Vận hội mới cho các doanh nghiệp công nghệ Việt năm 2024
Năm 2024 hứa hẹn mở ra một chương mới đầy triển vọng cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khi đất nước đi vào giai đoạn phổ cập hạ tầng số toàn diện.
Kinh tế số ước tính đóng góp 16,5% GDP
Theo báo cáo mới nhất của Vietnam Report, năm 2023, kinh tế số ước tính đã đóng góp khoảng 16,5% GDP của Việt Nam (tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2021, 2022 lần lượt là 11,9% và 14,3%), với tốc độ phát triển kinh tế số khoảng 20%/năm, gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP nói chung và tiếp tục đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Vị thế của Việt Nam tiếp tục ghi nhận dấu ấn cải thiện trên bản đồ công nghệ thế giới khi được Liên Hợp Quốc đánh giá tăng 10 bậc về dữ liệu mở.
Trong khi đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) của Việt Nam năm qua đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu.
Về phía ngành công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) nói chung và các doanh nghiệp trong ngành, đà tăng trưởng trong năm 2023 đã bị chững lại phần nào trước những cơn gió ngược trong kinh tế vĩ mô toàn cầu và căng thẳng địa chính trị trong năm qua.
Trong đó, các đơn hàng công nghệ xuất khẩu bị ảnh hưởng trực diện với kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 127 tỉ USD, giảm 4,9% so năm 2022 và là lần đầu ghi nhận sự sụt giảm trong 4 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, trên mặt bằng chung kém thuận lợi của các ngành, câu chuyện của ngành công nghệ trong năm qua nhìn chung vẫn ổn định với doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT tăng trưởng 1,4% so với năm 2022, ước đạt 142 tỉ USD và tiếp tục đóng góp vào nền kinh tế 887.398 tỉ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022.
Trong quý 1/2024, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đạt gần 36,3 tỉ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ; trong khi xuất khẩu sản phẩm CNTT cũng khởi sắc khi tăng 17%, đạt mức 31 tỉ USD.
Theo khảo sát của Vietnam Report, gam màu lạc quan bao phủ thị trường với 100% số doanh nghiệp đồng thuận rằng tăng trưởng vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo của ngành trong nửa cuối năm, song hành cùng sự ổn định và phục hồi của nền kinh tế vĩ mô.
Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng vào sự bứt phá mạnh mẽ của ngành trong nửa cuối năm đã xuất hiện trở lại (11,1%) và 88,9% số doanh nghiệp dự báo ngành CNTT sẽ duy trì đà tăng trưởng trong 6 tháng tới (17,5% so với kết quả khảo sát cách đây một năm).
Năm 2024 hứa hẹn nhiều triển vọng
Theo giới chuyên gia, năm 2024 hứa hẹn mở ra một chương mới đầy triển vọng cho các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam.
Đây là thời điểm đất nước bước vào giai đoạn phổ cập hạ tầng số toàn diện, đồng thời đánh dấu nhiều bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực công nghệ và viễn thông. Trong đó đáng chú ý là sự ra đời của nhiều bộ luật mới về điện tử, viễn thông; thương mại hóa 5G; xu hướng phát triển và tích hợp mạnh mẽ của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), điện toán lượng tử… hay cơ hội hiện thực hóa giấc mơ bán dẫn.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc phát huy các động lực tăng trưởng cũ như đầu tư, xuất khẩu… thì việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số là xu hướng tất yếu.
Tuy nhiên, để phát triển được kinh tế số, cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mạng và viễn thông, khuyến khích việc phát triển các ứng dụng và dịch vụ dựa trên công nghệ số.
Ngoài ra, nhân lực số là vấn đề rất quan trọng. Theo đó, cần đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật số; thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp để cung cấp các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
Ông Thịnh cũng cho rằng cần tạo môi trường pháp lý ổn định và thuận lợi để phát triển kinh tế số. Các chính sách khuyến khích sự đầu tư và phát triển trong lĩnh vực kinh tế số, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ mới, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Một yếu tố cũng rất quan trọng theo ông Thịnh là tăng cường an ninh mạng và bảo mật thông tin, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và kỹ thuật phòng chống tấn công mạng.
TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng với kinh tế số, cần nhất quán quan điểm “cân bằng giữa cởi mở và kiểm soát rủi ro”.
“Tư tưởng “cởi mở” là cần thiết mới có thể kiến tạo phát triển kịp thời, không bỏ lỡ cơ hội, thậm chí là tiên phong trong một số lĩnh vực… Tuy nhiên, cũng cần kiểm soát rủi ro, nhất là CNTT, an ninh mạng, thông tin - dữ liệu...”, ông Lực nói.
Vietnam Report cũng cho hay, năm 2024, Chính phủ đưa ra định hướng phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp CNTT và truyền thông, số hóa các ngành, quản trị số và dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Đây cũng là năm phổ cập hạ tầng số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động, tạo ra điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ.
Tháng 7.2024 sẽ chứng kiến 2 dự án luật quan trọng được thông qua từ năm ngoái là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi) có hiệu lực thi hành với nhiều nội dung mới. Ngoài ra, Luật Công nghiệp công nghệ số, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và Chiến lược công nghiệp công nghệ số cũng đã được đề xuất xây dựng.