Vẫn mãi luôn 'là niềm hi vọng chói ngời tim ta'…

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trên con đường giải phóng dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Quá trình 90 năm xây dựng, trưởng thành của Đảng bộ Quảng Trị gắn liền với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, đã để lại nhiều chiến công oanh liệt, nhiều thành tựu to lớn, ghi đậm những dấu ấn hào hùng trong trang sử vẻ vang của dân tộc. Đóng góp vào những thành tựu vĩ đại đó là sự hi sinh, cống hiến thầm lặng của những cán bộ, đảng viên, nhân dân kiên trung Quảng Trị; họ là những con người của 'đời thường lấp lánh', làm rạng rỡ thêm truyền thống vinh quang của Đảng, của quê hương, đất nước…

 Đồng bào các dân tộc huyện Hướng Hóa trong ngày hội của quê hương. Ảnh: ĐTT

Đồng bào các dân tộc huyện Hướng Hóa trong ngày hội của quê hương. Ảnh: ĐTT

1. Cách nay chừng 30 năm về trước, trong một lần tiếp cận với cuốn sổ ghi chép của một cán bộ cách mạng bám trụ kiên cường một trong những địa bàn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi đã đọc được câu chuyện hết sức cảm động. Chắp nối những câu chữ và mạch chuyện đứt quãng qua từng trang viết, tôi hình dung ra nhân vật của câu chuyện là một o du kích hoạt động nơi vùng địch hậu, 18 tuổi, xinh đẹp và dũng cảm. Sống và đánh giặc trên quê hương, ngay nơi vùng chiến khu tại thời điểm mà cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bước vào giai đoạn cam go nhất, cũng như bao đồng chí, đồng đội, o du kích nhỏ ngày ngày bám trụ địa bàn, giặc đến thì đánh, tìm giặc mà đánh, giặc lui rồi lại thong thả trở về với ruộng vườn, trồng lúa, trồng khoai, nuôi quân, nuôi dân bền gan kháng chiến. Ở đâu cũng thấy bóng dáng nhỏ bé của o, trên những triền đồi tăng gia nắng cháy hay trong đêm đen thăm thẳm, khoác súng dẫn bộ đội luồn sâu vùng địch tạm chiếm, về bám dân, bám đất, gây dựng phong trào cách mạng. Nhận thấy đây là một nhân tố tích cực, sau một thời gian giác ngộ, thử thách, chi bộ quyết định kết nạp o du kích vào Đảng. Thời điểm kết nạp Đảng đã ấn định. Một căn hầm kiên cố đã được trang hoàng ấm cúng với chân dung Bác Hồ kính yêu, cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Màu cờ thiêng liêng như điệp trùng với màu đất ba dan kiên trung của vùng chiến khu, từng thắm máu của biết bao anh hùng liệt sĩ và quân dân nơi “đầu sóng ngọn gió” mười mấy năm trời chưa có được một giấc ngủ trọn vẹn. Theo kế hoạch, 7 giờ tối ngày N., những cán bộ hoạt động trong lòng địch được lệnh tạm rời địa bàn bám trụ, vượt qua nhiều vòng bom đạn, ruồng bố giăng mắc của địch cùng về chung vui với đồng chí, đồng đội mình…

Trưa ngày N. giặc mở một trận càn vào chiến khu. Bộ đội địa phương, dân quân du kích tập trung lực lượng đánh trả. Khi tiếng súng cuối cùng trên trận địa ngừng nổ, toàn lực lượng thu quân và trong đội hình tập kết, o du kích đã được đồng đội đưa về trên chiếc võng sũng máu. Người du kích quả cảm ấy hi sinh ngay trên quê hương mình khi chuẩn bị bước sang tuổi 19 và chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa thôi sẽ được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Sau khi an táng đồng đội mình xong, đúng 7 giờ tối ngày N. lễ kết nạp o du kích vào Đảng vẫn được tiến hành. Xin ghi lại những vần thơ từ trang viết thấm đẫm mùi khói đạn chiến trường và những giọt nước mắt khóc thương đồng đội. Chủ nhân của cuốn sổ ghi chép chia sẻ rằng, những vần thơ trong nhật kí không phải do ông sáng tác. Ông chỉ chép lại theo trí nhớ bài thơ của một tác giả mà ông từng được đọc, in trên tờ báo từ miền Bắc gửi vào. Do điều kiện chiến trường, nên tác giả bài thơ ông không được rõ, một số câu từ ông ghi chép chưa chính xác. Cho đến bây giờ, nếu tác giả bài thơ có đọc được, cũng thông cảm với hoàn cảnh thời đó mà thể tất cho. Nhưng như một cơ duyên kì lạ, bài thơ viết về một cô gái kiên trung nơi hậu phương miền Bắc mà lại gắn vào cuộc đời của o du kích nơi vùng chiến khu, vành vạnh trong từng câu, từng chữ.

