Văn học Việt Nam 65 năm một chặng đường
Ngày 24/5, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt các nhà văn tiêu biểu nhân Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa cùng những lời chúc mừng tốt đẹp tới Hội Nhà văn Việt Nam và các văn nghệ sĩ.
Tham dự buổi gặp mặt có nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam; đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng các nhà văn, nhà thơ đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật, các văn nghệ sĩ tiêu biểu nhiều thế hệ.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đọc diễn văn về chặng đường 65 năm hình thành, phát triển của Hội, gắn liền với lịch sử hào hùng của đất nước. Trước khi Hội chính thức được thành lập, đã có bao thế hệ nhà văn, nhà thơ dấn thân, hy sinh xương máu cho sự nghiệp đấu tranh vì nền độc lập tự do của đất nước. Đó là thế hệ đã đặt nền móng vững vàng cho nền văn học nước nhà - một nền văn học tôn vinh vẻ đẹp nhân văn, khát khao chân chính.
Trong chặng đường 65 năm, từ 278 hội viên ban đầu tới nay với hơn 1.000 hội viên, các thế hệ nhà văn Việt Nam đã luôn gắn kết, đồng hành cùng dân tộc. Mỗi thế hệ mang đến một giọng nói mới, giá trị mới, địa tầng mới cho văn hóa dân tộc, nhờ đó bản chất nền văn học vì con người, vì dân tộc sẽ không bao giờ thay đổi. Trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều tác phẩm được quảng bá, nhiều nhà văn nhận giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế, văn học sẽ lớn lên cùng đất nước, ở một tầm cao mới. Hội Nhà văn chỉ thực sự vững mạnh khi các nhà văn mang tới cho bạn đọc thêm nhiều tác phẩm nhân văn, sáng tạo, không ngừng đấu tranh cho những điều đẹp đẽ nhất.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, nhà văn cần ý thức sâu sắc hơn về nghề nghiệp, rằng văn chương có theo kịp với sự vận động của văn hóa, của xã hội hay không? Nguy cơ về sự tầm thường ở phương diện văn hóa đã mang tính báo động và nhiệm vụ nâng văn hóa lên tầm cao mới, phù hợp bối cảnh hiện nay, có một phần quan trọng thuộc về văn học nghệ thuật.
Hội Nhà văn Việt Nam nên đề xuất những sáng kiến mới, thử nghiệm mới… với Đảng và Nhà nước về công tác văn nghệ, đưa ra kế hoạch hành động cụ thể với sự giám sát của Trung ương để mang lại hiệu quả tích cực, đúng định hướng. Đây là cơ hội để tạo ra chuyển biến rõ nét, nếu không, chúng ta rất dễ bằng lòng với sự bận rộn thông thường.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, Tổng Thư ký và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (bốn nhiệm kỳ liên tiếp) chia sẻ: Hình ảnh, đóng góp, nhân cách của các thế hệ nhà văn đi trước còn mãi với những chiến công vẻ vang, những hy sinh cao cả. Mỗi thế hệ văn nghệ sĩ, bằng giá trị, vẻ đẹp riêng, đã đem đến cho dòng chảy chung của văn học, nghệ thuật những giá trị tích cực.
Hiện nay, trách nhiệm phát triển văn học đang đặt lên vai thế hệ nhà văn trưởng thành sau chiến tranh. Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã và đang có nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp tình hình mới. Điểm nhấn là sự quan tâm tới thế hệ trẻ thông qua các cuộc thi, giải thưởng và sắp tới là Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc… Điều đó thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chiến lược cho tương lai của nền văn học.
Cuộc gặp mặt diễn trong không khí ấm áp, cởi mở thu hút được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà văn nhiều thế hệ. Đa số ý kiến nhấn mạnh về nhiệm vụ đổi mới, tầm nhìn chiến lược trong chặng đường phát triển của văn học nghệ thuật để ngày càng có thêm nhiều tác phẩm tầm cỡ, tương xứng với thời đại hôm nay. Văn học nghệ thuật phải tạo ra được những giá trị mới, đáp ứng những yêu cầu mới; Hội Nhà văn Việt Nam cần trở thành tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp toàn diện, vững mạnh, xứng đáng với Tổ quốc, với nhân dân.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-chay/van-hoc-viet-nam-65-nam-mot-chang-duong-698483/