Vạn Ninh: Tích cực thực hiện Đề án 06
Qua 2 năm triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Vạn Ninh đã đạt được những kết quả tích cực.
Đạt nhiều kết quả
Theo ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, huyện đã thành lập 14 tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp huyện, cấp xã với 157 thành viên, luôn bám sát chỉ đạo, tham mưu kịp thời giải quyết nhiệm vụ; công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao hiểu biết, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, toàn huyện đã tập trung thực hiện số hóa sổ hộ tịch chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp với 158.226 trường hợp. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân thực hiện các thủ tục về khai sinh, kết hôn, khai tử… được nhanh chóng, thuận lợi. Công tác số hóa hồ sơ đăng ký thường trú được các xã, thị trấn triển khai quyết liệt, qua đó đã thực hiện được 5.074 trường hợp. Bên cạnh đó, huyện đã từng bước cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên cơ sở sử dụng dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sử dụng định danh và xác thực điện tử; sử dụng thông tin, giấy tờ tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Thực hiện Đề án 06, 53 dịch vụ công thiết yếu được toàn huyện triển khai thường xuyên, liên tục. Trong đó, huyện đã thực hiện cấp thẻ căn cước công dân cho 122.214 người; xác nhận thông tin cư trú cho hơn 18.200 trường hợp… Huyện đã thực hiện đồng bộ dữ liệu về khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chip tích hợp bảo hiểm y tế; trang bị 21 đầu đọc thẻ căn cước công dân cho các trạm y tế, phòng khám để làm thủ tục khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân. Qua đó, đã tiếp nhận khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân cho 110.978 trường hợp. Tại các cơ sở y tế đều áp dụng việc thu phí không dùng tiền mặt, qua đó đã thực hiện cho hơn 66.200 lượt người. Ngoài ra, toàn huyện đã tập trung triển khai hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác và bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Tại 13 xã, thị trấn còn chủ động triển khai hiệu quả mô hình đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Qua đó, góp phần xây dựng nền tảng phục vụ công tác chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số và công dân số…
Tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh đó, công tác triển khai Đề án 06 trên địa bàn huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Mặc dù UBND huyện đã phân công cụ thể từng nội dung, nhiệm vụ và thời gian thực hiện song một số đơn vị chưa có sự chủ động trong triển khai công việc được giao, dẫn đến một số nhiệm vụ chậm tiến độ. Một số ngành, địa phương còn hạn chế trong công tác tuyên truyền nên tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Trong khi đó, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch thường xuyên bị quá tải, xảy ra lỗi hệ thống nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện số hóa dữ liệu. Công tác quản lý sổ hộ tịch tại các địa phương còn hạn chế, bị cũ, rách, việc ghi chép không rõ dẫn đến khi thực hiện rà soát dữ liệu để số hóa chưa đầy đủ; hồ sơ cư trú được lưu tại tàng thư quá thời gian lưu trữ dẫn đến cũ, rách, phai mờ mực trên tài liệu… nên việc số hóa không được thuận lợi. Số lượng hồ sơ cần phải số hóa rất nhiều nhưng biên chế cán bộ thực hiện công tác này chưa đảm bảo. Hiện nay, toàn huyện vẫn còn hơn 8.900 trường hợp chưa được đồng bộ giữa bảo hiểm y tế và căn cước công dân nên còn khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh. Một số trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế, không có căn cước công dân, mã định danh nên việc tra cứu mã số bảo hiểm xã hội không có trên hệ thống, phải cấp giấy chứng sinh viết tay không liên thông lên hệ thống.
Người dân thị trấn Vạn Giã thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, một số trường hợp công dân sai số định danh cá nhân, đã được hủy, cấp lại số mới nhưng khi thực hiện thu nhận lại hồ sơ căn cước công dân thì hệ thống báo trùng thông tin, vân tay, ảnh mặt với thông tin định danh cá nhân đã hủy. Việc thu nhận, kích hoạt định danh điện tử gặp khó khăn vì còn nhiều người dân thiếu hợp tác. Cùng với đó, số lượng dữ liệu cần số hóa và làm sạch rất nhiều, thực hiện qua nhiều bước, cẩn trọng tránh nhầm lẫn nên mất nhiều thời gian, dẫn đến một số chỉ tiêu chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra; biên chế cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ công an thực hiện nhiệm vụ còn mỏng so với khối lượng công việc thực hiện; đường truyền nhiều lúc không ổn định nên việc truy cập bị gián đoạn; hệ thống bị lỗi, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện dịch vụ công trên môi trường điện tử khiến công dân còn bức xúc và từ chối hợp tác để nộp hồ sơ trực tuyến…
Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, xác định thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ quan trọng, thời gian tới, toàn huyện tập trung tháo gỡ những khó khăn, khắc phục tồn tại, hạn chế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiện ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến bằng nhiều hình thức. Địa phương sẽ bố trí các điểm truy cập Internet miễn phí đặt tại khu vực phù hợp, như: Bộ phận một cửa cấp xã; nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; điểm bưu điện để phục vụ người dân tiếp cận, truy cập, đăng ký và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, bố trí lực lượng tại các điểm này để hướng dẫn người dân sử dụng; yêu cầu các nhà mạng bố trí nhân lực hỗ trợ người dân đăng ký thuê bao chính di động chính chủ và đăng ký tài khoản dịch vụ công. Cùng với đó, chú trọng số hóa hồ sơ, làm sạch dữ liệu các ngành đảm bảo thông tin công dân luôn “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công cũng như các tiện ích khác; phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng cơ quan, ngành, địa phương trong triển khai Đề án 06; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, ban, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới việc thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa, trở thành trung tâm phục vụ người dân, tổ chức; hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến nhằm thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy, hình thành công dân số, xã hội số…
VĂN GIANG