Du học sinh, sinh viên nói về Tết Thầy?

'Tết Thầy' là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, thể hiện truyền thống 'Tôn sư trọng đạo'. Dù cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, nhưng tình cảm kính trọng thầy cô vẫn luôn được gìn giữ.

 Bạn Phạm Thị Vân Anh - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan (áo dài đỏ). Ảnh: NVCC

Bạn Phạm Thị Vân Anh - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan (áo dài đỏ). Ảnh: NVCC

Phạm Thị Vân Anh - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan cho hay Tết là dịp quan trọng nhất trong năm, không chỉ đánh dấu sự khởi đầu mới mà còn là thời gian để mỗi người con xa quê hướng về cội nguồn.

"Đối với du học sinh Tết mang ý nghĩa đặc biệt, bởi đó là lúc chúng em kết nối với nhau, cùng nhau tái hiện không khí Tết truyền thống giữa nơi xa xứ. Dù không thể ở bên gia đình, nhưng việc duy trì những phong tục như gói bánh chưng, chúc Tết, và sum vầy bên mâm cỗ cũng giúp em cảm nhận được hơi ấm quê hương", Vân Anh nói.

Theo Vân Anh, “Tết Thầy” là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, thể hiện truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Dù cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, nhưng tình cảm kính trọng thầy cô vẫn luôn được gìn giữ. Ngày nay, nhiều bạn trẻ có thể không đến thăm thầy cô trực tiếp như trước, nhưng vẫn bày tỏ lòng biết ơn qua những lời chúc, cuộc gọi, hoặc những món quà tinh thần.

Có dịp trở về Việt Nam vào dịp Tết, Vân Anh thường tranh thủ đến thăm thầy cô, tổ chức gặp mặt để tri ân. Còn khi ở nước ngoài, dù không thể gặp trực tiếp, Vân Anh vẫn duy trì truyền thống này qua những tin nhắn, cuộc gọi hoặc gửi lời chúc qua mạng xã hội.

Bạn Nguyễn Bá Minh Vi - Trường đại học Y Hà Nội chia sẻ, giới trẻ hiện nay có vẻ ít quan tâm đến Tết thầy so với trước đây. Trong thời đại công nghệ số, việc giao tiếp và thể hiện bản thân thông qua văn bản điện tử đã trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, vẫn có một số bạn trẻ nhận thức được tầm quan trọng của Tết thầy trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

 Bạn Nguyễn Đình Nguyệt Hà- Sinh viên Học viện Ngân hàng

Bạn Nguyễn Đình Nguyệt Hà- Sinh viên Học viện Ngân hàng

Nguyễn Đình Nguyệt Hà- Sinh viên Học viện Ngân hàng chia sẻ, trong mắt giới trẻ ngày nay, đây vẫn là một dịp để thể hiện lòng kính trọng đối với thầy cô giáo, nhưng có thể không quá phổ biến như trước. Thay vì tặng quà vật chất, nhiều bạn trẻ hiện nay thể hiện sự biết ơn bằng những lời chúc chân thành, hoặc thậm chí qua các phương tiện kỹ thuật số như email, tin nhắn.

Tuy vậy, lòng biết ơn và tôn trọng thầy cô vẫn được lưu giữ, mặc dù cách thể hiện có thể thay đổi theo thời gian. Các bạn vẫn coi Tết là dịp để bày tỏ lòng biết ơn, nhưng có thể không còn như trước, khi mà những món quà vật chất trở thành một phần quan trọng trong việc thể hiện tình cảm.

 Bạn Đức Vinh, sinh viên trường đại học Y Hà Nội

Bạn Đức Vinh, sinh viên trường đại học Y Hà Nội

Đức Vinh, sinh viên trường đại học Y Hà Nội chia sẻ, ông cha ta có câu: "Mùng Một Tết cha, Mùng Hai Tết mẹ, Mùng Ba Tết thầy," và hiện phong tục này vẫn được duy trì và phổ biến. Tết thầy giống như một dịp đặc biệt để tri ân, tương tự Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhưng mang không khí đầu năm mới. Dịp Tết, mọi người có nhiều thời gian rảnh hơn. "Bọn em đi chúc Tết thầy cô vào dịp này để gửi lời chúc năm mới và bày tỏ lòng biết ơn. Đây cũng là dịp để gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ, trải nghiệm từ thầy cô, hoặc đơn giản là thể hiện sự tri ân của mình", Đức Vinh chia sẻ.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/du-hoc-sinh-sinh-vien-noi-ve-tet-thay-post1713691.tpo