Văn Lâm: Khắc phục khó khăn trong quản lý, khai thác các công trình thủy lợi
Huyện Văn Lâm có tổng diện tích đất tự nhiên là 7.521,38ha, trong đó đất nông nghiệp gần 3.874ha. Tuy nhiên, địa hình của huyện không bằng phẳng, cao thấp đan xen gây khó khăn cho công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhu cầu dân sinh, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cùng với đó, các công trình thủy lợi được đầu tư chưa đồng bộ, phần lớn có công suất nhỏ; tỷ lệ bê tông hóa giao thông nội đồng còn đạt thấp; tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương thấp; nhiều trạm bơm đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được đầu tư, cải tạo, nâng cấp… nên hiệu suất phục vụ tưới tiêu không cao; nguồn kinh phí đầu tư dự án các công trình thủy lợi còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng và cải tạo, nâng cấp các công trình… Ngoài ra, tốc độ phát triển các khu công nghiệp, đô thị, giao thông trên địa bàn huyện diễn ra nhanh dẫn đến việc gia tăng nhu cầu thoát nước khi có mưa lớn xảy ra, gây áp lực lớn cho các công trình thủy lợi do không đủ công suất phục vụ. Tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi ở một số địa phương chưa được giải quyết triệt để…
Công nhân Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Văn Lâm thực hiện bảo dưỡng cống điều tiết tiêu trên kênh T1 trạm bơm Lương Tài
Để khắc phục khó khăn trên, đồng thời đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp cũng như nâng cao chất lượng tiêu chí Thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Từng bước nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng và kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2021 – 2025” (Đề án). Đề án tập trung vào 3 nội dung chính, gồm: Công tác nạo vét thủy lợi Đông Xuân và duy tu hệ thống kênh mương tiêu, trục dẫn; bê tông hóa giao thông nội đồng và kiên cố hóa kênh mương.
Ông Vũ Hữu Thành, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện cho biết: Thực hiện Đề án, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu công tác nạo vét thủy lợi Đông Xuân hằng năm, trên cơ sở đó đề xuất bổ sung các tuyến cần duy tu; tham mưu công tác kiên cố hóa kênh mương thực hiện hàng năm, đồng thời đề xuất bổ sung hoặc thay đổi hạng mục cần kiên cố hóa phù hợp với thực tế. Cùng với đó tham mưu UBND huyện trong việc nâng cao công tác quản lý và sử dụng các công trình thủy lợi trên địa bàn…
Thời gian qua, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu sửa, khôi phục lại; công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi đã được ngành nông nghiệp chuyển giao cho Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện quản lý, khai thác và bảo vệ; giao thông nội đồng được chú trọng… Đến nay, toàn huyện đã kiên cố hóa được 58km kênh mương; việc nạo vét tu bổ kênh mương, tu sửa công trình máy móc thiết bị được quan tâm đầu tư… góp phần nâng cao khả năng phục vụ sản xuất và đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu cho nông nghiệp, hạn chế tình trạng ngập úng, hạn hán, bảo đảm tiêu thoát nước...
Lương Tài là xã thuần nông nên những năm qua công tác thủy lợi được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư. Ông Nguyễn Công Khắc, cán bộ địa chính – nông nghiệp xã cho biết: Thời gian qua, các thôn trên địa bàn đều làm tốt công tác tuyên truyền và tổ chức nghiêm túc việc dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, giải tỏa hành lang lề đường, phát quang bụi rậm, cỏ dại bảo đảm thông thoáng dòng chảy. Xã định kỳ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện tổ chức nạo vét 7 kênh, trong đó có 3 kênh tưới và 4 kênh tiêu với tổng chiều dài 5.820m, khối lượng gần 6,6 nghìn m3. Toàn xã thực hiện làm thủy lợi nội đồng với tổng khối lượng trên 8,4 nghìn m3 bảo đảm phục vụ tốt cho việc tưới, tiêu…
Dẫn chúng tôi đi thăm một số công trình thủy lợi trọng điểm của huyện, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện cho biết thêm: Thực hiện kế hoạch thủy lợi nội đồng vụ Đông Xuân 2022 - 2023, các xã, thị trấn trong huyện đã tổ chức ra quân chiến dịch từ đầu tháng 12, với mục tiêu nạo vét gần 74,7 nghìn m3. Phấn đấu đến đầu tháng 2/2023 sẽ hoàn thành, bảo đảm phục vụ đúng khung thời vụ sản xuất.
Trong thời gian tới, huyện Văn Lâm sẽ tiếp tục đầu tư nạo vét, tu bổ các công trình thủy lợi trọng điểm để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các kênh mương chính, bảo đảm đủ nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực, chủ động vận động người dân thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong việc xây dựng, tu bổ các công trình thủy lợi, không để xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất trong mùa khô, bảo đảm tưới tiêu kịp thời để người dân yên tâm sản xuất...