Vắng bóng những chuyến phà - Vận hội mới, thời cơ mới
Khi những cây cầu mới lần lượt mọc lên, bóng dáng những chuyến phà dần biến mất. Nhưng đây không phải là sự mất mát, mà là biểu tượng của sự thay đổi và tiến bộ. Những cây cầu mới, những dự án hạ tầng hiện đại sẽ mở ra cánh cửa tương lai, mang lại cơ hội cho nhiều vùng đất.
Thúy, 28 tuổi, quê ở Khoái Châu, Hưng Yên, không bao giờ quên ánh mắt ngạc nhiên của đồng nghiệp khi cô kể về việc phải đi phà về quê. Những câu hỏi như “Giờ vẫn còn đi phà sao?”, “Phà có chở được xe máy không?” liên tục được đặt ra. Thúy thấy vừa thú vị vừa bất ngờ khi nhận ra sự xa lạ của nhiều người thành phố đối với khái niệm những chuyến phà.
Cuộc sống bên những chuyến phà
Đối với Thúy, những chuyến phà quen thuộc như là hơi thở. Lần đầu tiên cô đi phà có lẽ là khi còn trong bụng mẹ. Bố Thúy, một chàng trai Hưng Yên, đã gặp và yêu mẹ cô - người con gái Hà Nội, khi cả hai cùng làm việc trong một nhà máy. Hôn lễ của họ thậm chí còn “bao” một chuyến phà để đưa đón dâu qua sông. Tuổi thơ của Thúy là những ngày được cha mẹ đưa qua phà thăm ông bà ngoại. Lớn lên, lần đầu tiên đưa người yêu về ra mắt gia đình, cô còn phải hướng dẫn anh cách đi xe máy xuống phà. Những ký ức ấy với Thúy là một phần không thể thiếu trong cuộc sống nơi quê nhà.
Không chỉ riêng gia đình Thúy, những chuyến phà gắn liền với cuộc sống của biết bao người dân quê cô. Dọc bờ sông Hồng, từ cầu Thanh Trì xuôi về phía Nam, hàng chục bến phà vẫn ngày ngày nối đôi bờ Hà Nội - Hưng Yên. Những người đi chợ Hà Nội từ Hưng Yên, chở nhãn vào mùa thu hoạch hay quất cảnh vào dịp Tết, đều phụ thuộc vào những chuyến phà. Người đi làm xa, sáng đi tối về, cũng xem phà như một phần quen thuộc trong nhịp sống thường nhật. Ngày qua ngày, phà chở qua sông không chỉ những chiếc xe máy và ô tô chất đầy hàng hóa, mà còn cả những cuộc chuyện trò vui vẻ và sự mong ngóng chờ phà cập bến.
Cô Hường, người dân ở xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang kể: “Cứ mỗi vụ Tết, nhà tôi lại chất cây cảnh lên xe máy, đi qua phà sang Hà Nội bán. Nhà khác có điều kiện hơn thì họ chở bằng ô tô. Những chuyến phà không chỉ là phương tiện đi lại mà cũng là sinh kế của chúng tôi.”
Niềm vui từ cây cầu mới
Thế nhưng, khi nghe tin cây cầu Mễ Sở sắp được xây dựng, niềm vui ánh lên trong mắt cô Hường. Cây cầu sẽ nối huyện Văn Giang (Hưng Yên) với huyện Thường Tín (Hà Nội). Mặt cầu rộng 24,5m, gồm 4 làn xe cơ giới và hai làn xe máy, xe thô sơ. Người dân kỳ vọng, khi cây cầu hoàn thành, họ sẽ không còn phải phụ thuộc vào những chuyến phà hay đi vòng qua cầu Thanh Trì xa xôi.
“Cầu mới tất nhiên là thích. Đi phà thường mất thời gian chờ đợi, có hôm phải chờ lâu mới được qua. Chở hàng nặng khi lên xuống phà cũng rất khó khăn. Có cây cầu, bà con sẽ bớt vất vả hơn”, cô Hường vui vẻ.
Cầu Mễ Sở với tổng chiều dài gần 14 km, kết nối trực tiếp các khu vực trọng điểm, điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 1A và Vành đai 4 và điểm cuối là nút giao giữa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Vành đai 4. Khi cầu hoàn thành, các bến phà xung quanh như phà Hồng Vân - Mễ Sở, phà Bình Minh hay phà Vạn Phúc - Dương Liệt nhiều khả năng sẽ phải hạn chế hoặc dừng hoạt động, khép lại sứ mệnh lịch sử của mình.
