Vận hội kinh doanh 2024: Doanh nghiệp phải 'dám chơi, biết chơi và khéo chơi'
Một nước lớn chấp nhận Việt Nam để 'chơi' là bởi chúng ta có những yếu tố để họ phải 'chơi' cùng. Bài toán đặt ra là doanh nghiệp phải 'dám chơi, biết chơi và khéo chơi'.
Đây là chia sẻ của các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp tại tọa đàm kinh tế “Vận hội kinh doanh 2024” do Câu lạc bộ (CLB) CEO 1983 tổ chức. Tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 1 năm thành lập CLB CEO 1983 và hướng ứng ngày Doanh nhân Việt Nam.
Bao giờ kinh tế Việt Nam khởi sắc?
Chia sẻ tại tọa đàm, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết dù vẫn gặp nhiều thách thức, nhưng cuối năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực nhờ vào nỗ lực nội tại của bản thân từng doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Dù vậy, TS Võ Trí Thành nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay nhìn chung vẫn ở mức thấp. Từ nay đến giữa năm 2024, tình hình kinh tế vẫn sẽ rất khó khăn, rủi ro bất định còn rất lớn. Tăng trưởng kinh tế của cả năm 2023 sẽ chỉ có thể đạt ngưỡng từ 5 - 5,5%.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang có nền tảng hội nhập và liên kết tốt. Kinh tế vĩ mô duy trì khá ổn định. Bất động sản đang ấm dần, dù những giao dịch vẫn chưa thể sôi động so với năm 2019… Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt có thể tin tưởng, kỳ vọng.
Trong khi đó, Phó Viện trưởng Viện Trí Việt (Bộ KH&CN) Nguyễn Hữu Thái Hòa cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, vận hội dành cho doanh nghiệp không phải là không có. Tuy nhiên, hội nhập sẽ đi kèm với những rủi ro.
“Nhiều doanh nghiệp còn thiếu tìm tòi, chưa hiểu biết sâu rộng các quy định của đối tác phát triển, nhất là các công ty nước ngoài. Không ít doanh nghiệp hoạt động sản xuất nhưng còn lơ mơ về ISO, thậm chí còn… đi mua ISO. Tư duy như vậy thì rất khó phát triển…” - ông Nguyễn Hữu Thái Hòa chia sẻ.
Tham góp ý kiến, TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế cao cấp, đánh giá Việt Nam có độ mở nền kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, điều này cũng đi cùng với sự lệ thuộc của chúng ta vào tình hình kinh tế thế giới, nhất là biến động của những đối tác lớn về thương mại như Hoa Kỳ hay Trung Quốc.
“Quan hệ với bất cứ nước nào, ngay cả Hoa Kỳ cũng có rủi ro. Do đó, bên cạnh nâng cao năng lực để nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp cũng cần hết sức cẩn trọng với những vận hội kinh doanh trong năm 2024…” - TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan điểm.
Chuyển đổi số là “kim chỉ nam”
Dẫn chứng câu chuyện đón đầu cơ hội của tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch Novaon Group Nguyễn Minh Quý cho rằng, địa phương đã có được lợi thế rất lớn nhờ tiếp cận được nguồn lực đầu tư trong những những lĩnh vực rất nóng hiện nay như thiết bị điện - điện tử, chíp bán dẫn…
“Cá nhân tôi cho rằng, trước cơ hội cũng cần thận trọng, nhưng cũng phải nhìn nhận trong đó có vận hội, vì biết đâu trong vận hội có cơ hội lớn…” - ông Nguyễn Minh Quý chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh “đây là thời kỳ thử thách bản lĩnh của doanh nghiệp…”.
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp để có thể chớp được vận hội kinh doanh 2024, TS Võ Trí Thành cho rằng, các doanh nghiệp cần tiếp cận để nắm bắt thông tin. Nâng cao năng lực quản trị rủi ro và bắt nhịp với xu thế. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi nền kinh tế theo xu hướng mới - xu hướng xanh, chuyển đổi số sẽ là “kim chỉ nam” để doanh nghiệp bước qua khó khăn, duy trì và phát triển doanh nghiệp ổn định.
“Một nước lớn chấp nhận Việt Nam để “chơi” là bởi chúng ta cũng có những yếu tố để họ phải “chơi” cùng. Bài toán đặt ra là doanh nghiệp phải “dám chơi, biết chơi và khéo chơi”…” - TS Võ Trí Thành nói.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là điều mà các doanh nghiệp cần học hỏi. Thay vì đố kỵ, thì cần học hỏi cái hay, ủng hộ các tích cực để giảm cái tiêu cực. Doanh nghiệp cũng cần khẳng định, củng cố nội lực và nâng cấp chính mình để sẵn sàng đón nhận vận hội kinh doanh trong năm 2024.
“Tọa đàm “Vận hội kinh doanh 2024” giúp các doanh nghiệp nhìn nhận bức tranh kinh tế trong giai đoạn hiện tại cũng như những dự đoán về bài toán chung của nền kinh tế trong năm 2024. Từ đó có những định hướng, giải pháp thích ứng mới nhằm nắm bắt và làm chủ cơ hội, khắc phục khó khăn, đưa doanh nghiệp phát triển bền vững…” - Chủ tịch Câu lạc bộ CEO 1983 Lê Dung.