Văn học thiếu nhi Việt Nam cần sự nhận diện rõ ràng hơn

Xã hội càng phát triển cùng thời đại công nghệ số thì với trẻ em việc lựa chọn các hình thức giải trí cũng trở nên đa dạng hơn. Dù vậy, sách vẫn là một hình thức giải trí truyền thống và có một vị trí bền vững trong thế giới tuổi thơ. Nhưng có một thực tế mà chúng ta nhận thấy là sách cho thiếu nhi của tác giả trong nước đang có sự chênh lệch rất lớn về số lượng, cũng như sự thu hút so với sách thiếu nhi của nước ngoài. Có lẽ đã đến lúc sự nhận diện cho văn học thiếu nhi Việt Nam cần rõ ràng hơn.

“Dế mèn phiêu liêu ký” là cuốn sách thân thuộc, yêu thích nhất cô bé Minh Khuê từ ngày còn thơ bé tới giờ. Với lịch sử ra đời đã 70 năm, hơn 50 lần tái bản, 30 bản dịch các ngôn ngữ khác nhau - tác phẩm của nhà văn Tô Hoài sở hữu những con số đầy ấn tượng mà hiếm có một tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam đạt được. Sự cuốn hút của "Dế mèn phiêu lưu ký" qua nhiều thế hệ đã được khẳng định. Tuy nhiên, đây cũng lại là tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam hiếm hoi xuất hiện trên giá sách của gia đình bé Minh Khuê giữa phần lớn sách thiếu nhi nước ngoài.

Thực trạng "rỗng hoặc hiếm" sách văn học thiếu nhi Việt Nam trên kệ sách không phải là câu chuyện riêng của một gia đình, mà là câu chuyện chung của nhiều gia đình hiện nay. Tác phẩm nổi bật ít, độ nhận diện thấp khiến bao năm qua, nhắc tới văn học thiếu nhi Việt Nam thì những cái tên nổi bật đều là những tác phẩm kinh điển ra đời cách đây cả vài chục năm như "Dế mèn phưu lưu ký", "Góc sân khoảng trời"...

Nhận thức rõ thực trạng thiếu sân chơi cho văn học thiếu nhi Việt Nam phát triển, Nhà Xuất bản Kim Đồng cũng đã thành lập Giải thưởng Văn học Kim Đồng và phát động Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 – 2025, với hi vọng đem lại diện mạo mới cho văn học thiếu nhi hiện đại.

Trong đợt trao giải thưởng "Sách Quốc gia 2023", văn học thiếu nhi có tới 6/41 tác phẩm được trao giải và đều được đánh giá cao như các tác phẩm: "Mùa hè đáng nhớ của Vàng A Lềnh và Vừ Mí Lùng"; "Những đứa trẻ hạnh phúc", "Em yêu Việt Nam mình"....Tuy nhiên, làm sao để các quyển sách thiếu nhi có chất lượng này xuất hiện trên các kệ sách gia đình thì lại là những câu hỏi cần sự tháo gỡ hiện nay.

Bên cạnh những cuộc vận động sáng tác hay các giải thưởng về văn học thiếu nhi thì rất cần sự quảng bá tác phẩm qua nhiều phương thức, đặc biệt là đưa vào các chương trình giảng dạy, ngoại khóa của nhà trường. Đây sẽ là những cơ sở quan trọng để thúc đẩy văn học thiếu nhi ngày càng phát triển mạnh mẽ, phong phú hơn, từ đó sẽ có những tác phẩm thật sự hấp dẫn, thu hút đến độc giả nhí trong sự nhận diện rõ ràng của văn học thiếu nhi Việt Nam.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Nhật Thảo - Đức Minh

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/van-hoc-thieu-nhi-viet-nam-can-su-nhan-dien-ro-rang-hon-233861.htm