'Vạn ngôn thư' và kế sách tái lập triều Trần
Lê Cảnh Tuân sinh năm 1350 (Canh Dần) người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Tân Hồng (Bình Giang, Hải Dương).
Bức thư vạn chữ rút lại ở 3 kế sách, cũng vì bức thư mà phải bỏ mạng nơi đất khách nhưng Thái học sinh Lê Cảnh Tuân đã để lại cho hậu thế tấm gương soi chiếu về sự trung nghĩa, tiết tháo của người có học.
Bức thư vạn chữ
Lê Cảnh Tuân sinh năm 1350 (Canh Dần) người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Tân Hồng (Bình Giang, Hải Dương). Theo gia phả “Lê thị gia phả sự tích ký” nói về dòng họ Lê ở làng Mộ Trạch vốn gốc ở Lão Lạt huyện Thuần Lộc, Ái Châu (Thanh Hóa). Đây là dòng họ có nhiều người đỗ đạt, làm quan huyện, quan tri phủ hay Tham nghị xứ Kinh Bắc, có người lại giỏi y thuật…
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú cho biết Lê Cảnh Tuân đỗ thi Hương (cử nhân) khoảng năm Xương Phù (niên hiệu của Trần Phế Đế, ở ngôi: 1377 - 1388). Đến năm 1381, thì ông đỗ Thái học sinh (tương đương học vị Tiến sĩ nho học).
Sau khi Hồ Quý Ly phế bỏ (1398) rồi giết chết vua Trần Thuận Tông (1399), một loạt tôn thất và quan lại triều Trần bàn mưu tính kế diệt Hồ Quý Ly. Nhưng cơ mưu bị lộ, việc lớn không thành. Hồ Quý Ly điên cuồng trả thù, sát hại một lúc trên 370 người, trong đó có Thượng tướng Trần Khát Chân là người đã có công giết chết vua Chế Bồng Nga của Chiêm Thành trong trận đánh năm 1390.
Tức giận trước sự việc này, Lê Cảnh Tuân bày mưu và khuyên Bùi Bá Kỳ - một thuộc cấp của Trần Khát Chân bỏ trốn và tìm đường sang kinh đô nhà Minh xin vua Minh đem quân sang tiêu diệt họ Hồ và lập lại họ Trần. Năm 1406, nhà Minh mượn cớ “phù Trần diệt Hồ” sang xâm lược nước Việt.
Trương Phụ đem quân sang nước ta, vua Minh cho Bá Kỳ đi theo trong quân ngũ. Ngày 12 tháng 5 năm Đinh Hợi (1407), Hồ Quý Ly và hai con (Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương) đều bị quân Minh bắt sống tại Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), rồi bị áp giải về Kim Lăng (Nam Kinh, Trung Quốc). Kể từ đó, nhà Hồ mất, nước Việt rơi vào ách thống trị của nhà Minh.
Bá Kỳ được nhà Minh trao cho chức Tham nghị. Ông nhận chức nhưng không cùng bạn đồng liêu bàn tính công việc gì, chỉ ở nhà riêng và thu nạp những quan viên cũ của triều Trần bị sa cơ lỡ bước. Biết vua quan nhà Minh không có ý định tái lập nhà Trần, Lê Cảnh Tuân gửi cho Bùi Bá Kỳ “vạn ngôn thư” (bức thư vạn chữ) khuyên Bùi Bá Kỳ yêu cầu nhà Minh giữ lời hứa.
Thư ấy nêu ba phương sách là thượng, trung và hạ, đại lược nói rằng: “Nhà Minh đã ban cho các hạ (Bùi Bá Kỳ) được theo quân tiến đánh, đợi khi bắt được họ Hồ thì chọn con cháu họ Trần mà lập làm vua, gia tước cho các hạ được làm phụ tá.
Nay thấy thiết lập ti Bố chính, phong tước cao cho các hạ mà chỉ cấp người quét dọn đền miếu nhà Trần (chứ không thấy lo lập lại họ Trần). Nếu các hạ có thể tâu lại, phân tích lời khai của các quan (cũ) và kì lão (các nơi), nói rõ là con cháu họ Trần vẫn còn, xin ban chiếu sắc riêng để phong lại cho họ Trần thì đó là thượng sách.
Nếu các hạ không làm được như thế thì hãy xin thôi chức vị hiện nay, tình nguyện làm quan coi nhà thờ họ Trần, đó là trung sách. Nếu các hạ còn tiếc quan to, tham bổng lộc nhiều, thì đó là hạ sách.
