Vàng lập mặt bằng giá mới, xuất hiện phân hóa về giá giữa các thương hiệu
Vàng nhẫn và vàng miếng phiên 9/4 cùng lập mặt bằng giá mới, trong khi mức chênh lệch về giá giữa các thương hiệu có thời điểm lên tới 500.000 đồng/lượng.

DOJI niêm yết giá vàng miếng ở mức 98 - 100,2 triệu đồng/lượng. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN
Thị trường vàng sáng 9/4 tiếp tục nóng lên, khi giá vàng trong nước bật tăng mạnh ngay đầu phiên, đặc biệt ở chiều mua vào. Cả vàng nhẫn lẫn vàng miếng đều ghi nhận mức điều chỉnh đáng kể, kéo theo biên độ chênh lệch mua - bán cũng được rút ngắn.
Trái ngược với xu hướng đồng đều trước đó, phiên hôm nay chứng kiến sự phân hóa về giá giữa các thương hiệu lớn. Cụ thể, vào lúc 9h30 sáng, Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 98,3 - 100,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng vọt 600.000 đồng ở chiều mua và thêm 300.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm hôm qua. Biên độ chênh lệch giá mua - bán tại đây được thu hẹp đáng kể, chỉ còn 2,2 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI giữ nguyên giá bán vàng miếng SJC ở mức 100,2 triệu đồng/lượng, trong khi đẩy giá mua lên 98 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng so với hôm qua.
Đáng chú ý nhất là Bảo Tín Minh Châu - doanh nghiệp hiện đang niêm yết giá mua vàng miếng cao nhất thị trường với mức 98,4 triệu đồng/lượng. Giá bán ra tại đây là 100,5 triệu đồng/lượng, cùng tăng lần lượt 600.000 đồng và 300.000 đồng so với phiên trước. Khoảng cách mua - bán tại thương hiệu này được rút ngắn xuống còn 2,1 triệu đồng/lượng.
Không chỉ vàng miếng, giá vàng nhẫn cũng tăng tốc trở lại. SJC nâng giá nhẫn vàng 9999 lên 98,2 triệu đồng/lượng mua vào và 100,4 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 400.000 đồng chiều mua và 100.000 đồng chiều bán.
Vàng nhẫn Hưng Thịnh Vượng của DOJI ghi nhận tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua, niêm yết tại 98 - 100,2 triệu đồng/lượng, giữ nguyên biên độ 2,2 triệu đồng/lượng.
Tại Bảo Tín Minh Châu, vàng nhẫn tròn trơn tiếp tục giữ vị thế cao hơn thị trường, khi được mua vào ở mức 98,7 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 100,8 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng giá mua và 500.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Trên thị trường quốc tế, tính đến 9h sáng (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đang neo quanh mốc 3.000 USD/ounce, sau khi có thời điểm rơi về 2.970 USD/ounce trong vài giờ trước đó rồi nhanh chóng phục hồi.
Giá vàng bật tăng trở lại trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu leo thang, khi Mỹ sẽ áp thuế 104% đối với Trung Quốc từ 0h ngày 9/4 (giờ Mỹ), sau khi Bắc Kinh kiên quyết không dỡ bỏ mức thuế trả đũa với hàng hóa Mỹ.
Thị trường cũng đang hồi hộp dõi theo các tín hiệu chính sách tiền tệ từ Mỹ. Nhà đầu tư hiện hướng sự chú ý đến biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến công bố vào thứ Tư, để nắm bắt thêm thông tin về khả năng cắt giảm lãi suất.
Trong môi trường địa chính trị diễn biến bất ổn, vàng tiếp tục là điểm đến an toàn. Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng gần 15%, hưởng lợi từ dòng vốn trú ẩn, lực mua mạnh từ các ngân hàng trung ương và dòng tiền đổ vào các quỹ ETF vàng.
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố sáng 9/4 ghi nhận mức tăng đáng kể, lên 24.936 đồng/USD, cao hơn 38 đồng so với phiên liền trước. Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại, giá USD được niêm yết phổ biến quanh 25.792 đồng/USD ở chiều mua vào và 26.182 đồng/USD chiều bán ra.
Quy đổi theo tỷ giá, vàng thế giới hiện tương đương khoảng 94,6 triệu đồng/lượng trong nước chưa gồm thuế, phí. Như vậy, giá vàng trong nước hiện vẫn neo cao hơn thị trường thế giới khoảng 6 triệu đồng mỗi lượng - khoảng cách chênh lệch đáng kể và chưa có dấu hiệu thu hẹp.