Vanarasi – thành phố tâm linh bên bờ sông Hằng
Thành phố Bắc Ấn Varanasi, tên cổ xưa là Benares, lịch sử còn gọi là 'Gasi' cách Agra khoảng 500 km. Nơi đây được đặt tên là thành phố cổ bên dòng sông Hằng huyền thoại. Varanasi còn là một trong ba thành phố cổ nhất thế giới với lịch sử hơn 5000 năm tuổi.
Nơi con sông chảy về thiên đường
Có người nói rằng; “Varanasi xưa hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, cũ hơn cả huyền thoại và tuổi của nó gấp đôi tất cả những thứ vừa kể cộng lại”. Những con phố nhỏ, cũ kĩ và chật chội là nơi sinh hoạt và đi lại của đông đảo cư dân thành phố. Có một điều dễ dàng nhận thấy là mọi sinh hoạt ở Varanasi đều gắn liền với dòng sông Hằng. Từ khi ra đời cho đến khi kết thúc cuộc hành trình tại trần gian…
Varanasi là một thành phố thánh và là trung tâm trong suốt hàng ngàn năm của Hindu giáo nằm bên bờ sông Hằng ở bang Uttar Pradesh, Ân Độ. Tương truyền, 6.000 năm trước thành phố này do thần Shiva – một vị thần của Đạo Hindu lập ra, bất kỳ người nào chết ở đây đều đến được với thần Shiva. Từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên, Varanasi đã trở thành trung tâm tôn giáo của Ấn Độ…
Nhắc đến Varanasi, người ta không thể không nhắc đến sông Hằng và những Ghat dọc hai bên bờ sông Hằng, nơi người dân địa phương sinh hoạt và cũng hỏa táng người đã khuất (Hỏa táng là nguyên tắc căn bản trong đạo Hindu bởi nhờ đó linh hồn được gột rửa và giải phóng khỏi thân xác. Nghi lễ hỏa táng rất được coi trọng vì đó là bước để đạt đến cõi niết bàn.
Các bước trong nghi lễ phải được tiến hành theo đúng quy định, nếu không linh hồn sẽ không thể sang được thế giới bên kia). Ghat theo tiếng Hindi có nghĩa là những bậc thang cấp. Dọc một đoạn sông dài khoảng 5 dặm có tất cả 84 Ghat lớn nhỏ, nhưng trong đó chỉ có một vài Ghat quan trọng nhất và tập trung nhiều tín đồ nhất.
Sông Hằng vốn chảy từ Bắc xuống Nam, riêng tại Varanasi, sông Hằng chảy từ phía Nam ra phía Bắc, về nơi đầu nguồn Himalaya. Sau khi chảy vào Ấn Độ, sông Hằng hòa vào sông Araknanda và vẫn mang tên sông Hằng. Người Ấn Độ gọi sông Hằng là sông Thánh, coi sông Hằng là hóa thân của nữ thần Ganga, vợ của thần Shiva. Vì vậy, họ rất kính trọng sông Hằng.
Tương truyền, sự kính trọng này bắt nguồn từ một truyền thuyết. Thời xưa, sông Hằng chảy xiết sóng to gió lớn, thường gây ngập lụt, phá hủy mùa màng, tàn hại sinh linh. Để rửa sạch lỗi lẫm của các bậc tiền bối, có một quốc gia đã cầu xin các thần trên trời giúp đỡ thuần phục sông Hằng, tạo phúc cho dân chúng. Thần Shiva đến chân núi Himalaya xõa tóc xuống mặt đất làm cho dòng thác sông Hằng chảy qua tạo thành 7 dòng nước chảy từ từ, tưới mát đồng ruộng hai bên bờ sông.
Từ đó, nhân dân ở hai bờ sông Hằng được sống yên ổn. Để cảm ơn thần Shiva, nhân dân Ấn Độ đã ví sông Hằng là sông Thánh. Hàng năm đi hành hương đến thánh địa Varanasi, nơi ở của thần Shiva, họ đều xuống sông này tắm rửa, gột bỏ mọi tội lỗi trong năm.
Thần thoại của người Hindu kể rằng sông Hằng chảy từ thiên đàng xuống thẳng hạ giới, vì vậy ngôi nhà thực sự của sông Hằng theo Ấn Độ giáo là tại thiên đàng, mà đỉnh Himalaya chính là nơi bắt nguồn ở hạ giới.\
Vì vậy, rất nhiều người Hindu tin rằng trên mảnh đất Varanasi này, sông Hằng chảy hướng lên thiên đàng. Đối với người dân Ấn mà đa số những người theo đạo Hindu thì Vasanasi là thánh địa linh thiêng bậc nhất – thành phố của thần Shiva, họ tâm nguyện được chết tại đây, tro cốt phải được rải xuống sông Hằng, chu kỳ tái sinh vĩnh cửu (samsara) của họ sẽ kết thúc và đi tới cõi niết bàn (moksha).
