Văn phòng công ty dưới gầm cầu trăm tỷ
Doanh nghiệp tự ý san ủi, lấn chiếm mặt nước xây dựng kiên cố làm văn phòng công ty ngay dưới chân gầm cầu Trà Bồng ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian dài. Dù chính quyền địa phương nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp dừng xây dựng, di chuyển văn phòng nhưng công trình vẫn hoạt động còn địa phương thì bất lực.
Những ngày qua, người dân xã Bình Đông, Khu kinh tế Dung Quất xôn xao, bức xúc về việc Công ty TNHH MTV Vận tải và thương mại 136 có địa chỉ đăng ký kinh doanh ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn ngang nhiên san ủi mặt sông Trà Bồng làm văn phòng, nơi ở của lãnh đạo, nhân viên công ty.
Tại khu vực cầu Trà Bồng, mặt bằng rộng hàng nghìn m2 từ bờ sông kéo dài ra lòng sông Trà Bồng. Để xây dựng mặt bằng này, doanh nghiệp vận chuyển đất, đá đổ tràn từ bờ lấn chiếm bê-tông hóa một phần lòng sông; trong đó, phần nâng nền cán bê-tông trên bờ và phần chiếm dụng mặt nước, bờ bãi khoảng 2.000m2.
Trên mặt bằng lấn chiếm, doanh nghiệp tiếp tục đổ đất đá, xây bờ kè, bê-tông hóa khu vực chân cầu kéo ra gần 20m lấn mặt sông. Hai container lớn đặt dưới cầu Trà Bồng, cách dầm cầu khoảng 0,5m; phía trên container là mái vòm trụ sắt và tôn bám vào thành cầu, gần các trụ điện chiếu sáng của tuyến giao thông qua sông này. Đây là văn phòng làm việc, nơi ở của Công ty TNHH MTV Vận tải và thương mại 136. Phía trên cầu, hàng trăm xe tải, vận chuyển thiết bị công nghiệp nặng, dăm gỗ qua lại cầu mỗi ngày.
“Hôm trước họ còn gắn biển công ty nữa sau tui thấy xã huyện xuống yêu cầu gỡ nên họ gỡ rồi. Cái bảng công ty gắn ngay trên thành cầu lạ thiệt”, ông T.L kể lại.
Phần mặt bằng phía trước văn phòng là sân bãi để xe tải, thiết bị của công ty. Phía ngoài mép sông nhiều tảng đá lớn đổ xuống lòng sông, bên cạnh là nhà hàng nổi nhộn nhịp khách qua lại.
Bờ bãi, bến sông bên dưới cầu bị chiếm dụng làm văn phòng, nơi ở của doanh nghiệp nên bà con ngư dân trong vùng không có nơi neo đậu ghe, thuyền thúng nhỏ. Nhiều ngư dân phải tìm nơi khác neo trú, đánh bắt cá trên sông, cửa biển.
“Chỗ này xưa nay bà con hay neo ghe nhỏ, thuyền thúng qua lại hai bờ sông. Đợt trước doanh nghiệp ủi bờ lấn cả chỗ để ghe thúng của ngư dân, hai bên cãi nhau. Giờ một số thúng neo còn ghe đi qua chỗ khác rồi”, bà Phạm Thị Liên, xã Bình Đông cho hay.
Ông Trần Văn Hoạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải và thương mại 136 chuyên kinh doanh, khai thác khoáng sản, sữa chữa bảo dưỡng phương tiện vận tải, vận tải hàng hóa tại khu kinh tế Dung Quất nhiều năm qua. “Tôi không có đất làm nhà, làm ăn lỗ nên tôi làm tạm văn phòng, nơi ở dưới cầu. Khi nào địa phương yêu cầu thì dỡ, tôi đổ đất đá xuống sông làm là bảo vệ cầu chứ không ảnh hưởng gì”, ông Hoạt cho hay.
Ông Phạm Văn Đông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Đông, cho biết, tháng 3/2023, chính quyền địa phương phát hiện Công ty TNHH MTV Vận tải và thương mại 136 đã xây dựng 3 đế trụ bằng bê-tông cốt thép để đặt container, xã yêu cầu đơn vị tháo dỡ công trình, không tiếp tục xây mới hoặc cơi nới.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2023 doanh nghiệp này tiếp tục đổ đất đá xây bờ kè, bê-tông hóa khu vực chân cầu, san ủi lấn mặt nước sông Trà Bồng hơn 20m. Doanh nghiệp này đặt hai container, dựng khung sắt, lợp tôn làm văn phòng giao dịch và nơi ở.
“Họ làm đêm, ngày nghỉ nên khó ngăn cản. Chúng tôi đang thuê đơn vị tư vấn đo đạc, xác định khối lượng, tính pháp lý để làm việc với họ và xử lý”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Đông giải thích.
Cầu Trà Bồng dài gần 500m bắc qua sông Trà Bồng, nối hai xã Bình Đông và Bình Thạnh, huyện Bình Sơn. Đầu tư gần 288 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ năm 2016, cầu Trà Bồng là tuyến giao thông huyết mạch của khu kinh tế Dung Quất, nối cảng Dung Quất và tuyến quốc lộ 1A. Mỗi ngày, hàng nghìn lượt phương tiện giao thông qua lại, vận chuyển hàng hóa, thiết bị của các doanh nghiệp trong khu kinh tế.
Dựng văn phòng dưới gầm cầu xâm phạm hành lang an toàn cầu Trà Bồng, ảnh hưởng an toàn tuyến giao thông qua sông, nguy cơ tai nạn cho công nhân làm việc nếu xảy ra tai nạn trên cầu. Đồng thời, san ủi, lấn chiếm lòng sông xây dựng công trình làm ảnh hưởng dòng chảy và luồng lạch của tàu thuyền di chuyển trên sông Trà Bồng; nguy cơ sạt lở hai bờ sông trong mùa mưa bão.
“Nếu không xử lý nghiêm thì sẽ có nhiều công ty, nhiều người làm như vậy thì sao. Phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc mất an ninh trật tự trên địa bàn”, anh T.V.L, ở xã Bình Đông kiến nghị.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/van-phong-cong-ty-duoi-gam-cau-tram-ty-post768176.html