Vần thơ xanh thầm
Khi tôi viết những dòng này thì thầy đang phải vận lộn chiến đấu để chống lại căn bệnh ung thư phổi quái ác.
Cách đây mấy tháng, đồng nghiệp, học trò bàng hoàng khi biết tin thầy gặp bạo bệnh. Bởi lẽ, trước đó, thầy hoàn toàn khỏe mạnh. Trên trang cá nhân thi thoảng thầy vẫn đăng những vần thơ, tràn đầy lạc quan, thấm đẫm triết lý về cuộc sống nhân sinh, vậy mà…
Mười sáu năm về trước, khi tôi có quyết định về công tác tại Trường THPT Nghi Lộc 2, thầy Đặng Khắc Bình lúc ấy đang là hiệu phó chuyên môn. Cảm nhận của tôi trong lần gặp gỡ đầu tiên là thầy rất nghiêm khắc, thậm chí có cái gì đó khó gần.
Nhưng qua một thời gian ngắn giảng dạy, tôi thấu hiểu bên trong cái vẻ ngoài lạnh lùng ấy lại là một thầy giáo hài hước, dí dỏm và đặc biệt sống rất sâu sắc, tình cảm. Những giờ giải lao, thầy thường xuất hiện ở phòng chờ cùng với các giáo viên để trò chuyện, thường thì phần lớn là những câu chuyện đùa vui, tếu táo để mọi người quên đi những giờ lên lớp mệt mỏi.
Ngoài là một thầy giáo giỏi, thầy còn mang trong mình phẩm chất của một người nghệ sĩ. Thầy biết chơi đàn và yêu những bài hát trữ tình. Nhiều bận, tôi đã được nghe thầy ôm đàn và hát. Giọng hát trầm ấm. Tiếng đàn du dương. Thầy như đang lạc trôi về một miền khác, nơi chỉ có âm nhạc.
Thầy giảng dạy bộ môn tự nhiên nhưng thầy cũng rất yêu văn chương, đặc biệt là thơ ca. Biết tôi là người đam mê viết lách và cũng có thơ đăng báo nên thầy thường gửi cho tôi xem những sáng tác của thầy. Cũng có khi vừa sáng tác xong là thầy gửi nhờ tôi đọc góp ý ngay.
Nhưng quả thực việc góp ý thơ không phải dễ dàng, có chỗ tôi góp ý nên thay từ này từ kia thầy thấy đúng và tâm đắc. Song cũng không ít lần, thầy gọi điện trao đổi với tôi vì không đồng tình chỗ này chỗ nọ, rồi thầy giải thích cái điều mình muốn nhắn gửi…
Đọc thơ thầy luôn thấy ngôn ngữ mộc mạc, cái mộc mạc của ngôn ngữ dân dã đồng quê. Nhưng bao giờ cũng thế, sau lớp ngôn từ mộc mạc ấy là những ý tứ sâu xa, phải nghiền ngẫm, đọc chậm mới hiểu được phần nào thông điệp thầy gửi gắm. Thơ thành thử cũng như con người thầy vậy, ngay thẳng mà sâu sắc, lãng mạn mà tràn đầy tinh thần lạc quan, yêu đời.
Trong bài thơ “Ngộ” thầy viết: “Một mình trơ trọi giữa trời Đông/ Chẳng lá, không hoa thoáng chạnh lòng/ Da vỏ sần sùi trông thật tệ/ Người đời qua lại chẳng buồn trông/ Ồ lạ quá chưa - buổi sáng nay/ Xuân hồng đánh thức thoát giấc dài/ Đội vỏ mầm non trông thật ngộ/ Uống giọt sương đêm, đón nắng mai”.
Trong bài “Hạ về” vẫn là những vần thơ trong trẻo gửi đến tuổi học trò: “Hạ đã về đây với sân trường/ Ve ngân nga giọng gửi nhớ thương/ Áo trắng tung bay trang sách mỏng/ Chút lửa xinh xinh gửi Phượng hồng”.
Thầy với tôi ngoài tình đồng nghiệp, ngoài mối quan hệ cấp trên cấp dưới, chúng tôi còn chung niềm đam mê chữ nghĩa nên có cái tình tri âm. Có những bài thơ viết xong, hai thầy trò ngồi trao đổi, bình luận từng ý tứ cho nhau nghe. Thầy khen thơ tôi sâu lắng, có cái chín của người trưởng thành. Tôi vui vì trong cơ quan có thêm một “đồng minh” thơ ca để không còn cảm giác cô đơn, cô độc.
Tôi là người đọc và chọn lựa những tác phẩm thơ đầu tiên của thầy gửi đăng báo. Tôi còn nhớ như in cái cảm giác thầy hạnh phúc như một đứa trẻ khi lần đầu có bài đăng trên các trang web văn học nghệ thuật. Khoảnh khắc ấy, tôi nhớ mãi nụ cười trẻ trung của thầy. Cũng như tôi, những bài thơ đầu tiên của thầy được đăng, giới thiệu trên Đất Đứng, Người Bạn Đường (trang web của những nhà văn, nhà thơ đang sinh sống ở Nga)…
Nhưng có lẽ hạnh phúc nhất, là lần gần đây, tôi và thầy đều được đăng chung một trang thơ trên Báo Giáo dục và Thời đại. Chẳng thể nói hết hai thầy trò đã vui như thế nào. Tôi còn nhớ, đó là 2 bài thơ đầy triết lý nhưng đọc day dứt một nỗi buồn của thầy: “Đồng hồ cát” và “Tiền”.