Ở Varanasi, cái chết luôn hiện diện nhưng không phải là một gánh nặng. Người Ấn Độ giáo có một câu nói: "Kaashyaam maranam muktih", có nghĩa là chết ở đây là một sự giải phóng. Vậy nên khi biết mình không sống được lâu nữa, điều đầu tiên tín đồ Hindu nghĩ đến đó là hành hương về Varanasi.
Vì vậy, thánh địa Varanasi có rất nhiều người già, ốm, người chết và quả phụ. Tín đồ đạo Hindu cho rằng, thi thể của người phàm phải được thiêu cháy. Chỉ có thánh nhân là ngoại lệ, bởi họ đã hợp nhất với thần. Sau khi chết, thi thể của thánh nhân được các tín đồ đặt lên vòng hoa, buộc đá đặt xuống sông Hằng. Điều này giải thích lý do người theo đạo Hindu lại gột rửa thân thể mình nơi đây và nghĩ rằng sông Hằng sẽ giải phóng họ khỏi tất cả mọi tội lỗi của trần thế.
Người dân của thành phố Varanasi có một niềm tin kiên định đối với nền văn hóa lâu đời của mình, một trong những nền văn hóa cổ xưa nhất của thế giới. Ngày nào cũng vậy, những người theo đạo Hindu ở hai bên bờ sông thức dậy rất sớm, ra các ghat dọc sông Hằng để tắm rửa, họ cầu nguyện, tập yoga chào đón ngày mới, và họ hài lòng với nếp sinh hoạt đó. Họ coi thờ cúng và cầu nguyện là nhu cầu thiết yếu của mình.
Phong tục kì lạ chỉ có ở Varanasi
Sông Hằng linh thiêng nên người dân ở đây thường xuống ngay bến sông để tắm gội, tẩy trần. Họ cũng lấy nước sông Hằng về phục vụ cho sinh hoạt ăn uống. Hàng đêm, bến sông Hằng là một sân khấu lớn, là nơi biểu diễn những nghi lễ truyền thống.
Nếu đến đây vào trung tuần tháng 7, khi Ấn Độ bước vào mùa mưa, đúng vào tháng lễ hội thần Shiva, chúng ta sẽ được chứng kiến cảnh tượng hết sức đặc biệt. Những đoàn thanh niên mặc trang phục màu cam, gánh trên vai hai bình nước nhỏ với một chiếc quang gánh được trang trí bằng kim tuyến sặc sỡ.
Họ là những người theo đạo Hindu, đang thực hiện nghi lễ hàng năm đem nước thiêng từ sông Hằng về đền thờ của địa phương mình để thờ cúng. Họ nói rằng, điều đặc biệt nhất là nước sông Hằng không hề bốc hơi như những loại nước khác, do đó họ có thể đem nước về để thờ phụng quanh năm. Họ phải đi hàng trăm ki lô mét bằng chân trần, trên những đoạn đường đầy sỏi đá, bụi bẩn, phải ăn chay trong suốt hành trình và không được phép đặt gánh nước xuống đất.
Những quy định khắt khe như vậy đã được thực hiện từ nhiều đời, như một quy luật bất định đối với mỗi một đứa trẻ sinh ra theo đạo Hindu. Người ta chấp nhận nó, và vui vẻ thực hiện sứ mệnh của mình với lòng thành kính vô hạn, như một sự thử thách cần phải vượt qua trong cuộc đời để chứng minh cho sự trưởng thành cả về tâm hồn và thể lực của chính bản thân mình.
Ngoài ra, tại đây còn nổi tiếng với nghi thức tắm sông Hằng – một nghi thức đánh dấu cao điểm của lễ hội Kumbh Mela của Ấn Độ Giáo kéo dài đến ba tháng. Ngày 15/4 là ngày cuối cùng trong 4 ngày được coi là lành nhất trong lễ hội. Ban tổ chức ước tính chỉ riêng hôm đó đã có hơn 8 triệu người thực hiện nghi thức tắm ở sông Hằng trên một khúc sông dài 15 km.
Theo truyền thuyết Ấn giáo, những người tắm nước thiêng trong lễ hội sẽ được thần linh ban phước. Ngoài ra, họ sẽ được nước sông gột rửa tội lỗi và tiến gần hơn tới sự cứu rỗi.
Lễ hội Kumbh Mela được tổ chức ba năm một lần, mục đích là để tưởng niệm một trận chiến huyền thoại giữa các thần linh và ma quỷ để giành một bình chứa mật hoa trường sinh bất tử. Theo truyền thuyết, bốn giọt mật đã rơi xuống bốn thị trấn khác nhau của Ấn Độ và lễ hội sẽ được tổ chức luân phiên tại các thị trấn này. Lễ hội Kumbh Mela vẫn được mô tả là một cơ hội thể hiện lòng mộ đạo độc nhất vô nhị trên thế giới về tầm cỡ cũng như về màu sắc.
Ngày nay, thành phố Varanasi vẫn giữ được hơn 2.000 ngôi đền lớn nhỏ. Có ngôi đền hùng vĩ huy hoàng, có ngôi đền bé nhỏ xinh xinh, điêu khắc tinh xảo. Phong cách kiến trúc đền miếu ở đây đa dạng, biểu hiện sắc thái tôn giáo đậm đà.