Vận tải đường biển căng thẳng, nhà sách tìm cách vượt khó

Trong khi vận tải đường biển đối mặt với thách thức, các nhà sách ngoại văn có thể cần tính toán lại thu chi để đem lại mức giá tốt nhất cho khách hàng.

 Bà Nguyễn Hương Lan (Founder của nhà sách quốc tế InBook). Ảnh: Đức Huy.

Bà Nguyễn Hương Lan (Founder của nhà sách quốc tế InBook). Ảnh: Đức Huy.

Tình hình vận tải đường biển toàn cầu đang trải qua một giai đoạn căng thẳng. Những vấn đề như chiến tranh, dịch bệnh và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, trong đó mặt hàng sách không phải ngoại lệ. Tình trạng này đã đặt các nhà phát hành vào thế khó khi nhập khẩu sách ngoại văn.

Tắc nghẽn vận tải đường biển tác động ra sao

Kể từ năm 2023, xung đột tại Biển Đỏ đã đẩy tuyến đường vận tải hàng hải đông đúc nhất thế giới rơi vào khó khăn. Chính vì vậy, các tàu chở hàng thường phải đi vòng một chặng xa hơn, điều này dẫn đến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá thành sản phẩm leo thang.

Theo chia sẻ từ bà Nguyễn Hương Lan (Founder của nhà sách quốc tế InBook), đơn vị đã gặp không ít khó khăn trong quá trình nhập khẩu sách. Bà Lan giải thích rằng toàn bộ sách của InBook đều được nhập khẩu chính ngạch, phải qua nhiều bước kiểm tra và thủ tục hải quan. "Chúng tôi phải vận chuyển sách bằng đường biển, mất từ 3 đến 4 tháng mới về đến Việt Nam. Chi phí vận tải tăng cao do chiến tranh và dịch bệnh đã làm giá sách tăng lên đáng kể", bà Lan chia sẻ. Mong muốn độc giả trong nước có thể tiếp cận sách quốc tế với giá phải chăng, các đơn vị bán sách ngoại văn phải rất chật vật giữ mức giá phù hợp.

 Phiên bản bìa cứng Harry Potter tại cửa hàng Inbook.

Phiên bản bìa cứng Harry Potter tại cửa hàng Inbook.

Bà Nguyễn Hương Lan cũng nhận định rằng mặc dù giá sách tăng, các nhà sách quốc tế vẫn cung cấp sách với giá hợp lý hơn so với việc mua qua trang mạng lớn như Amazon. Để giảm thiểu thiệt hại từ gián đoạn chuỗi cung ứng, các đơn vị sách cũng cần chú trọng vào việc duy trì giá thành hợp lý, tận dụng các mặt hàng trong kho và lên kế hoạch cụ thể để tránh sức cung giảm sâu.

Trong khi đó, thị trường sách ngoại văn ở Việt Nam, đặc biệt là sách tiếng Anh, đang ngày càng phát triển. Đối tượng tiêu thụ sách tiếng Anh không chỉ là người nước ngoài mà còn là độc giả Việt Nam, chủ yếu từ độ 16 đến 25 tuổi. Tệp khách hàng này bao gồm đối tượng học sinh, sinh viên trường quốc tế, người có dự định du học hoặc làm việc nước ngoài...

Đây là nhóm đối tượng có nhu cầu cao về sách ngoại văn, và họ thường chọn đọc sách nguyên tác thay vì các bản dịch. Bà Lã Thu Hà, đại diện công ty xuất nhập khẩu và phát triển văn hóa Cdimex cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ ngoại văn ngày càng lớn, đặc biệt là các trường học thư viện. Giá trên sàn thương mại điện tử đang cao vì vậy các bên thường tìm tới công ty xuất nhập khẩu để có ưu đãi tốt hơn”.

Không nên phụ thuộc vào sàn thương mại

Những năm gần đây, độc giả Việt có thể thấy sự phát triển của cả nhà phát hành lẫn tiệm sách độc lập hướng đến mặt hàng sách quốc tế. Những đơn vị này hướng tới việc kinh doanh trực tuyến thay vì xây dựng không gian vật lý.

Tuy nhiên hình thức này cho thấy một hạn chế rằng các sàn thương mại điện tử luôn biến đổi nhanh. Theo nhận định của bà Nguyễn Hương Lan, sau bảy năm gắn bó với những nền tảng thương mại điện tử, một điểm bất cập là các sàn luôn biến động. “Trước đó, chúng ta thấy sự đi lên của Tiki, trong thời gian gần đây, người tiêu dùng lại hướng tới Shopee và sắp tới TikTok Shop hoàn toàn có thể vươn lên. Mỗi lần thay đổi này lại khiến đơn vị kinh doanh sách mất điểm kết nối với khách hàng”, bà Nguyễn Hương Lan nhận định.

 Nhiều khách hàng tham quan và xem sách tại cửa hàng sách ngoại văn.

Nhiều khách hàng tham quan và xem sách tại cửa hàng sách ngoại văn.

Do đó, đại diện Inbook khẳng định các đơn vị vẫn cần một không gian nhà sách để tạo kết nối bền vững với khách hàng. Bằng việc xây dựng hiệu sách riêng, đơn vị kinh doanh còn có thể kiểm soát toàn bộ quy trình bán hàng, từ việc trưng bày sách đến dịch vụ khách hàng, không bị ràng buộc bởi các quy định và phí dịch vụ của bên thứ ba.

Đối với độc giả, hiệu sách vật lý tạo ra một không gian văn hóa đặc biệt mà thương mại điện tử không thể mang lại. Đây là nơi người đọc có thể trải nghiệm cảm giác cầm nắm và lật giở từng trang sách, một trải nghiệm thực tế giúp tăng cường sự kết nối và tình yêu đối với sách. Không gian hiệu sách cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, gặp gỡ tác giả, tham gia các buổi tọa đàm và thảo luận về sách, từ đó tạo ra một cộng đồng yêu sách gắn kết và sôi động.

Hơn hết, các hiệu sách là nơi lý tưởng để khuyến khích và phát triển thói quen đọc sách trong cộng đồng. Hiệu sách không chỉ là nơi bán sách mà còn là trung tâm văn hóa, nơi tổ chức các hoạt động khuyến đọc cho trẻ em và thanh thiếu niên, các chương trình giới thiệu sách mới, cũng như các lớp học và câu lạc bộ sách. Điều này góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc, tạo nền tảng cho một xã hội tri thức và văn minh.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/van-tai-duong-bien-cang-thang-nha-sach-tim-cach-vuot-kho-post1489437.html