Vấn nạn thuốc giả, thuốc 'nhái' bán tràn lan
Tình trạng thuốc giả, thuốc 'nhái' xuất hiện trên thị trường khá nhiều, cần có ngay giải pháp ngăn chặn, vì thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người.
Thuốc giả tràn lan
Giữa tháng 7 vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP.HCM) triệt phá đường dây chuyên tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn, do ông Q.N.N (55 tuổi, ngụ tại phường 11, quận 10, TP.HCM) cầm đầu. Cơ quan chức năng đã bắt giữ 10 người cùng nhiều tang vật.
Qua khám xét, công an phát hiện số lượng lớn thuốc ghi các nhãn hiệu nổi tiếng, dùng để điều trị các bệnh tim mạch, viêm đường hô hấp, tăng huyết áp… Bước đầu, những người này khai nhận mua thuốc từ các công ty dược ở trong nước sản xuất, sau đó về thay đổi bao bì, tem, nhãn thuốc thành các loại thuốc ngoại nhập để bán ra thị trường với giá cao.
Cũng trong tháng 7/2023, cơ quan chức năng đã phát hiện trên thị trường một số thuốc giả nhãn mác nhà sản xuất bao gồm các loại thuốc dạng viên nén có tên: Cefuroxim 500 mg; Cefodoxim 200 mg, Cefixin 200 mg, Cefixim 100 mg, Esomeprazol 40 mg, Fluconazol 150.
Cơ quan chức năng cũng nhận được các văn bản của Văn phòng đại diện Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd. Thụy Sỹ tại Hà Nội thông tin về việc phát hiện mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả, trên nhãn ghi: Actemra 400 mg/20 mL, số lô B2101B32.
Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương), để loại bỏ thuốc giả, thuốc nhái, cần có sự chung tay của toàn dân. Trường hợp người tiêu dùng phát hiện hoặc nghi ngờ có gian lận thương mại, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, hãy phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đường dây nóng cho cơ quan có thẩm quyền để phát hiện và xử lý kịp thời.
Mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả do khách hàng cung cấp đã được Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd. so sánh, đối chiếu và xác nhận có các dấu hiệu khác biệt so với mẫu lô thuốc Actemra 400 mg/20 mL, số lô B2101B32 do công ty này phân phối và chỉ lưu hành tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, trong số mẫu thuốc tân dược bị làm giả đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng. Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc thật - giả được đặt cạnh nhau.
Đại diện cơ quan quản lý thị trường cũng thừa nhận, bằng phương pháp thông thường, không thể dễ dàng phát hiện thật, giả một cách chính xác. Kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật - giả của một sản phẩm, nhưng cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả trên thị trường.
Áp dụng công nghệ để nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Nạn thuốc giả hoành hành gây nguy hại rất lớn cho người bệnh. Khi dùng thuốc giả, người bệnh có thể phải tốn rất nhiều tiền để trả tiền mua thuốc, nhưng bệnh không thuyên giảm, thậm chí còn tăng lên, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người bệnh vì nghĩ rằng mình đã lâm vào tình trạng “hết thuốc chữa”.
Thuốc giả còn gây khó cho công tác điều trị, vì nó có thể làm vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị. Trường hợp người bệnh nặng cần phải sử dụng các loại thuốc đặc trị, kháng sinh, mà dùng phải thuốc giả, thì thời điểm vàng để cứu sống bệnh nhân sẽ trôi qua, dẫn đến hậu quả bệnh ngày càng nặng thêm, thậm chí có thể tử vong.
Người bệnh dùng phải thuốc giả có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc, buộc bác sĩ phải thay đổi quy trình điều trị, khiến thời gian điều trị kéo dài, chi phí rất tốn kém.
Những người mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn… (phải dùng thuốc thường xuyên, kéo dài) nếu dùng phải thuốc giả thì rất nguy hiểm cho tính mạng, vì quá trình điều trị không hiệu quả, bệnh ngày càng nặng hơn.
Một số trường hợp thuốc giả chứa hoạt chất, dược chất kém chất lượng do quy trình sản xuất bằng phương pháp thủ công, người sản xuất pha trộn thêm nhiều loại tạp chất khác, thậm chí có thể lẫn cả chất độc, thì người dùng thuốc có thể tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo người dân nên mua thuốc tại địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không mua thuốc “xách tay”, các thuốc được bán trên mạng Internet tại các quốc gia chưa có luật pháp kiểm soát loại hình bán thuốc này.
Trước vấn nạn thuốc giả, thuốc “nhái”, ông Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc (Bộ Y tế) cho rằng, các doanh nghiệp, nhà sản xuất chân chính cần đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý dễ dàng nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đó cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm của mình, chống giả mạo.
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn, đảm bảo kinh doanh thuốc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu. Đồng thời, phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin rộng rãi để người dân không mua thuốc trên mạng Internet, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của thuốc.
Thuốc là sản phẩm đặc biệt, liên quan đến sức khỏe con người. Do đó, cần kiên quyết loại bỏ những sản phẩm giả, nhái và kém chất lượng để bảo vệ sức khỏe người dân. Người dân cũng nên nêu cao cảnh giác với thuốc giả, thuốc nhái, nhất là với những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/van-nan-thuoc-gia-thuoc-nhai-ban-tran-lan-d197120.html