Vẫn thiếu 'bệ phóng' cho tài năng trẻ tỏa sáng
Đằng sau tấm huy chương từ giải thưởng cuộc thi tài năng trẻ nghệ thuật truyền thống cũng là lúc các nghệ sĩ trẻ tất bật trở lại nghề với gánh nặng mưu sinh.
Giải thưởng “so bó đũa chọn cột cờ”
Thời gian qua, liên tiếp các cuộc thi tài năng trẻ nghệ thuật truyền thống được tổ chức vừa mở ra cơ hội cho nghệ sĩ trẻ cọ xát với nghề, vừa tiếp lửa cho đội ngũ kế cận. Thống kê từ tháng 9-2020, sân khấu nghệ thuật sôi động với cuộc tranh tài hấp dẫn của các cuộc thi do Bộ VH-TT&DL phối hợp tổ chức với Hội Nghệ sĩ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các địa phương. Tiêu biểu cuộc thi “Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc -2020”, cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc – 2020”, cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang -2020”, cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc – 2020”, cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc – 2020”, cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên Kịch toàn quốc – 2020”. Qua sân chơi nghệ thuật đã phát hiện nhiều tài năng trẻ, đam mê với nghề.
Về số lượng, các cuộc thi được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo nghệ sĩ trẻ tham gia nhất từ trước tới nay. Tại cuộc thi “Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc -2020” có 700 nghệ sĩ tham gia tranh tài, cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc – 2020” có 44 diễn viên biểu diễn và ở nghệ thuật chèo có 64 diễn viên tham gia, lĩnh vực cải lương có 31 nghệ sĩ. Đa số là người dưới 35 tuổi.
Về chất lượng, cuộc thi đã phát hiện nhiều tài năng trẻ, điển hình như Phùng Thị Thanh Huyền (Nhà hát Chèo Hà Nội) lần đầu thử sức với vai chèo Thị Màu giành Huy chương vàng cuộc thi. Các gương mặt ấn tượng khác là Nguyễn Quỳnh Liên với vai tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo giành Huy chương vàng, Trần Tuấn Hiệp với vai tuồng “Kim Lân qua đèo” giành giải diễn viên xuất sắc nhất.
Bên cạnh việc giữ bản sắc nguyên mẫu qua các trích đoạn truyền thống thì nghệ sĩ trẻ Trần Tuấn Hiệp còn sáng tạo thêm về phong các biểu diễn kết hợp với lối diễn nhiều biến hóa trong nghệ thuật Tuồng. Khai thác sâu yếu tố cơ bản của nghệ thuật tuồng kết hợp yếu tố thanh – sắc – thục – tinh – khí – thần để mang đến phần trình diễn thăng hoa, đầy cảm xúc.
Tuy nhiên, sân chơi giao lưu, tạo động lực làm nghề lại đầy rẫy những “hạt sạn” vốn có. Đó là việc xét giải thưởng “cả làng cùng vui”, những lăn tăn về tính công tâm của cuộc thi. Trong đó phải kể đến cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020” tổ chức tháng 10-2020. Cuộc thi có sự tham gia của 41 trích đoạn, 44 diễn viên, đến từ 6 đơn vị Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước. Cơ cấu giải thưởng gồm 6 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 1 giải diễn viên xuất sắc và 4 giải khác. Đoàn nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam là đơn vị có nhiều thí sinh dự thi và cũng giành nhiều giải thưởng nhất.
Tuy vậy, sau cuộc thi chính người lãnh đạo Nhà hát Tuồng cũng bày tỏ việc chưa thực sự hài lòng với kết quả chung cuộc. Ông Phạm Ngọc Tuấn, GĐ Nhà hát Tuồng Việt Nam từng chia sẻ, cuộc thi hạn chế số lượng huy chương cũng như việc trao giải mang tính chất “mặt trận” dẫn đến nhiều trường hợp xứng đáng có giải nhưng phải “tay trắng”. Tại cuộc thi, rất nhiều người công nhận vai diễn thăng hoa của Thanh Phương vai Đào Tam Xuân trong trích đoạn “Đào Tam Xuân đề cờ” nhưng vì cơ cấu giải thưởng nên chỉ được trao Huy chương bạc. Điều này ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý của các diễn viên, bởi bước ra khỏi cuộc thi các diễn viên trở về với tập luyện tinh thần có phần sa sút.
Trong cuộc trò chuyện, diễn viên Tuấn Hiệp cũng bày tỏ về tính công tâm của cuộc thi. Không phủ nhận, Thanh Phương đã có vai diễn thăng hoa, đầy cảm xúc nhưng chỉ ngậm ngùi giành giải Bạc. Nhưng, bản thân những người trẻ như Tuấn Hiệp, anh tin rằng, “ý chí thép” trong quá trình giữ lửa nghề mới quan trọng hơn là giải thưởng từ các cuộc thi.
Giữ lửa nghệ thuật truyền thống
Rõ ràng, các cuộc thi tài năng đã kịp thời phát hiện, tôn vinh những nghệ sĩ trẻ nhưng phía sau cuộc thi, phía sau những vai diễn ông hoàng, bà chúa trên sân khấu là sự hối hả, vòng xoáy đời thực, “khi cơm áo không đùa với khách thơ”.
Trở về cuộc thi với giải diễn viên xuất sắc nhất và giành huy chương vàng, cả Tuấn Hiệp và Quỳnh Liên đều đối diện với bao bộn bề của cuộc sống. Từng có xuất phát điểm chung là lứa diễn viên trong lớp đào tạo nguồn chuyên biệt về Tuồng, họ hối hả với những giờ tập luyện trên sân khấu chỉ được trả mức phụ cấp 40.000 đồng/ngày tập và mức lương bậc trung cấp. Chính đồng lương eo hẹp khiến họ phải bươn chải thêm các công việc khác như làm MC đám cưới, ca sĩ hát sự kiện, đánh trống hội…
Đặc thù của các loại hình nghệ thuật truyền thống vốn kén gián giả, trong thời điểm các gameshow giải trí, chương trình nghệ thuật “mọc như nấm” thì việc giữ lửa cho đội ngũ trẻ kế cận thì việc làm cấp thiết. Diễn viên trẻ Tuấn Hiệp trăn trở, cùng với sự cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật dễ xem, dễ hiểu và dễ cảm nhận, chính vì vậy, nghệ thuật truyền thống nói chung, và nghệ thuật Tuồng nói riêng đang có nguy cơ bị mai một. Nhằm đưa nghệ thuật truyền thống tới gần hơn với công chúng cần sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các hoạt động biểu diễn học đường cho sinh viên và tiếp cận truyền thông, giá trị nghệ thuật truyền thống của Việt Nam sẽ được lưu giữ và phát triển.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/van-thieu-be-phong-cho-tai-nang-tre-toa-sang-220932.html