Vẫn lo những 'điểm nghẽn' làm khó kích thích tiêu dùng trong nước

Nhìn vào khó khăn của thị trường ô tô như hiện tại để thấy muốn kích cầu cũng không dễ nếu như các khoản thuế, phí chưa nhanh chóng cải thiện cởi mở hơn. Không riêng gì lĩnh vực này, mối lo chung cho việc kích thích tiêu dùng trong nước đang đòi hỏi khâu chính sách phải tiếp tục 'gỡ rào' và đừng tự biến thành 'điểm nghẽn' làm khó người tiêu dùng.

Đến cuối tháng 5 này các hãng ô tô vẫn đang tiếp tục tham gia vào cuộc đua giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Nhất là trước bối cảnh tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô ở Việt Nam tính đến hết tháng 4/2024 đã giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023. Nhất là doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đã sụt giảm đến 17% và rất cần có thêm những động thái để kích cầu.

Từ khó khăn của thị trường ô tô...

Từ việc các hãng ô tô đang giảm giá xe mới sẽ thấy áp lực cạnh tranh thị phần tại Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt hơn, giữa lúc kinh tế khó khăn, người tiêu dùng vẫn còn thắt lưng buộc bụng.

Để kích thích tiêu dùng hiệu quả trong thời điểm này đòi hỏi cần “gỡ rào” ở khâu chính sách với những quy định mớiphù hợp hơn.

Qua trao đổi với VnBusiness, dưới góc nhìn là trưởng phòng kinh doanh của một công ty bảo hiểm tại Tp.HCM, ông Trần Văn Châu cho biết qua gặp gỡ thường xuyên với các khách hàng mua bảo hiểm xe ô tô thì thấy rằng lựa chọn chủ yếu của họ là những xe vừa tiện ích và vừa với túi tiền của họ và phù hợp khoản vay để mua xe (rất nhiều người tiêu dùng chọn hình thức vay ngân hàng để mua).

Theo ông Châu, nhiều người có nhu cầu mua xe đã chia sẻ là giá xe tuy giảm nhưng vẫn còn khá cao so với giá trị thực, thậm chí có những dòng xe vẫn còn cao với giá ở các quốc gia trong khu vực. Và điều mà họ băn khoăn là phải chăng với nhiều loại thuế phí làm cho giá xe vẫn còn ở mức cao (như thuế tiêu thụ đặc biệt làm cho ô tô trong nước có giá cao hơn các nước trong khu vực), nên rất phân vân khi mua xe trong lúc này.

Cũng theo ông Trần Văn Châu, hiện nay người muốn mua xe ô tô có tâm lý trì hoãn mua và ngóng chờ thông tin mới về việc giảm lệ phí trước bạ, để khi có mua xe thì có thể hưởng ưu đãi từ chính sách của Nhà nước và từ các hãng xe.

Giới quan sát cho rằng thị trường ô tô từ đầu năm đến nay gặp khó khăn về sức mua có một phần từ chính sách giảm phí trước bạ đối với ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước chính thức đã hết hiệu lực từ cuối năm 2023.

Thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế và giảm lệ phí trước bạ, với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Để cải thiện sức mua, các doanh nghiệp (DN), ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang hy vọng có thể được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ lần thứ 4, từ đầu tháng 7 đến hết tháng 12/2024.

Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét ban hành quy định gia hạn một loạt các loại thuế, trong đó có thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Trước đó, Bộ Tài chính có đề xuất các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể là lùi thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế các tháng 6, 7, 8 và 9/2024 sang muộn nhất vào ngày 20/11/2024.

Đến ‘gỡ rào’ cho người tiêu dùng

Không chỉ riêng vấn đề khó khăn của thị trường ô tô, để kích thích tiêu dùng nói chung vẫn đang rất cần tiếp tục tháo gỡ những rào cản từ khâu chính sách. Đơn cử như Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sắp tới được xem là cách để “gỡ rào” cho vay nhỏ lẻ.

Cụ thể, với các khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu đời sống, khoản cho vay tiêu dùng, khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của quỹ tín dụng nhân dân…thì khách hàng không cần cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi và thông tin về người có liên quan.

