Vang mãi chiến công Xuân Lộc - Long Khánh

Cách đây tròn nửa thế kỷ, vùng Xuân Lộc - Long Khánh là chiến trường rất ác liệt, nơi địch thử sức, chí ý của quân và dân ta nhưng đã thất bại thảm hại. Với tinh thần quyết chiến - quyết thắng, quân và dân ta đã đập toang 'cánh cửa thép' của địch từ hướng Đông và tiến về giải phóng Sài Gòn.

Tượng đài Chiến thắng, một biểu tượng truyền thống cách mạng anh hùng của quân và dân Long Khánh. Ảnh:C.Nghĩa

Tượng đài Chiến thắng, một biểu tượng truyền thống cách mạng anh hùng của quân và dân Long Khánh. Ảnh:C.Nghĩa

Ông Nguyễn Tá Dẫn, nguyên Trung đội phó Trung đội trinh sát, Tiểu đoàn 28 đặc công, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 (nay là Quân đoàn 34) kể: “Từ giữa tháng 3 năm 1975, hàng đêm tôi được phân công vào nội ô thị xã Long Khánh để trinh sát tình hình của địch, từ đó có thông tin đưa lực lượng của ta vào mật kích các cơ quan đầu não của địch. Đó là những ngày tôi không thể nào quên được trong sự nghiệp cầm súng chiến đấu của mình, dù chiến tranh đã lùi xa tròn 50 năm”.

Không cho địch cơ hội tử thủ

Sau khi ta chiến thắng địch trên chiến trường Tây Nguyên tháng 3-1975, cục diện khắp các chiến trường miền Nam đã thay đổi rất nhanh chóng. Thời điểm này, đà tiến công của quân ta như vũ bão, khiến địch khiếp sợ, hoảng loạn. Dù vậy chính quyền chế độ Sài Gòn vẫn quyết định sẽ “tử thủ” tại Xuân Lộc - Long Khánh, coi đây là một “cánh cửa sắt” hòng ngăn chặn quân giải phóng tiến về Sài Gòn.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Long Khánh ĐẶNG MINH NGUYỆT cho biết, kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Xuân Lộc, giải phóng Long Khánh không chỉ giúp chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang, khắc sâu hơn nữa công ơn của những người đã ngã xuống cho mảnh đất này, mà còn là dịp để khơi dậy niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm và khát vọng cống hiến trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân thành phố.

Để đối phó với quân ta, tại chiến trường Xuân Lộc - Long Khánh, địch bố trí Sư đoàn 18, Liên đoàn 1 biệt động quân, lực lượng thiết giáp, pháo binh dày đặc, đặc biệt có sự yểm trợ tối đa của không quân. Thậm chí chỉ huy của địch là tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 đã ra mệnh lệnh “giữ Long Khánh bằng bất cứ giá nào”.

Còn về phía ta, Quân đoàn 4, gồm Sư đoàn 7, Sư đoàn 341, Sư đoàn 6 với các lực lượng pháo binh, công binh, phòng không cùng bộ đội địa phương đã phối hợp với các chiến trường xung quanh được lệnh mở chiến dịch đánh chiếm Xuân Lộc, mở đường tiến vào Sài Gòn. Tại thị xã Long Khánh lúc bấy giờ, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh, các lực lượng vũ trang địa phương, du kích các xã dọc theo đường 1A đã đẩy mạnh hoạt động vũ trang, mở rộng và không ngừng làm chủ địa bàn, tạo thế đứng chân cho bộ đội chủ lực tiến vào.

Các lực lượng của ta tại thị xã Long Khánh đã chủ động đánh tập kích vào các cơ quan đầu não của địch trong thị xã, còn lực lượng du kích phối hợp với các cơ sở mật tấn công địch, giải phóng các xã vùng ven thị xã. Ở nội ô thị xã, đội biệt động, trinh sát vũ trang đồng loạt tiến công vào nhiều mục tiêu đầu não của địch. Ta còn tiến hành tuyên truyền, vận động hàng trăm binh lính địch bỏ ngũ, giao nộp vũ khí.

Khi thời cơ chín muồi, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền đã quyết định mở Chiến dịch Xuân Lộc với sự tham gia của nhiều lực lượng như: Sư đoàn 341, Sư đoàn 7 của Quân đoàn 4, Trung đoàn độc lập 95b, Sư đoàn 6 Quân khu 7 và lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Bà Rịa - Long Khánh. Các lực lượng vũ trang thị xã Long Khánh cũng sẵn sàng phối hợp với quân chủ lực để tấn công địch.

Mốc son của quân và dân Long Khánh

Ông Nguyễn Tá Dẫn nhớ lại: “Đúng 5h30 ngày 9-4-1975, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công vào các mục tiêu quan trọng của địch trong nội ô thị xã Long Khánh. Pháo các loại của ta đồng loạt nả đạn bắn trúng nhiều mục tiêu trọng yếu của địch. Các kho đạn, xăng dầu cháy nổ rền vang, làm cho quân địch vô cùng hoang mang, hoảng sợ. Ngay ngày đầu pháo của ta bắn phủ đầu, các mũi tiến công được xe tăng yểm trợ từ các hướng đã xung phong đánh chiếm các mục tiêu của địch. Cũng ngay trong ngày đầu, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc một số cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy tại trung tâm Tỉnh lỵ Long Khánh”.

