Vận tải biển Việt Nam (VOS) sắp tiếp nhận 01 tàu Supramax, muốn đầu tư thêm 08 tàu

Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (mã cổ phiếu VOS) dự kiến mở rộng đội tàu thêm 04 tàu hàng rời cỡ Ultramax (62.000 - 66.000 DWT) với mức giá thấp hơn 40 triệu USD/tàu, và thêm 04 tàu dầu sản phẩm (50.000 DWT) với mức giá thấp hơn 52 triệu USD/tàu.

Thị trường còn nhiều thách thức, thận trọng với mục tiêu lãi năm nay

Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (mã cổ phiếu VOS - sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, dự kiến diễn ra vào ngày 18/4 tới đây.

Theo Vận tải biển Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, thị trường tàu hàng khô vẫn gặp nhiều khó khăn với chỉ số Thuê tàu hàng khô Baltic (BDI) rơi xuống mức rất thấp. Tuy nhiên, công ty kỳ vọng sự phục hồi kinh tế ở các quốc gia phát triển và tăng trưởng GDP toàn cầu có thể giúp nhu cầu vận chuyển bình quân trong cả năm 2025 sẽ tăng nhẹ so với năm trước.

Tính đến cuối năm 2024, Vận tải biển Việt Nam quản lý và khai thác đội tàu 13 chiếc với tổng trọng tải 421.699 DWT.

Tính đến cuối năm 2024, Vận tải biển Việt Nam quản lý và khai thác đội tàu 13 chiếc với tổng trọng tải 421.699 DWT.

“Các chủ tàu cần theo sát tình hình thị trường và các thông tin về sự luân chuyển của các nhóm hàng để có phương án thích ứng kịp thời nhằm tận dụng cơ hội thị trường nhưng cũng tính đến phân bổ thời gian và vị trí giãn cách để giảm thiểu rủi ro”, ban lãnh đạo Vận tải biển Việt Nam cho biết.

Đối với thị trường tàu dầu sản phẩm, Vận tải biển Việt Nam đánh giá thị trường vận chuyển dầu sản phẩm sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi nhu cầu dầu tăng trưởng chậm, nguồn cung tăng cao, và các xung đột địa chính trí tại Trung Đông, Nga - Ukraine… tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2025 ở mức 103,96 triệu thùng/ngày, chỉ tăng nhẹ so với năm 2024.

Đối với thị trường container, triển vọng tương đối tích cực hơn khi sự cố tắc nghẽn tại cảng Singapore đã đem lại lợi thế cho các cảng biển nước sâu tại Việt Nam. Các tàu container lớn đã có xu hướng chuyển dịch sang các cảng khác trong khu vực. Thông qua đó, mở ra cơ hội thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển Việt Nam, Vận tải biển Việt Nam nhận định.

Theo đó, Hội đồng Quản trị Vận tải biển Việt Nam dự kiến trình cổ đông xem xét kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu ở mức 6.000 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,8% so với mức thực hiện của năm 2024, lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 10%, còn 376 tỷ đồng.

Đẩy mạnh đầu tư loạt tàu hàng rời, tàu dầu sản phẩm

Tính đến cuối năm 2024, Vận tải biển Việt Nam quản lý và khai thác đội tàu 13 chiếc với tổng trọng tải 421.699 DWT, gồm 07 tàu hàng khô, hàng rời; 04 tàu dầu sản phẩm, hóa chất; và 02 tàu container. Trong số này có 02 tàu dầu sản phẩm Đại An, Đại Phú và 02 tàu dầu/hóa chất Đại Thành, Đại Hưng được công ty thuê để quản lý và khai thác theo hình thức thuê tàu trần trong thời hạn 03 năm.

Cuối tháng 1/2025, Vận tải biển Việt Nam đã mua lại và tiếp nhận tàu hàng rời Vosco Starlight (tên cũ là Lista) với trọng tải hơn 55.800 DWT, đóng năm 2011 tại Nhật Bản.

Ban lãnh đạo Vận tải biển Việt Nam cũng cho biết đã ký hợp đồng mua thêm 01 tàu cỡ Supramax (56.000 - 58.000 DWT), đã qua sử dụng dưới 15 tuổi, và đang tiến hành các thủ tục để dự kiến nhận tàu vào cuối tháng 4/2025.

Công ty sẽ tiếp tục bám sát thị trường để triển khai việc đầu tư đóng mới và/hoặc mua re-sale và/hoặc mua lại tàu đã qua sử dụng 04 tàu cỡ Ultramax (62.000 - 66.000 DWT) dưới 10 tuổi, đóng tại Nhật Bản hoặc tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, với giá thấp hơn 40 triệu USD/tàu.

Vận tải biển Việt Nam hiện lên kế hoạch đầu tư 04 tàu dầu sản phẩm cỡ MR (khoảng 50.000 DWT).

Vận tải biển Việt Nam hiện lên kế hoạch đầu tư 04 tàu dầu sản phẩm cỡ MR (khoảng 50.000 DWT).

Bên cạnh đó, Vận tải biển Việt Nam cũng có kế hoạch đầu tư 04 tàu dầu sản phẩm cỡ MR (khoảng 50.000 DWT). Ban lãnh đạo công ty cho biết, hiện nay đã có thêm khá nhiều tàu được chào bán/giao dịch thông qua hình thức re-sale (đang đóng dở dang/đóng gần hoàn thiện và chủ tàu bán lại) hoặc tàu mới khai thác được trong thời gian ngắn (dưới 08 tuổi) nhưng chủ tàu có nhu cầu bán lại tàu.

Ưu điểm của cả 02 hình thức này là công ty sẽ sớm có tàu để khai thác luôn, có thể khảo sát, đánh giá tình trạng thực tế tàu và mức giá chào cũng khá phù hợp khi so sánh với giá tàu đóng mới. Vì vậy, công ty dự kiến sẽ đầu tư các tàu dầu sản phẩm cỡ MR với giá thấp hơn 52 triệu USD/tàu theo hình thức đóng mới và/hoặc mua re-sale và/hoặc mua lại tàu đã qua sử dụng, theo ban lãnh đạo Vận tải biển Việt Nam.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/van-tai-bien-viet-nam--vos--sap-tiep-nhan-01-tau-supramax--muon-dau-tu-them-08-tau-138854.htm