Văn miếu Huế - Hy vọng Xuân về
Công viên nước Thủy Tiên Huế 'rùng rợn' lại là nơi du khách đổ xô đến, rồi bắt ngờ nổi tiếng trên tạp chí du lịch nước ngoài. Văn miếu Huế cũng vậy, sau một thời gian chìm trong lãng quên, thiếu chăm sóc, bỗng gần đây, lượng khách tăng lên vùn vụt. Các di tích suýt trở thành 'phế tích' ấy giờ đang trở thành điểm đến thu hút 'nóng' giới trẻ…
Quốc Tử Giám Huế là trường đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại trên đất nước ta. Nơi đây đã trở thành một bộ phận trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế Giới. Nguồn: Internet.
Từ đường Trần Hưng Đạo - Phố thương mại phát triển nhất ở thành phố Huế, khách đi dọc theo sông Hương ngược lên Kim Long, gần 7km nối tiếp đường Văn Thánh là đến di tích Văn miếu Huế. Ở Hà Nội, Văn miếu được xây dựng năm 1070, đời thứ 2 vua Lý Thánh Tông, đánh dấu thời kỳ cực thịnh của Nho giáo. Tròn 7 thế kỷ sau đó, Văn miếu xứ Đàng Trong được chúa Nguyễn Phúc Khoát cho xây dựng tại Long Hồ, phía Tây kinh thành Huế. Vua Gia Long phục quốc định đô xong, tiếp tục cho xây dựng hoàn chỉnh Văn miếu Huế tại địa điểm cũ, cổng miếu nhìn thẳng ra sông Hương. Từ cổng miếu đi theo đường trung đạo, vào giữa sân là đền thờ Khổng Tử và Mạnh Tử, cùng với các bậc thánh hiền đạo Nho khác. Hai bên có 2 nhà bia tiến sĩ, bia đặt trên lưng rùa, khắc tên các vị hiền tài cả nước. Cuối dãy nhà, có nhà bia của vua Minh Mạng dặn dò về việc Thái Giám không được cho làm quan; nhà bia thứ 2 của vua Thiệu Trị cũng căn dặn họ hàng bên vợ nhà Vua không được tham gia triều chính.
Kể tù năm 1808 đời vua Gia Long thứ 6, Văn miếu Huế trải qua các đời vua sau vẫn là một di tích lịch sử quan trọng, có ý nghĩa cốt lõi với chế độ phong kiến. Văn miếu được trùng tu, sửa chữa vào năm 1818 (đời Gia Long), 1822 (vua Minh Mạng), năm 1895 và 1903 (đời vua Thành Thái).
Chiến tranh bùng nổ tháng 12 năm 1946 đến năm 1947, quân Pháp chiếm được Huế, lập đồn bốt ở những trọng điểm trong đó là Văn miếu, để kiểm soát vùng bán sơn địa phía Tây, lính Pháp phá chánh điện, tả vu và hữu vu đem làm đồn lũy.
Ngày nay tuy Đại Thành Môn đã hư hại nhưng còn giữ được nét đẹp hoành tráng. Từ cổng nhìn vào, chính giữa là nền móng ngôi chánh điện tên gọi Đại Thành Điện. Hai bên tả hữu chánh điện còn nền cũ của 2 ngôi nhà bảy gian đối diện nhau, tên là Đông Vu và Tây Vu. Nằm trên bờ Bắc sông Hương cổng Linh tinh môn chỉ còn 4 trụ bằng gạch, phía trên trang trí pháp lam và tấm biển khắc 4 chữ hán- Đạo Tại Lưỡng Gian (đạo giữa trời đất), mặt trái khắc 4 chữ -Trác Việt Thiên Cổ (vượt cao ngàn xưa).
Các năm gần đây, bỗng nhiên du khách trong và ngoài nước thích đến quay phim và chụp ảnh, Văn miếu Huế thu hút sự chú ý của mọi người. Ngày 26/10/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế đã họp bàn về Văn miếu Huế, chủ trương đầu tư dự án “Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi giai đoạn 1”. Dự án triển khai trong 3 năm, phục hồi toàn bộ công trình chính điện rộng 830m2, toàn bộ hệ khung gỗ, mái ngói và tất cả các đồ nội thất. Bên ngoài sẽ tu bổ sân miếu, Đại thành môn, Kim thanh môn, Ngọc chấn môn, Văn miếu môn và hạ tầng kỹ thuật liên quan.Như vậy đầu năm 2025, Thừa Thiên- Huế sẽ có Văn miếu hoàn chỉnh đón khách tham quan.
Vũ Hảo
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/van-mieu-hue-hy-vong-xuan-ve-a17419.html