Văn miếu Trấn Biên: Đổi mới để phát triển bền vững
Văn miếu Trấn Biên ra đời là bằng chứng thể hiện rõ nét diễn biến tư tưởng văn hóa thời các chúa Nguyễn; đánh đấu sự tiếp nối mạch nguồn văn hóa, truyền thống trọng học của dân tộc Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ.
* Hồi sinh một di sản quý giá
Năm Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715, Nguyễn Phúc Chu) tức năm thứ 25 triều Hiển Tông hoàng đế, Văn miếu Trấn Biên được khởi dựng tại địa phận thôn Bình Thành và thôn Tân Lại, huyện Phước Chánh, dinh Trấn Biên. Phương vị tiền miếu hướng nam nhìn ra Phước Giang (sông Đồng Nai), hậu miếu dựa vào Long Sơn (núi Long Ẩn). Đến năm Giáp Dần thời Trung Hưng (1734), chúa Nguyễn cho trùng tu lại Văn miếu Trấn Biên, sử dụng nguyên vật liệu gạch thẻ xây tường, mái lợp gói âm dương, cột kèo gỗ quý chạm khắc tinh xảo, bố cục tổng thể kiến trúc gồm 12 hạng mục: điện Đại Thành, miếu thần, đền Dục Thánh, nhà Sùng Văn, nhà Dị Lễ, Khuê Văn các, Đại Thành môn, Kim Thanh môn, Ngọc Trấn môn, Văn Miếu môn, Tả Nghi môn, Hữu Nghi môn đều nằm trong vòng thành hình vuông.
Năm 1852, Văn Miếu Trấn Biên lại được vua Tự Đức cho phép trùng tu, mở rộng. Trong Văn miếu Trấn Biên thờ các vị tiên sư của đạo Nho, các vị tiền hiền có công đức khai khẩn vùng đất Trấn Biên, những người đỗ đạt khoa cử, có công truyền dạy nghề và phát triển văn hóa cho địa phương. Cùng với các thiết chế thờ tự tôn nghiêm khác, Văn miếu Trấn Biên đã trở thành một cơ sở tín ngưỡng văn hóa quan trọng, góp phần khẳng định chủ quyền của các chúa Nguyễn và vua Nguyễn ở vùng đất phương Nam.
Hiện Văn miếu Trấn Biên lưu trữ khoảng 800 hiện vật lịch sử văn hóa, phải nhanh chóng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số để phục vụ cho bảo tồn, quảng bá di tích.
Đến giữa thế kỷ XIX, chiến tranh loạn lạc xảy ra liên miên, Văn miếu Trấn Biên dần lụi tàn theo thời gian. Nhưng rồi Văn miếu Trấn Biên đã hồi sinh ở cuối thế kỷ XX, khi Biên Hòa - Đồng Nai kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển (1698-1998), Tỉnh ủy - UBND tỉnh đã cho xây mới trên vùng đất Tân Lại xưa (phường Bửu Long ngày nay). Mục đích tái thiết Văn miếu Trấn Biên nhằm tôn vinh các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất nước; phát huy tinh thần tôn sư trọng đạo; bảo tồn và phát triển một thiết chế văn hóa đặc biệt của người Đồng Nai. Kiến trúc nghệ thuật Văn miếu Trấn Biên là sự kế thừa tinh hoa kiến trúc Văn miếu Quốc Tử Giám và đặc trưng văn hóa Nam Bộ... Từ khi xây dựng mới đến nay, Văn miếu Trấn Biên đã trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa - giáo dục hết sức ý nghĩa, đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho biết: “Năm 2023, được sự quan tâm của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai, di tích lịch sử quốc gia Văn miếu Trấn Biên được tu sửa, chỉnh trang một số hạng mục, dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2024. Di tích sẽ từng bước trở thành một không gian văn hóa với nhiều hoạt động phong phú, sinh động, điển hình như: các chương trình giáo dục di sản, triển lãm văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, thi tìm hiểu lịch sử...”.
* Đối mới để từng bước phát triển bền vững
Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là đô thị hóa, thiết chế văn hóa đặc biệt này còn nhiều thách thức, trong đó có vấn đề quy hoạch phát triển, kết nối di sản với du lịch để khơi dậy tiềm năng, khẳng định giá trị một cách tương xứng.
Vì thế giải pháp lập đồ án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Văn miếu Trấn Biên là nhiệm vụ cấp thiết. Các nhiệm vụ trong đồ án sẽ xác định rõ những gì di tích đang bảo tồn và cần tiếp tục được bảo tồn như thế nào? Lộ trình khai thác từng khu vực sao cho phù hợp chức năng? Phương thức tích hợp phát triển cụm du lịch Văn miếu Trấn Biên - Danh thắng Bửu Long - Chùa Bửu Phong - Miếu Tổ Sư và kết nối tour tham quan với các di tích ở thành phố Biên Hòa như thế nào? Ngoài ra, sẽ giúp việc xác định ranh giới đất đai, cắm mốc, lập sổ đỏ thuận lợi, ngăn ngừa tình trạng lấn chiếm hay xâm hại di tích như hiện nay.