Nhìn lại lịch sử của cầu Tân Đệ - kết nối Thái Bình và Nam Định, trước khi có cầu người dân hai tỉnh chủ yếu qua lại bằng bến phà Tân Đệ, hoạt động từ năm 1929. Sau khi cầu Tân Đệ khánh thành năm 2002, Thái Bình không chỉ phá vỡ thế “ốc đảo” mà còn bứt phá về kinh tế, thu hút đầu tư và phát triển đô thị. GRDP của Thái Bình từ hơn 4.500 tỷ đồng năm 2000 lên gần 68.000 tỷ đồng năm 2023, tăng gấp 15 lần. Tỉnh này cũng trở thành một điểm sáng về thu hút đầu tư, lọt vào top 5 cả nước trong năm 2023. Những con số ấy là minh chứng rõ nét cho tiềm năng phát triển khi có hạ tầng giao thông hiện đại.
Với cầu Mễ Sở, người dân Hưng Yên và Hà Nội cũng kỳ vọng về một tương lai tương tự - nơi giao thương thuận lợi, cuộc sống thịnh vượng hơn nhờ kết nối hiệu quả.
Cầu Mễ Sở chỉ là một phần trong dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, dài 112,8 km, đi qua ba tỉnh/thành: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 85.800 tỷ đồng, dự án được kỳ vọng không chỉ giảm tải áp lực giao thông mà còn mở rộng không gian phát triển cho cả vùng miền Bắc. Các chuyên gia nhận định, ngay cả những tỉnh ở vòng ngoài vành đai 4 như Bắc Giang, Hải Dương hay Thái Nguyên cũng có thể tận dụng các tuyến đường đã có hoặc xây mới thêm 1 - 2 con đường đấu nối, từ đó có thêm cả nghìn ha đất làm công nghiệp hoặc đô thị.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, nhấn mạnh: “Đường vành đai 4 sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, hình thành các chùm đô thị vệ tinh, giúp hút dân ra khỏi nội đô. Đây không chỉ là tuyến giao thông, mà còn là bất động sản quốc gia, sinh lời cho cả một miền đất nước.”
Khép lại hành trình, mở ra vận hội mới
Khi các bến phà dần vắng bóng, người ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là những người lái phà, những người đã gắn bó cả cuộc đời với dòng sông. Nhưng ngay cả họ cũng hiểu được ý nghĩa của sự đổi thay.
“Thiếu gì nghề. Không lái phà thì lái tàu. Xưa chú còn lái cả tàu kia kìa,” một người lái phà ở bến Bình Minh cười, chỉ tay về phía con tàu đang chạy trên sông. Sự luyến tiếc là có, nhưng niềm vui khi có những cây cầu mới dường như vượt lên trên tất cả.
Sự xuất hiện của những cây cầu là dấu hiệu của sự chuyển mình mạnh mẽ trong chiến lược phát triển hạ tầng của Việt Nam. Hạ tầng giao thông đã và đang trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kết nối vùng miền và tạo sức bật cho các khu vực kinh tế trọng điểm. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ Việt Nam đã xác định hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược.
Câu chuyện về hạ tầng không chỉ dừng lại ở những cây cầu vượt sông hay dự án Vành đai 4. Hàng loạt các dự án hạ tầng chiến lược khác đang minh chứng rõ nét cho sự quyết tâm đầu tư nhằm tạo ra tiềm lực lớn cho quốc gia như dự án sân bay Long Thành, hay gần đây nhất là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Mỗi dự án là một bước tiến lớn, một lời khẳng định rằng Việt Nam đang sẵn sàng bước vào một kỷ nguyên mới.
Sự vắng bóng của những chuyến phà trên sông Hồng là minh chứng cho sự chuyển mình của thời đại. Từ những chiếc phà nhỏ bé đến những cây cầu hiện đại, từ những bến nước giản dị đến những sân ga tầm cỡ quốc tế, Việt Nam đang bước những bước dài trên con đường hiện đại hóa và hội nhập.
Dòng sông vẫn chảy, nhưng vai trò của nó đã thay đổi. Những cây cầu, những tuyến đường, và những dự án hạ tầng khác không chỉ nối đôi bờ, mà còn nối liền những khát vọng và tương lai của một đất nước đang vươn mình mạnh mẽ, với hạ tầng là động lực và nền tảng cho sự phát triển bền vững.