Nếu làm theo thượng sách, tôi xin là nhân sâm, cam thảo, chỉ xác, trần bì... bổ sung vào ô thuốc của các hạ để các hạ tùy nghi sử dụng. Nếu làm theo trung sách, tôi xin được bưng khay chén hầu hạ và cũng xin tùy các hạ sai khiến. Nếu làm theo hạ sách, tôi sẽ là kẻ ẩn dật, sống cho hết tuổi thừa mà thôi”.
Người Nam vì nước Nam
Bấy giờ có viên thổ hào ở Đông Triều (nay thuộc Quảng Ninh) là Phạm Chấn lập Trần Nguyệt Hồ làm vua ở Bình Than, đề cờ chiêu an gọi là Trung nghĩa quân, cho nên người Minh ngờ Bùi Bá Kỳ có bụng khác, bắt đưa về giam ở Kim Lăng. Quân Minh khám nhà Bá Kỳ, bắt được bức thư của Lê Cảnh Tuân nên truy lùng gắt gao.
Lê Cảnh Tuân phải thay đổi tên họ và ẩn tích. Năm 1411, quân Minh lập “Giao Châu học hiệu” tại Thăng Long, ông muốn đến xem. Nghe con ông thiết tha ngăn cản, ông nói: “Nhà ta đời đời ăn lộc (nhà Trần). Một bức thư “vạn ngôn” đã tiết lộ không thành. Nay ta hết lòng thành báo nước, dù chết còn vinh, tiếng trung nghĩa muôn đời còn ghi ở sử xanh. Ta có sợ gì”.
Nói rồi ông giả làm người khách đến chơi, nhận chức dạy học với ý định ngầm thu phục chí sĩ để tính việc phục quốc. Việc bại lộ, ông và người con là Lê Thái Điền đều bị quân Minh bắt giải về Yên Kinh (Bắc Kinh). Minh Thành Tổ hỏi ông rằng: “Mày khuyên Bá Kỳ âm mưu làm phản. Vì sao vậy?”. Ông nói: “Người Nam thì mong nước Nam còn. Chó ông Trích thì cắn người không phải chủ nó. Hỏi làm gì?”.
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” và “Đại Việt sử ký toàn thư” đều cho biết, vua Minh tức giận, giam cha con Lê Cảnh Tuân vào ngục Kim Lăng (Nam Kinh), được 5 năm (1416) thì đều mắc bệnh chết. Tuy nhiên, sách “Từ điển bách khoa Việt Nam” lại cho rằng cha con ông mất ở Yên Kinh (Bắc Kinh).
Sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá “vạn ngôn thư” của Lê Cảnh Tuân rằng: “Ba phương sách của Cảnh Tuân mang khí khái của bậc trượng phu. Ông nhận chức Giáo thụ của nhà Minh chắc có lẽ cũng vì muốn ẩn dật mà không được”.
Về phần Bùi Bá Kỳ, sau khi bị bắt thì giải về giam ở Kim Lăng, rồi sau đó bị nhà Minh giết. Trong “Việt sử giai thoại”, GS Nguyễn Khắc Thuần bàn rằng: “Bùi Bá Kỳ nhận thư vạn ngôn của Lê Cảnh Tuân rồi bỏ đấy, không dám bày tỏ chút ưu ái với Cảnh Tuân, ấy là lỗi. Ông không hề có tham vọng ích kỷ và bẩn thỉu như Trần Thiêm Bình, nhưng sự mơ hồ của ông rốt cuộc cũng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không kém.
Mới hay, sự phản bội có chủ đích với lòng trung ngây thơ mù quáng, đôi khi cũng dễ trộn lẫn vào nhau. Sử cũ viết rằng Bùi Bá Kỳ bị quân Minh nghi ngờ nên bắt đem về Kim Lăng... (Vì) quân thù tin rằng: Hễ tỉnh ngộ, thế nào Bùi Bá Kỳ cũng chống lại quân Minh xâm lược, cho nên cứ hãy bắt ông ngay khi ông chưa kịp tỉnh ngộ là tốt hơn cả... Thương hại thay Bùi Bá Kỳ!”.
Hổ phụ sinh hổ tử
Từ tấm gương sáng của Lê Cảnh Tuân, hậu duệ của ông cũng trở thành những người trung nghĩa hiếm có. Trong đó, người trai cả là Lê Thái Điệp theo cha sang Kim Lăng và về sau cùng cha gửi thân nơi xứ người.
