới và hội nhập".

Nói về lĩnh vực văn hóa, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, trong 50 năm qua, văn học ta đã làm được hai việc: một là trả nợ quá khứ, hai là nhập cuộc đổi mới. Trước hết là trả nợ cuộc chiến tranh chống Mỹ, sau đó là hai cuộc chiến tranh biên giới diễn ra ở hai đầu đất nước. Cuộc trả nợ này còn có tên gọi khác là văn học viết về chiến tranh mà nhân vật trung tâm là “anh bộ đội Cụ Hồ”.

Sau đó, là trả nợ với lịch sử dựng nước và giữ nước, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, người đi tiên phong và có thành tựu nhất trong mảng văn học này phải kể đến nhà văn Hoàng Quốc Hải, người đã dành hầu như cả đời mình để hoàn thành hai bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý gồm 4 tập và Bão táp triều Trần gồm 6 tập. Đây là hai triều đại có võ công oanh liệt nhất chống ngoại xâm với hai nhân vật tiêu biểu được xây dựng rất thành công là Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo...

NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, bức tranh sân khấu Việt Nam trở nên đa sắc diện với sự góp mặt của nhiều cây bút tài năng ở cả hai miền.

NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, bức tranh sân khấu Việt Nam trở nên đa sắc diện với sự góp mặt của nhiều cây bút tài năng ở cả hai miền.

Đối với lĩnh vực sân khấu điện ảnh, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, bức tranh sân khấu Việt Nam trở nên đa sắc diện với sự góp mặt của nhiều cây bút tài năng ở cả hai miền, họ mang trong mình vốn sống sâu sắc trước những biến động lớn của đất nước.

Để sân khấu tiếp tục giữ vững vị thế trong lòng công chúng, ông đề xuất một số giải pháp như: Tăng cường đào tạo đội ngũ sáng tác, lý luận phê bình; Xây dựng đề án mở một kênh truyền hình cho nghệ thuật biểu diễn, Đầu tư cho sáng tác và cơ sở vật chất; Xây dựng đề án Sân khấu tổng hợp.

Bên cạnh những ưu điểm, thành tựu to lớn mà văn học nghệ thuật đạt được trong 50 năm qua, các tham luận tại Hội thảo cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác lãnh đạo, quản lý và thực hành văn hóa, văn nghệ như: Việc xây dựng thể chế, thiết chế văn hóa, văn nghệ còn chậm, thiếu đồng bộ; Đời sống văn hóa, văn nghệ còn nhiều khó khăn, thách thức; Không có nhiều tác phẩm văn nghệ đạt đỉnh cao, chưa tương xứng với tầm vóc sự nghiệp cách mạng và kháng chiến vĩ đại của dân tộc cũng như sự nghiệp đổi mới;...

Toàn cảnh hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”.

Toàn cảnh hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhấn mạnh, Hội thảo “50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” được tổ chức vào đúng dịp quan trọng, đây được xem là dấu mốc chốt lại của một giai đoạn, đồng thời đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của văn học nghệ thuật.

"45 tham luận được gửi về cùng các ý kiến được đưa ra trao đổi tại Hội thảo đã góp phần tổng kết những thành tựu nổi bật của văn học nghệ thuật Việt Nam trong 50 năm qua. Đồng thời, đã lưu ý việc đúc rút các kinh nghiệm về tổ chức và nghề nghiệp, đầu tư các nguồn lực hiệu quả để tiếp tục phát huy thành tựu, khắc phục những thiếu sót, bất cập, tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại cách mạng công nghệ và của công chúng", GS Lê Hồng Lý nói thêm.

Trung Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-luon-phat-trien-manh-me-trong-thoi-dai-4-0-10288087.html