Những vần thơ thầy viết trên giường bệnh. Tôi đã khóc khi đọc và gửi đi: “Ôi chiếc đồng hồ cát/ Hai nửa đều như nhau/ Những hạt cát nhuộm màu/ Đo thời gian chăm chỉ.// Nửa không thành nửa có/ Nửa có dần thành không/ Quy luật mãi quay vòng/ Có - không rồi không - có// Cuộc đời là vậy đó/ Đồng hồ cát luân hồi/ Sức khỏe sẽ dần vơi/ Khi tuổi đời dần lớn// Bao công lao tài sản/ Tích lũy cả cuộc đời/ Như muối bỏ biển khơi/ Khi ốm đau phận bạc// Như chiếc đồng hồ cát/ Luân hồi mãi có – không/ Giữa cuộc đời mênh mông/ Đâu là không, là có”.
Song không phải thơ thầy lúc nào cũng buồn, ngay cả những ngày phải chịu những cơn đau do bệnh hành hạ, thầy vẫn có những vần thơ đầy trong trẻo, lạc quan, tin yêu cuộc sống đến lạ thường. Mới nhất, thầy viết đăng lên Facebook: “Thoảng nghe trong gió đêm/ Tiếng thì thào hương gọi/ Cánh Mộc Lan bung vội/ Ngạt ngào mùi hương đưa/ Sương đêm đã về chưa/ Cườm Mưng sao e ấp/ Chùm hoa dài khoe sắc/ Bóng đêm trùm miên man/ Ôi hương thơm nồng nàn/ Cùng cánh hoa thắm đỏ/ Sáng chiều sao không nở/ Đợi đêm về trao hương”. Hay như trong bài “Cây xoài của mẹ”, có đoạn thầy viết: “Lá như tay vẫy/ Cây xoài của mẹ/ Mỗi ngày một to/ Thơm lừng quả chín/ Chim về líu lo…”.
Thật ít ai nghĩ rằng đó là những vần thơ được viết ra của một người đang gặp phải bệnh hiểm nghèo. Những ngày bạo bệnh, thầy vẫn gắng gượng đi làm. Thi thoảng tôi nhắn tin hỏi thăm, thầy nhắn lại tiếp tục đi truyền hóa chất, đau lắm em ạ! Tôi biết, thầy vẫn cố gắng đến trường để quên đi đau đớn, cũng là muốn giữ được đồng lương để điều trị bệnh.
Và một lý do nữa, nhà xa nên thầy muốn lái xe chở vợ đi dạy cùng cho cô đỡ vất vả. Thầy là người yêu vợ, nhớ hồi còn công tác cùng trường, cứ dịp 20/10 hay 8/3 thầy đều ra tận hàng hoa chọn mua một bó đẹp nhất để tặng. Có hôm trên đường đi dạy về, trời mưa to, tôi chứng kiến thầy tay cầm bó hoa, tay cầm cái ô, sau mới biết hôm ấy sinh nhật vợ thầy.
Đêm nay, thầy lại phải ra Hà Nội để truyền hóa chất, tôi biết đến những ngày này thầy phải chịu nhiều đau đớn. Tôi nhắn tin hỏi thăm, thầy nhắn trả lời “đau lắm em ạ!”. Bỗng nhiên, tôi cũng muốn khóc bởi thầy vốn mạnh mẽ.
Cũng đêm nay, tôi ngồi đọc lại những bài thơ của thầy, những vần thơ viết về quê hương, viết về mẹ sâu lắng, thấm đẫm tình người, tình quê: “Đêm nghe mẹ kể chuyện xưa/ Bao nhiêu ký ức tuổi thơ hiện về/ Sương giăng triền cỏ bờ đê/ Bước chân lầm lũi đi về trong đêm/ Gánh trăng non, quảy mạ mềm/ Con đường đất nhỏ thuộc quen lối về...”.
Những vần thơ xanh thầm kiên cường, mạnh mẽ cứ vang lên, bay lên thoát khỏi nỗi đau đớn: “Mặc thị phi chốn nhân gian/ Riêng ta chỉ ước bình an trọn đời/ Vững vàng bước tiếp em ơi/ Dù cho đất lở cát bồi chẳng sao”.
Và rồi, một mùa Xuân đầy hương sắc của đất trời lại đến trong những vần thơ của thầy. Một mùa Xuân “kiêu sa”, lạc quan và hi vọng:
“Xuân đã về đây với mọi nhà
Mai vàng nở đượm nét kiêu sa
Sáu cánh đào phai thêm vị ngọt
Ngỡ ngàng Đại lộc cũng đơm hoa”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-tho-xanh-tham-post714605.html