Muốn phát triển du lịch thì phải xây dựng cho được đề án/phương án khai thác di tích Văn miếu Trấn Biên trên cơ sở áp dụng Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các văn bản hướng dẫn sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên kết, liên doanh trình UBND tỉnh phê duyệt. Từ đó mới có cơ sở pháp lý để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp đáp ứng nhu cầu khách tham quan. Vì thực tế, du khách đến tham quan, dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên rất đông nhưng chưa có một điểm nghỉ chân hay một sản phẩm lưu niệm, một hoạt động vui chơi giải trí nào phục vụ… nên họ chỉ đến một lần.
Trước những yêu cầu mới trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố Biên Hòa trở thành đô thị thông minh/sáng tạo, Văn miếu Trấn Biên cũng phải có những bước chuyển mình từ không gian bảo tồn sang không gian sáng tạo. Tức là không gian tạo cảm xúc cho sáng tạo, không gian tổ chức các hoạt động sáng tạo, không gian trưng bày các sản phẩm sáng tạo, để hình thành nên những giá trị mới cho cộng đồng và xã hội, đưa giá trị di sản mang hơi thở của cuộc sống đương đại.
Chẳng hạn, khu nội tự (vùng lõi) dành riêng cho tổ chức các sự kiện tôn vinh văn hóa truyền thống, sân khấu hóa tái hiện khoa cử và nghi thức tế lễ xưa, chiếu phim lịch sử 3D, phòng trải nghiệm, phòng trưng bày sản phẩm lưu niệm. Khu ngoại tự (vùng đệm) quanh Ao Văn và Vườn tượng danh nhân văn hóa quy hoạch xây dựng các khu lưu niệm, khu vui chơi giải trí, triển lãm ngoài trời, biểu diễn nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Khu Hội quán Trấn Biên trở thành nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, ẩm thực độc đáo. Khu Vườn tượng nghệ thuật kết hợp cây cối thành không gian xanh, dã ngoại… Có như vậy, di tích mới trở thành một điểm trải nghiệm hấp dẫn, bổ ích.
Tiến sĩ Trần Đăng Ninh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai cho rằng: “Việc phát huy giá trị của di tích Văn miếu Trấn Biên cần có sự kết hợp đồng bộ giữa khai thác và hiệu quả khai thác. Trong đó, chú ý đến đa dạng các hoạt động và dịch vụ phụ trợ xung quanh di tích. Để du khách khi đến đây vừa hưởng thụ sản phẩm văn hóa tinh thần vừa trải nghiệm không gian của Văn miếu Trấn Biên. Do vậy, trước mắt, ngoài việc tôn tạo trong Văn miếu thì cũng cần quan tâm, tạo nét độc đáo cho không gian của công viên vườn tượng danh nhân và vườn tượng nghệ thuật. Cần có sự phối hợp với các đơn vị sử dụng dịch vụ là các công ty lữ hành để truyền thông, quảng bá đến du khách…”.
Nếu chúng ta biết vận dụng công nghệ số thì giáo dục di sản sẽ giúp đạt hiệu quả cao hơn. Công nghệ số tạo ra sản phẩm thực tế ảo, cung cấp cho du khách nhiều cơ hội văn hóa, chủ động tìm hiểu cái mình cần, thu thập kiến thức dễ dàng.
Thông qua việc số hóa, công nghệ về lưu trữ cùng với các phần mềm tái hiện đa phương tiện, công chúng sẽ được tiếp cận, khai thác và tương tác mà không làm tổn hại đến di tích. Số hóa cũng phù hợp với cách tiếp cận, hưởng thụ văn hóa của công chúng trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 và giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh.
Năm 2022, Bảo tàng Đồng Nai đã xây dựng phim 3600 thực tế ảo công nghệ VR giới thiệu di tích này trên internet. Có lẽ như thế là chưa đủ, cần thêm các ứng dụng công nghệ hiện đại khác như: quét mã QR, thuyết minh tự động, 3D Mapping, 3D Hologram để du khách được trải nghiệm trọn vẹn.
Cuối cùng là vấn đề con người làm di sản/du lịch. Cần khuyến khích tạo điều kiện cho họ được đào tạo, học tập thật chuyên nghiệp, thành thạo công nghệ thông tin/ngoại ngữ, mới có bản lĩnh vận hành Văn miếu Trấn Biên phát huy được giá trị. Vì từ cổ chí kim, hiền tài là nguyên khí quốc gia, năng bồi dưỡng hiền tài để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xây dựng và bảo vệ đất nước. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu trong chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững hiện nay.