Ông Đào Bá Lượng, Đội trưởng Biệt động Thị đội Long Khánh kể lại: “Trước khi mở màn chiến dịch, đơn vị của tôi được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực đánh vào giải phóng Long Khánh. Nhận lệnh lúc đó, trong người tôi cảm giác như đi trên mây, vì toàn bộ anh em trong đơn vị biệt động khao khát được tham gia chiến dịch, nhanh chân vào giải phóng Long Khánh, dù hy sinh bao nhiêu cũng sẵn sàng”.

Còn ông Trần Văn Phú, chiến sĩ Đội Công binh xưởng Quân giới Thị đội Long Khánh chia sẻ: “Địch đã xác định mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn, trong khi đó ta cũng xác định muốn giải phóng Sài Gòn thì phải đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, vì vậy cuộc chiến đấu giữa ta và địch ở Xuân Lộc và Long Khánh là vô cùng ác liệt. Chúng tôi ai nấy đều thấm nhuần chỉ đạo của cấp trên, quyết không cho địch có cơ hội giữ được “cánh cửa thép Xuân Lộc”.

Với khí thế vũ bão của ta, trong cơn tuyệt vọng, chính quyền Sài Gòn đã ra sức hò hét “tử thủ Xuân Lộc”, “giữ Long Khánh bằng bất cứ giá nào”. Địch đã điều toàn bộ Sư đoàn 18 với Chiến đoàn 48, 52 và trên 100 xe tăng - thiết giáp tập trung pháo các cỡ để cầm cự, tử thủ, đồng thời kêu gọi thêm nhiều lực lượng, máy bay từ Biên Hòa, Sài Gòn chi viện.

Sau 12 ngày đêm chống trả quyết liệt (từ ngày 9-4), đến đêm 20 rạng sáng 21-4-1975, tướng Lê Minh Đảo và tàn quân rút chạy một cách hỗn loạn, tên đại tá, tỉnh trưởng Long Khánh Phạm Văn Phúc bị ta bắt sống trên đường di tản. Thời khắc 8h ngày 21-4-1975 cũng chính là mốc son vẻ vang nhất của Đảng bộ và quân dân Long Khánh anh hùng. Thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc, giải phóng Long Khánh đã mở ra thời cơ chiến lược cho đại quân ta tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tự hào truyền thống ông cha

Tiếp nối truyền thống cách mạng của các thế hệ cha ông đi trước, thế hệ trẻ Long Khánh hôm nay đang ra sức học tập, góp sức trẻ và trí tuệ xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại. Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông (THPT) Long Khánh Nguyễn Duy Bằng vui mừng chia sẻ, ngày 30-4-1975 miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, chưa đầy một năm sau đó Trường THPT Long Khánh đã được thành lập. Gần 50 năm qua, nhiều thế hệ học sinh đã phát huy truyền thống cách mạng của thành phố, ra sức học tập và rèn luyện. Đến nay, Trường THPT Long Khánh được đánh giá là một trong những trường THPT có chất lượng dạy và học tốp đầu của tỉnh.

Học sinh Trường trung học phổ thông Long Khánh đọc sách trên lớp. Ảnh:C.Nghĩa

Học sinh Trường trung học phổ thông Long Khánh đọc sách trên lớp. Ảnh:C.Nghĩa

Trường THPT Long Khánh còn tự hào về truyền thống phát triển Đảng trong học sinh. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, từ năm 2008 nhà trường đã có học sinh được kết nạp Đảng và là trường THPT đầu tiên của tỉnh có học sinh kết nạp Đảng. Nhiều học sinh đã trưởng thành từ ngôi trường có truyền thống học tập này, sau đó trở thành cán bộ, kỹ sư, bác sĩ giỏi. Trong năm học 2024-2025, nhà trường đã hoàn thành hồ sơ phát triển Đảng cho 7 học sinh.

Còn Bí thư Thành đoàn Long Khánh Hoàng Thanh Tùng tự hào cho hay, thanh niên Long Khánh trong thời đại mới có những nét đặc trưng riêng, đó là truyền thống học tập, lao động chăm chỉ và không ngừng rèn luyện. Có được nét đặc trưng đó, là do mỗi đoàn viên thanh niên của thành phố đều mang trong mình niềm tự hào về truyền thống cách mạng của các thế hệ cha ông đi trước, gắn liền với địa danh Long Khánh anh hùng. Truyền thống cách mạng của quê hương Long Khánh sẽ mãi là hành trang cho thế hệ trẻ không ngừng phấn đấu, học tập và rèn luyện.

Ông Đinh Văn Hoàn, cựu chiến binh (phường Xuân An) từng tham gia giải phóng Long Khánh cách đây tròn nửa thế kỷ, nhắn nhủ: “Mảnh đất Long Khánh có được như ngày hôm nay là nhờ đã có biết bao nhiêu xương máu của thế hệ cha ông đi trước. Vì vậy, lớp trẻ phải thường xuyên tìm hiểu, quý trọng và phát huy để bản thân mình khi trưởng thành có được bản lĩnh, không ngại khó khăn, gian khổ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202504/vang-mai-chien-cong-xuan-loc-long-khanh-0a60ba6/