Vấn nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành
Thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong 6 tháng đầu năm 2025 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước; đặc biệt trong các lĩnh vực trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, sữa giả… Điều đáng nói, các đối tượng vi phạm không ngừng thay đổi phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức quy mô lớn xuyên quốc gia.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, xử lý gần 50.000 vụ vi phạm. Trong đó có hơn 1.899 vụ bị khởi tố hình sự với 3.271 bị can, số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 6.500 tỷ đồng. Tính riêng trong tháng cao điểm, các bộ ngành, địa phương đã bắt giữ, xử lý 10.836 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…, tăng gần 80% so với tháng liền kề, thu nộp ngân sách gần 1.300 tỷ đồng, tạm giữ tang vật trị giá trên 4.075 tỷ đồng, khởi tố hơn 200 vụ với 378 bị can.
Từ thuốc giả, sữa giả đến thực phẩm chức năng giả…, các mặt hàng này len lỏi vào đời sống hàng ngày của người dân, gây tổn hại đến sức khỏe và tài chính rất lớn. Lực lượng chức năng liên tục phát hiện các kho chứa hàng trăm nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc từ các loại sữa giả, tem mác giả nhập lậu từ biên giới đến thực phẩm chức năng được sản xuất thủ công, pha chế hóa chất độc hại rồi dán nhãn thương hiệu uy tín. Các đường dây sản xuất buôn bán hàng giả đã ăn sâu vào cả mạng lưới thương mại điện tử bán hàng livestream và quảng cáo qua người nổi tiếng, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng…

Phát hiện phương tiện chở hàng hóa vi phạm
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, công tác ra quân cao điểm cho thấy sự vào cuộc nghiêm túc có hiệu quả của các bộ ngành, địa phương với tinh thần 6 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ sản phẩm”, tạo sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức và hành động không chỉ trong cơ quan công quyền mà còn ở người dân, doanh nghiệp. Phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng” được thực hiện quyết liệt, tạo sức răn đe mạnh mẽ. Nhiều cửa hàng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc trên khắp cả nước đã phải đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động có lúc ghi nhận trên 5.500 cửa hàng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thể chế pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều kẽ hở chưa cập nhật với tình hình mới. Các đối tượng triệt để lợi dụng quy định cho phép doanh nghiệp tự công bố chất lượng để hợp thức hóa sản phẩm giả mạo, kết hợp thuê người nổi tiếng để quảng bá công khai những sản phẩm không bảo đảm chất lượng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng…, khiến lực lượng chức năng khó xử lý.
Bên cạnh đó, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ trong lực lượng thực thi còn hạn chế, nhất là khi đối mặt với các lĩnh vực mới như: bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, hàng giả công nghệ cao, xâm phạm sở hữu trí tuệ trực tuyến… Việc xác minh, xử lý vi phạm trên nền tảng mạng đòi hỏi kỹ năng công nghệ, nghiệp vụ phối hợp liên ngành chặt chẽ và điều này vẫn đang là thách thức lớn.

Hải quan - Biên phòng Tây Ninh kiểm tra tại cửa khẩu biên giới
Đáng lo ngại hơn là tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày càng phổ biến, lan rộng, có xu hướng gia tăng nghiêm trọng cả về số lượng và tính chất. Theo thống kê, mỗi năm có hàng chục nghìn vụ việc liên quan đến vi phạm quyền SHTT bị xử lý, trong đó nhóm hàng hóa bị xâm phạm nhiều nhất là thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, linh kiện điện tử, hàng tiêu dùng thương hiệu cao. Việc giả mạo thương hiệu sản xuất hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu diễn ra không chỉ tại thành phố lớn mà còn lan về nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua thương mại truyền thống, chợ, hội chợ, các chương trình khuyến mãi và đặc biệt là sàn thương mại điện tử.
Không chỉ làm giả sản phẩm của doanh nghiệp khác, nhiều cơ sở sản xuất còn tự làm giả chất lượng của chính mình bằng cách cắt giảm hàm lượng, cố tình không thực hiện các quy định pháp luật khi đưa sản phẩm ra thị trường. Tình trạng này đặc biệt phổ biến trong nhóm hàng hóa được tự công bố chịu trách nhiệm bởi thương nhân, chủ sở hữu nhãn hiệu. Việc kiểm tra giám sát còn lỏng lẻo đã tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm phát sinh tràn lan.
Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ quyền SHTT cần được đặt đúng tầm quan trọng không chỉ ở góc độ kinh tế mà còn ở khía cạnh bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Cùng với hệ thống pháp luật đã có, các tổ chức cá nhân cũng cần chủ động trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tích cực phối hợp với lực lượng chức năng khi phát hiện vi phạm, góp phần tạo dựng thị trường minh bạch, công bằng.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thi-truong/van-nan-hang-gia-hang-nhai-hoanh-hanh_180287.html