Vận tải ven biển tăng trưởng ấn tượng hai con số

Hệ thống sông, kênh dày đặc với 2.360 con sông, kênh có tổng chiều dài khoảng 41.900 km, hơn 17.000 km trong số đó có thể khai thác vận tải thủy với trên 120 cửa sông đổ ra biển, Việt Nam là quốc gia được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển giao thông vận tải ven biển.

Tàu sông pha biển VR-SB có lợi thế vào sâu trong các cảng nội địa, đồng thời mang tính giá trị kinh tế cao cả về chi phí đóng tàu và đầu tư cầu cảng. Ảnh: Việt Hùng

Tàu sông pha biển VR-SB có lợi thế vào sâu trong các cảng nội địa, đồng thời mang tính giá trị kinh tế cao cả về chi phí đóng tàu và đầu tư cầu cảng. Ảnh: Việt Hùng

Báo cáo mới đây của Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam cho biết, trong năm 2024, lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa đều tăng trưởng ấn tượng, vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng trưởng hai con số.

Đồng thời, cùng với việc công bố các tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, từ Quảng Bình đến Bình Thuận và từ Bình Thuận đến Kiên Giang, trong vùng nội thủy của Việt Nam, hoạt động vận tải ven biển đã tăng cả về phương tiện và sản lượng.

VẬN TẢI VEN BIỂN TĂNG TRƯỞNG 38%

Đây cũng chính là khuôn khổ pháp lý thuận lợi để phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB (tàu SB) được hoạt động trên toàn tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (trong vùng nội thủy của Việt Nam).

Theo thống kê, kể từ khi triển khai tuyến vận tải ven biển đến hết năm 2024, đã có hơn 450.000 lượt tàu sông pha biển (phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động từ sông ra biển, không phải được hoạt động hoàn toàn trên biển như tàu biển, được gọi là tàu pha sông biển - chú thích của người viết) vào, rời các cảng, bến thủy nội địa, cảng biển, với tổng khối lượng vận chuyển đạt gần 550 triệu tấn, bình quân đạt gần 4,5 triệu tấn/tháng (tương đương khoảng 150.000 xe tải chở hàng hạng nặng loại 30 tấn/xe); tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 38%/năm.

Riêng trong năm 2024, đã có gần 94.000 lượt tàu sông pha biển vào, rời các cảng, bến thủy nội địa, cảng biển với hơn 96 triệu tấn hàng thông qua; so với năm 2015 thì tăng gấp 12 lần về số lượt phương tiện vào, rời cảng, bến và tăng gấp 13 lần về khối lượng hàng hóa vận chuyển.

Về đội tàu, tính đến tháng 3/2025, cả nước đã có 3.185 tàu SB được đăng kiểm; trong đó có 1.428 tàu chở hàng với tổng trọng tải 3.875.305 tấn, 724 tàu chở khách với tổng sức chở 34.108 khách và 1.033 phương tiện khác như tàu cần cẩu, tàu hút, tàu cuốc, tàu kéo, đẩy.

Ngoài ra, một số liệu tương tự trước đó của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (nay là Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam) đã cho biết, năm 2024, sản lượng vận tải hành khách đường thủy nội địa đạt hơn 353 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với năm 2023; vận tải hàng hóa đạt gần 529 triệu tấn, tăng 11,2% so với năm 2023. Riêng tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia, từ khi triển khai thực hiện hiệp định, hai nước đã làm thủ tục cho gần 110 ngàn lượt phương tiện, hơn 551 ngàn lượt thuyền viên, hơn 60 triệu tấn hàng hóa. Trong đó có hơn 3,3 triệu TEUs và gần 2,2 triệu lượt hành khách thông qua.

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, TRÁNH CHỒNG CHÉO

Tuy nhiên, để tăng cường công tác quản lý, tiếp tục phát triển hoạt động vận tải ven biển bằng phương tiện sông pha biển theo hướng bền vững, an toàn, Cục Hàng hải và Đương thủy cho rằng cần khẩn trương hoàn thiện thể chế nâng cao an toàn kỹ thuật của phương tiện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng đi biển của thuyền viên hoạt động trên phương tiện thủy nội địa VR-SB.

Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước còn một số tồn tại chính, gồm thể chế, pháp luật về phương tiện và hoạt động vận tải của phương tiện VR-SB còn thiếu, chưa đồng bộ. Công tác quản lý đối với hoạt động của phương tiện VR-SB hiện đang chồng chéo, thiếu thống nhất khi đang có đến ba cơ quan thực hiện cấp giấy vào, rời cảng, bến và thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật, nhưng chưa có cơ quan làm đầu mối thống nhất quản lý, kết nối các dữ liệu cũng như minh bạch số liệu để các cơ quan quản lý nhà nước cùng khai thác và quản lý.

Trên cơ sở đó, Cục Hàng hải và Đường thủy cho biết trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần thiết triển khai đồng bộ, hiệu quả với hai nhóm giải pháp chính. Một là, nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quy định về phương tiện và hoạt động vận tải của phương tiện VR-SB; quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan để thống nhất trong quản lý, không chồng chéo, tạo thuận lợi trong hoạt động vận tải trên tuyến vận tải ven biển bằng phương tiện VR-SB.

Hai là, nhóm giải pháp tăng cường công tác quản lý. Cụ thể, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, để tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với phương tiện mang cấp VR-SB, các cơ quan quản lý nhà nước cần khẩn trương tăng cường kiểm tra, nâng cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong công tác đào tạo, kiểm tra, sát hạch, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn đảm bảo đầu ra thuyền viên điều khiển và làm việc trên phương tiện VR-SB.

Thiên Ân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/van-tai-ven-bien-tang-truong-an-tuong-hai-con-so.htm