Vận tải ven biển tăng trưởng bứt phá tới gần 40%/năm
12 năm kể từ khi tuyến vận tải ven biển chính thức được triển khai, thống kê của Cục Hàng hải và Đường thủy VN, tính đến hết năm 2024, đã có hơn 450.000 lượt tàu sông pha biển vào, rời các cảng, bến thủy nội địa, cảng biển.
Lợi thế cạnh tranh lớn
Theo Cục Hàng hải và Đường thủy nội địa Việt Nam, khối lượng vận tải ven biển đang ghi nhận những con số ấn tượng. Tính đến nay, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng tàu VR-SB đạt gần 550 triệu tấn, bình quân khoảng 4,5 triệu tấn/tháng - tương đương 150.000 xe tải nặng loại 30 tấn.

Tốc độ tăng trưởng khối lượng hàng vận chuyển bằng phương tiện VR-SB hằng năm khoảng 38%.
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt hai con số, trung bình 38%. Riêng năm 2024, ghi nhận gần 94.000 lượt tàu sông pha biển ra vào cảng, xử lý hơn 96 triệu tấn hàng hóa - tăng gấp 12 lần về số lượt tàu và 13 lần về sản lượng so với năm 2015.
Tính đến tháng 3/2025, cả nước có 3.185 phương tiện VR-SB được đăng kiểm. Trong đó, 1.428 tàu chở hàng với tổng trọng tải gần 3,9 triệu tấn; 724 tàu chở khách với tổng sức chứa hơn 34.000 người; còn lại là các tàu chuyên dụng như cần cẩu, hút bùn, cuốc, kéo đẩy.
Nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động vận tải ven biển cũng tăng đáng kể. Tính đến nay, đã có gần 31.000 chứng chỉ chuyên môn được cấp, gồm hơn 6.600 chứng chỉ điều khiển phương tiện đi ven biển và hơn 24.000 chứng chỉ an toàn ven biển.
Lý giải cho sự tăng trưởng mạnh mẽ này, các doanh nghiệp cho rằng tàu VR-SB có nhiều ưu thế vượt trội: chi phí đóng mới rẻ hơn 10-15% so với tàu biển; cước vận tải tuyến Hải Phòng - ĐBSCL chỉ bằng 1/4 đường bộ. Đặc biệt, khả năng vận hành linh hoạt trên cả sông và biển giúp phương tiện dễ dàng tiếp cận các khu vực sâu trong nội địa, kéo giảm áp lực cho giao thông đường bộ và tối ưu chi phí vận chuyển.

Cảng cạn ICD Tân Cảng Quế Võ.
Siết quản lý, hoàn thiện thể chế
Dù phát triển nhanh chóng, vận tải ven biển bằng tàu VR-SB vẫn bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Ông Phan Thúc Trân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận, thẳng thắn chỉ ra: tàu SB hoạt động trên biển nhưng lại chưa chịu sự quản lý chặt chẽ như tàu biển về các tiêu chuẩn kỹ thuật và năng lực thuyền viên.
Thực tế, nhiều thuyền viên tàu SB có xuất thân từ thủy nội địa, nên còn thiếu kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động hàng hải. Các yêu cầu về cứu sinh, cứu hỏa, an toàn hàng hải cũng chưa được siết chặt. "Tính mạng con người trên biển là tối thượng. Đã hoạt động trên biển, phải đảm bảo chuẩn biển", ông Trân nhấn mạnh.
Không chỉ dừng ở con người, các quy định về kỹ thuật và trang thiết bị của tàu VR-SB hiện nay còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, phương tiện có dung tích từ 300 GT trở lên chỉ bị yêu cầu trang bị radar, nhưng không rõ cần bao nhiêu radar. Các quy chuẩn về kết cấu, thiết bị hàng hải, ngăn ngừa ô nhiễm, phòng cháy chữa cháy, nắp khoang hàng… cũng chưa đủ để đảm bảo an toàn cho tàu khi hoạt động trong điều kiện biển khơi.
Đáng chú ý, nhiều tàu VR-SB có trọng tải lớn (5.000-20.000 tấn) nay đã vào tuổi 10-12 năm - tiềm ẩn rủi ro khi cấu trúc tàu không đồng bộ như tàu biển. Theo ông Trân, đây là điều cần đặc biệt lưu ý khi kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn kỹ thuật.
Trước những tồn tại trên, ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải và Đường thủy nội địa Việt Nam khẳng định cần khẩn trương hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực quản lý nhà nước để hướng tới phát triển vận tải ven biển bền vững và an toàn.
Cụ thể, Cục đề xuất bổ sung các quy định kỹ thuật phù hợp với điều kiện hoạt động trên biển, như yêu cầu về kết cấu tàu, trang bị hàng hải, an toàn môi trường, trách nhiệm của thuyền viên, định biên tối thiểu, quy tắc giao thông… Đồng thời, cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung để phục vụ công tác theo dõi, giám sát và quản lý phương tiện VR-SB.
Trong quá trình sửa đổi các bộ luật có liên quan, cần quy định rõ vai trò của từng cơ quan quản lý để tránh chồng chéo, đảm bảo hiệu quả vận hành tuyến vận tải ven biển. Cơ quan chức năng tuyệt đối không cấp phép cho phương tiện, thuyền viên không đạt điều kiện an toàn hoặc khi thời tiết không đảm bảo.
Về lâu dài, việc nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch thuyền viên là yêu cầu cấp thiết. "Cần tăng cường kiểm tra chất lượng đầu ra, yêu cầu chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ, đảm bảo thuyền viên tàu VR-SB có đủ trình độ chuyên môn, kỹ năng hàng hải và khả năng xử lý tình huống khẩn cấp trên biển", ông Thu nhấn mạnh.
Thực hiện chủ trương của Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) về phát triển giao thông vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa góp phần giảm tải cho tuyến đường bộ, năm 2014, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam (từ tháng 3/2025, hai Cục hợp nhất thành Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam) và Cục Đăng kiểm Việt Nam tham mưu Bộ Giao thông vận tải ban hành các Quyết định công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, từ Quảng Bình đến Bình Thuận và từ Bình Thuận đến Kiên Giang.
Qua đó, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB được hoạt động trên toàn tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (trong vùng nội thủy của Việt Nam).