Chi bộ kết nạp em

Ngoài trời gió lặng hẳn

Căn phòng sáng ánh đèn

Sáng bừng lên cờ Đảng…

Người giới thiệu nghẹn ngào

Nửa chừng không nói được

Trong căn phòng trang nghiêm

Bỗng bật lên tiếng nấc

Em ơi! em ở đâu?

Em về đây với Đảng!

Trong những giờ phút này

Em là người cộng sản

Em chẳng tuyên thệ được

Chi bộ hiểu em rồi

Dòng máu em đỏ thắm

Rực như màu cờ tươi…

2. “Rực như màu cờ tươi!” là máu đào mà o du kích cũng như cả dân tộc đã đổ xuống đất này để có ngày tự do, độc lập, hạnh phúc đong đầy. Đó cũng là màu cờ Tổ quốc, cờ Đảng quang vinh từng xao xuyến trong tim ta khi nghe giai điệu trong bài ca “Màu cờ tôi yêu” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, thơ Diệp Minh Tuyền cất lên, vang vọng: “Hồng như màu của bình minh/ Đỏ như màu máu của mình tim ơi/ Búa liềm vàng rực giữa trời/ Là niềm hi vọng chói ngời tim ta…

Chỉ một niềm tin son sắt với Đảng và niềm hi vọng vĩnh hằng đó thôi đã tạo nên một sức mạnh tinh thần vô giá để những người cộng sản vượt qua biết bao cam go, thử thách, từ ngục tù tới chiến trường, vượt lên chính mình, chiến thắng kẻ thù xâm lược, trọn vẹn niềm tin với Đảng, với nước, với dân: “Trong đêm tối lúc mưa sa/ Màu cờ đỏ vẫn sáng lòa hồn tôi/ Thênh thang trên bước đường đời/ Ôi màu cờ ấy là màu giục tôi...

 Người dân thắp hương tại Khu di tích Nhà Tằm Tân Tường, Cam Thành, Cam Lộ. Ảnh: ĐTT

Người dân thắp hương tại Khu di tích Nhà Tằm Tân Tường, Cam Thành, Cam Lộ. Ảnh: ĐTT

Trong một lần trở về từ Côn Đảo, tôi đến thăm cựu tù chính trị nổi tiếng Hoàng Phùng, người đồng hương đáng kính của tôi. Trong câu chuyện của mình, ông Hoàng Phùng bộc bạch rằng, ông sinh năm 1927, đến mùa xuân này đã là 93 tuổi. Năm 14 tuổi (1942) thi đậu tiểu học, cũng là thời điểm phong trào cách mạng trên quê hương Cam Lộ phát triển mạnh mẽ, ông thoát li theo cách mạng, tháng 2/1948 được kết nạp vào Đảng và đến tháng 8/1948 nhận nhiệm vụ chánh thư kí văn phòng Huyện ủy Cam Lộ. Tháng 3/1949, ông được Thường vụ Tỉnh ủy cử đi học bồi dưỡng chính trị tại phân khu nam Bình Trị Thiên, lúc trở về được giữ lại làm cán bộ huấn học, sau đó là cán bộ chỉnh huấn của Đảng. Ngày 5/7/1956, trong một chuyến công tác, ông bị địch bắt tại thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ, Hải Lăng (thị xã Quảng Trị bây giờ). Gần 20 năm bị giam cầm hành hạ tại Lao xá Quảng Trị (10 tháng), lưu đày ra Côn Đảo 18 năm, có đến 12 năm tại Côn Đảo, ông được tập thể ủy nhiệm làm đại diện phòng và ở “chuồng cọp”, tổng đại diện Trại 1-6B. Ông kể, đấu tranh với địch trong nhà lao đẫm máu, mức độ tàn khốc thì không bút giấy nào tả xiết, song vẫn có những câu chuyện lí thú. Một sinh viên Sài Gòn 17 tuổi, bị địch tra tấn dã man và hỏi đi hỏi lại: “Vào Đảng lúc nào?”. Đáp: “Tôi vào Đảng từ khi các ông bắt tôi”. Em Các, một thiếu niên Quảng Ngãi, khi bị địch bắt, tra tấn, hỏi: “Ai lãnh đạo đấu tranh trong lao?”. Đáp: “Tôi lãnh đạo tôi”. Địch tiếp tục đánh. Các khẳng khái: “Đánh mỏi tay thì nghỉ đi. Đánh mãi không có ích gì đâu”. Trước khí thế đấu tranh của ta, bọn quản đốc nhà lao phải thốt lên: “Bạo lực không bao giờ thắng được trái tim của người cộng sản!”.

Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 1/5/1975, toàn bộ nhà lao mới được rũ tung xiềng xích. Ông Hoàng Phùng xúc động: “Thoát được tù đày trở về xem như được sống lại trong vòng tay của Đảng, của dân. Reo mừng nhìn lại lá cờ đỏ sao vàng như trên trời rơi xuống!”.

3. Quảng Trị, một vùng đất có hình thế núi sông hùng vĩ, nơi từng được coi là “phên dậu”, “trọng trấn”, “trấn biên”, là “tuyến đầu”, “tiêu điểm” của những cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm gắn với những địa danh nổi tiếng như cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị… Trải qua thời gian, con người trên mảnh đất nhỏ hẹp đầy nắng và gió khắc nghiệt này đã vượt qua mọi gian nan, thử thách, làm nên những kì tích hào hùng trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương, đất nước.

Quảng Trị còn là mảnh đất màu mỡ để những “hạt giống đỏ” cách mạng gieo trồng, bén rễ, phát triển mạnh mẽ và đầy nội lực. Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, sớm được tiếp nhận ánh sáng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, nên ngay từ những năm 1926, ở Quảng Trị hình thành nhiều tổ chức yêu nước. Tháng 11/1929, 3 chi bộ Đảng Cộng sản là An Tiêm, Tường Vân (Triệu Phong), Tân Tường (Cam Lộ) được thành lập. Đây là 3 chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Quảng Trị, đánh dấu bước trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Quảng Trị. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Sự kiện trọng đại này đã tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng ở Quảng Trị, nhiều chi bộ đảng được thành lập và phát triển ở hầu khắp các phủ, huyện trong tỉnh, làm hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng. Sau quá trình chuẩn bị, ngày 21/4/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thế Tiết, Nguyễn Hữu Mão, Trần Hữu Dực, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị được thành lập, trở thành một trong những địa phương có tổ chức Đảng sớm nhất ở Trung Kì.

Vừa mới ra đời, Đảng bộ Quảng Trị đã tổ chức lãnh đạo nhân dân vùng lên làm cách mạng. Hưởng ứng cao trào 1930-1931, phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển sôi nổi. Ở khắp nơi treo cờ Đảng, rải truyền đơn, nông dân chống thuế, đòi chia ruộng đất, chống phu phen, tạp dịch, công nhân đòi tăng tiền công, đòi ngày làm việc 8 giờ, tiểu thương bãi chợ, đòi giảm thuế. Tiếp đó là cuộc vận động cách mạng thời kì 1936 - 1939. Với khí thế sục sôi của Cách mạng tháng Tám, đêm 22, rạng ngày 23/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng đã nổ ra và kết thúc thắng lợi. Chính quyền cách mạng được thành lập, đánh dấu sự đổi đời của nhân dân Quảng Trị sau hơn 80 năm trời sống trong cảnh nô lệ thực dân. Sự nghiệp chống Pháp, chống Mỹ cứu nước thắng lợi đã ghi lại những dấu ấn lịch sử vẻ vang, khẳng định lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần cách mạng kiên cường, ý chí chiến đấu anh dũng của Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị.

Trong thời kì đổi mới, công tác xây dựng Đảng và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở tỉnh Quảng Trị được chăm lo, từng bước khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, năng lực lãnh đạo của cấp ủy các cấp trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong thực hiện các nghị quyết của Trung ương gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện nghiêm túc, tạo đồng thuận trong tổ chức thực hiện. Dân chủ được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố, tăng cường. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự phát triển của quê hương, đất nước; tạo niềm tin, khí thế, động lực để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

Tiến bước dưới ngọn cờ tiên phong của Đảng, 90 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành, Đảng bộ, nhân dân Quảng Trị đã vượt qua bao khó khăn thách thức, giành được những thắng lợi và thành tựu quan trọng, rất đáng tự hào. Những thành tựu to lớn đó đã khẳng định vai trò, vị trí của Quảng Trị đối với đất nước, tôn vinh ý chí tự lực tự cường, bản lĩnh và sức sống của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị. Trong chặng đường đi lên cùng cả nước, dù vẫn còn đó bao thời cơ và thách thức đan xen, nhưng có hề chi, ngọn cờ búa liềm vẫn đang giục giã chúng ta phía trước với niềm tin vững chắc về tương lai tươi sáng. Và trong mỗi một người dân yêu nước, ngọn cờ thắm đỏ đó vẫn mãi luôn “là niềm hi vọng chói ngời tim ta”…

Đào Tâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=145249