Giới chuyên gia nhận định với đặc thù các khoản cho vay nhỏ thì quy định này khá phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tiêu dùng trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các công ty cho vay tiêu dùng với thủ tục đơn giản hơn, từ đó sẽ kích thích tiêu dùng.

Thực ra, với lĩnh vực cho vay tài chính, điều mong mỏi vẫn là cần hoàn thiện các hành lang pháp lý, có khung pháp lý vững chắc, bao quát hơn các chủ thể cho vay và đi vay, xử lý vấn đề nợ xấu. Để từ đó phía tổ chức tài chính cho vay cũng yên tâm, tránh vi phạm pháp luật, còn người tiêu dùng khi đi vay cũng có trách nhiệm hơn.

Như thông tin mới đây từ CTCP F88 (chuyên hoạt động trong lĩnh vực tài chính cho vay, cầm đồ), hoạt động của cho vay của họ đang phục hồi rõ nét, nhanh chóng trở lại đà tăng trưởng từ sau Tết Nguyên đán, giúp duy trì được dư nợ cho vay mặc dù nhu cầu vay vốn giảm theo yếu tố mùa vụ. Tỷ lệ khách hàng mới tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức tăng 9% trong quý 1/2024.

Theo chia sẻ của công ty này, đó là nhờ tập trung vào các khoản vay chất lượng tốt hơn, quản lý rủi ro chặt chẽ hơn. Với việc làm khá tốt so với các thông lệ của ngành tài chính tiêu dùng, nên hơn 89% khách hàng hài lòng với các liên hệ nhắc nợ đúng hạn và 78% hài lòng với các liên hệ nhắc nợ trễ hạn.

Hoặc như việc phát triển mạng lưới đại lý thanh toán hiện đại đến với người tiêu dùng cũng là một cách thức để kích thích sức mua. Do đó, chính sách liên quan đến hoạt động của các đại lý thanh toán cũng cần cởi mở, phù hợp hơn.

Thế nhưng, Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động đại lý thanh toán do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo vẫn chưa thể làm cho DN và người tiêu dùng yên tâm. Trong hạ tuần tháng 5/2024, khi góp ý vào Dự thảo này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có lưu ý Điều 6.5 của Dự thảo quy định bên nhận đại lý chỉ có thể là DN (và các đơn vị hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng) là chưa hợp lý vì hạn chế chủ thể được làm đại lý thanh toán.

Điều này sẽ hạn chế đáng kể khả năng tìm kiếm, lựa chọn đại lý, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít có DN hoạt động. Từ đó không đáp ứng mục tiêu của chính sách này là thúc đẩy dịch vụ thanh toán đến những vùng chưa phủ bởi hệ thống ngân hàng. Và như thế vô hình chung cũng ảnh hưởng tiêu cực đến việc kích thích tiêu dùng ở vùng nông thôn.

Không những vậy, trong một số điều của Dự thảo còn được VCCI chỉ rõ một số bất cập khác liên quan đến duy trì số dư tại tài khoản thanh toán, phí đại lý, số lượng điểm đại lý thanh toán tại địa bàn nông thôn, hạn mức giao dịch, sự tham gia của các đối tác trong hoạt động đại lý thanh toán.

Trong khi đó, tầm quan trọng của các đại lý thanh toán là rất hữu ích như hiện nay. Nhất là giúp người tiêu dùng tiếp cận với hệ sinh thái kinh tế số, thúc đẩy thói quen tiêu dùng, thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương.

Tóm lại, để không làm khó nhằm tăng kích thích tiêu dùng trong nước thì một trong những điều kiện tiên quyết là cần phải tránh các “điểm nghẽn” ở khâu chính sách. Một khi người tiêu dùng được “gỡ rào” từ những quy định mới cởi mở hơn, cũng như tránh tiếp diễn những quy định chưa phù hợp, thì sức mua chắc chắn sẽ được cải thiện hiệu quả.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/van-lo-nhung-diem-nghen-lam-kho-kich-thich-tieu-dung-trong-nuoc-1100056.html