Vang mãi khát vọng phát triển văn hóa dân tộc

Lúc sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp phát triển, chấn hưng nền văn hóa dân tộc. Đồng chí Tổng Bí thư đã có nhiều bài viết, bài phát biểu có tính khái quát cao, tổng kết lý luận và thực tiễn, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, chúc Tết nhân dân và các cháu thiếu nhi Hà Nội trong đêm giao thừa tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Ảnh: Báo Nhân Dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, chúc Tết nhân dân và các cháu thiếu nhi Hà Nội trong đêm giao thừa tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Ảnh: Báo Nhân Dân

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập toàn diện, sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa. Theo đó, trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đây là lần đầu tiên Đảng ta đề cập đến một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, trong đó nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước. Để xây dựng, gìn giữ và chấn hưng phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư đề nghị phải khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, tự cường, tinh thần đoàn kết và phát triển đất nước, phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội XIII đã đề ra.

Từ Đại hội XIII của Đảng đến Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, lĩnh vực văn hóa đã đón nhận một luồng sinh khí mới, động lực cho sự phát triển toàn diện, với nhiều điểm nhấn và bước ngoặt để dần hiện thực hóa quan điểm xuyên suốt của Đảng: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội... Có thể nói, chưa bao giờ văn hóa được quan tâm như hiện nay. Chưa bao giờ văn hóa có được nhiều thành tựu như hiện nay. Lĩnh vực văn hóa đã nhận được sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt là những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Tổng Bí thư đã có nhiều bài viết, bài phát biểu có tính khái quát cao, tổng kết lý luận và thực tiễn, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Trong hầu hết các bài phát biểu tại các hội nghị quan trọng của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư đều dành dung lượng và thời gian để trao đổi, luận giải về văn hóa và khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh đan xen nhiều mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới, giữa hội nhập với phát huy và bảo tồn những giá trị cốt lõi, nhân văn cao đẹp của dân tộc.

Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ra mắt ngày 21/6/2024, với độ dày 930 trang, tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, trong đó, bài viết sớm nhất là từ năm 1968.

Phần thứ nhất của cuốn sách có tên “Văn hóa hồn cốt của dân tộc” gồm 19 bài phát biểu, bài viết tại các hội nghị. Phần thứ 2 có tên “Phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước bền vững” gồm 73 bài phát biểu, bài viết, thư gửi... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với các lĩnh vực văn hóa cũng như quá trình xây dựng, phát triển của các cơ quan văn hóa như Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Tạp chí Văn học, Đài Tiếng nói Việt Nam...

Qua đó, thấy rõ sự sâu sát, nắm bắt thực tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác văn hóa, văn nghệ của nước nhà. Phần thứ ba có tên “Từ luận điểm văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống” chọn lọc 32 bài viết, trả lời phỏng vấn của cán bộ, đảng viên và nhân dân xoay quanh việc phát triển và chấn hưng văn hóa Việt Nam. Cuốn sách là sự hệ thống hóa các quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về văn hóa Việt Nam thể hiện tập trung và sinh động tầm vóc, tư duy rộng lớn, tầm nhìn xa trông rộng, tư duy chỉ đạo chiến lược nhất quán, xuyên suốt và sáng tạo của người đứng đầu của Đảng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, tiếp cận cuốn sách của Tổng Bí thư không chỉ đơn thuần hiểu đây là kho tàng tri thức của nhân loại, mà đây còn là "cuốn cẩm nang" cho những người công tác trong lĩnh vực văn hóa. Thông qua cuốn sách, đội ngũ những người công tác trong lĩnh vực văn hóa được nâng cao nhận thức một cách sâu sắc những chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa; nắm được những vấn đề về lý luận từ tổng kết thực tiễn mà Tổng Bí thư đã gửi gắm trong cuốn sách này.

Bản thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về một người yêu văn hóa, coi trọng văn hóa và luôn cố gắng hết mình để xây dựng các giá trị văn hóa tốt đẹp. Đặc biệt, những phẩm chất liêm, chính, chí công vô tư, yêu nước, thương dân... của Tổng Bí thư đã trở thành hình mẫu sáng ngời về người cộng sản kiên trung, trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý. Trong sự nghiệp chính trị của mình, Tổng Bí thư đã khéo léo sử dụng các chất liệu thơ văn của dân tộc để truyền tải những thông điệp chính trị sâu sắc. Chỉ vậy thôi cũng đủ thấy chiều sâu văn hóa trong con người Tổng Bí thư. Nhiều câu nói, câu trích dẫn chứa đựng tinh thần, ý chí, quyết tâm, khát vọng, niềm tự hào dân tộc được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng đã trở thành nguồn động lực cho thế hệ trẻ cũng như răn đe, cảnh tỉnh cán bộ.

Khắc ghi những lời dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng, toàn quân và toàn thể nhân dân Việt Nam nguyện tiếp bước ông cha viết tiếp truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc, thực hiện cho bằng được lời chỉ dạy: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vang-mai-khat-vong-phat-trien-van-hoa-dan-toc-post478705.html