Người con thứ hai là Lê Thiếu Dĩnh, thời trẻ lên kinh du học, được thầy học là viên quan Binh bộ Thượng thư Hoàng Phúc (người Minh) nhận làm con nuôi. Sau nghe tin Lê Lợi dựng cờ nghĩa ở Lam Sơn, ông tham gia nghĩa binh lập được nhiều công trạng to lớn.
Sau khi đánh đuổi được đội quân xâm lược nhà Minh ra khỏi đất nước, Lê Thái Tổ muốn chọn người đi sứ sang nhà Minh để nối lại quan hệ giữa hai nước. Lê Thiếu Dĩnh khảng khái xin nhận nhiệm vụ đi sứ.
Sang đến nơi, triều đình nhà Minh vì hận bị thua trận nên lạnh nhạt không tiếp, lại bày mưu nhốt ông trong một ngôi nhà riêng, không cho ăn uống gì. May nhờ có thầy học cũ là Hoàng Phúc tìm cách mang thức ăn đến.
Hơn một tháng sau, vua Minh thấy ông vẫn còn sống như thường, cho là chuyện thần kỳ, lúc ấy mới chịu nhận cống vật và tiếp ông theo nghi lễ sứ thần. Quan hệ bang giao giữa triều đình Lê sơ và nhà Minh được khai thông. Đi sứ về, ông được vua ghi nhận công lao và khen ngợi là người trung tiết.
Ông là tác giả “Tiết Trai thi tập” được người đời truyền tụng. Thơ văn của Lê Thiếu Dĩnh còn lại 13 bài trong bộ “Toàn Việt thi lục”, nói lên cảnh tượng long đong trong những ngày loạn lạc và tình cảm nhớ làng, nhớ nước của ông khi nước mất.
Người con út của Lê Cảnh Tuân là Lê Thúc Hiền cũng tham gia nghĩa quân Lam Sơn. Sau khi khởi nghĩa thành công, ông được phong chức Tri phủ Trường An, rồi sau lại làm đến chức Tuyên phủ sứ.
Ông là người nổi tiếng về sự thẳng thắn. Có giai thoại kể rằng, khi vâng mệnh đến làm lễ ở miếu Lịch đại Đế vương, thấy có 3 pho tượng vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành và hoàng hậu Dương Vân Nga ngồi cùng hàng với nhau trên ngai thờ.
Lê Thúc Hiền bèn làm bài hặc văn cáo trước miếu, ý nói hoàng hậu nên lui xuống ngồi với người chồng sau của mình là vua Lê Đại Hành, chứ không được ngồi ngang hàng với vua Đinh. Bài văn đọc xong thì đem đốt đi, chợt thấy tượng Dương hoàng hậu biến sắc như có vẻ ngượng ngùng.
Vua biết chuyện ấy, khen ngợi ông là người cương trực, dám hặc tấu với cả thần linh để giữ vững đạo lý cương thường. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên có viết “tục dân lập đền thờ, tô tượng hai vua Tiên Hoàng và Đại Hành và tượng Dương hậu cùng ngồi, hồi quốc sơ (đầu thời Lê) vẫn còn như thế. Sau An phủ sứ Lê Thúc Hiền mới bỏ”.
Theo gia phả họ Lê Mộ Trạch, thì từ đời Lê Thúc Hiền trở đi, con cháu phát triển đông đúc, hình thành nên nhiều ngành thứ của dòng họ, trong đó có nhiều người thành đạt về khoa cử và quan trường như Trạng nguyên Lê Nại, Hoàng giáp Lê Tư, Hoàng giáp Lê Quang Bí, Tiến sĩ Lê Công Triều.
Thái học sinh Lê Cảnh Tuân cùng ba người con trai hiện được thờ tại nhà thờ họ Lê - Trung Hiếu đường làng Mộ Trạch cùng với các vị tiên tổ và các nhà khoa bảng trong dòng họ. Hiện nay, trong khuôn viên nhà thờ họ Lê còn lưu giữ được tấm bia cổ “Tô Quận công thần đạo bi minh” kể sự tích họ Lê và tiểu sử của Lê Quang Bí (Tô Quận công, cháu 5 đời của Lê Cảnh Tuân) do bảng nhãn Đỗ Uông soạn năm 1579.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-ngon-thu-va-ke-sach-tai-lap-trieu-tran-post682599.html