Vang mãi khúc ca khải hoàn
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày non sông thu về một mối, Nam - Bắc sum họp một nhà nhưng khúc khải hoàn ca như vẫn ngân vang, gợi nhớ một hành trình đầy gian khổ mà tự hào.

Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập (Ảnh tư liệu)
1. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã ghi một mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam, sau 55 ngày đêm tiến công “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, quân và dân ta đã đập tan bộ máy quân sự khổng lồ của quân ngụy Sài Gòn, quét sạch chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, giang sơn thu về một mối.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta (1954-1975) là cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt, gian khổ, nhiều thách thức và trải qua nhiều giai đoạn với các kế hoạch, chiến lược của đế quốc Mỹ: “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1968), “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1973). Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quân và dân tiến hành 3 chiến dịch lớn.
Từ điều kiện thuận lợi chiến thắng của “Chiến dịch Tây Nguyên”, “Chiến dịch Huế - Đà Nẵng”, vào lúc 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta nổ súng mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh - cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Năm cánh quân của ta vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các của Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất.
50 mùa xuân đất nước ta được sống trong hòa bình, độc lập, ký ức về những ngày tháng tư lịch sử, về ngày đại thắng vẫn vang vọng trong tâm trí của những người lính. Những cựu chiến binh từng vào sinh ra tử trên các chiến trường vẫn nhớ như in từng trận đánh, từng đồng đội của mình.
Sinh ra giữa thời chiến tranh, trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên ngay từ nhỏ, ông Nguyễn Hữu Tường (SN 1941, ngụ ấp Bảy Ngàn, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh) đã giác ngộ cách mạng. 18 tuổi, ông vừa là du kích, vừa là Bí thư Đoàn xã Tân Ninh. Tháng 10/1963, ông thoát ly đi làm nhiệm vụ tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 504. Nhắc đến đơn vị mà mình từng gắn bó, ông tự hào vì đây là tiểu đoàn anh hùng của vùng Đồng Tháp Mười.
Từ những ngày đầu thành lập đến những trận đánh ác liệt chống đế quốc Mỹ, Tiểu đoàn 504 đã viết nên những trang sử hào hùng, trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần quả cảm và tình quân - dân. Ông Tường cùng đồng đội đã lập được nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ cũng như trực tiếp tham gia chỉ huy chiến trường biên giới Tây Nam. Năm 1986, vì điều kiện gia đình và sức khỏe nên ông xin nghỉ hưu với cấp hàm Thiếu tá.

Đoàn Cựu chiến binh Tiểu đoàn 1 Long An (khu vực phía Bắc) về thăm chiến trường xưa nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Ông Tường chia sẻ: "Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một mốc son chói lọi, một thiên anh hùng ca trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại. Chiến thắng vang dội đó được làm nên bởi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố cốt lõi, quyết định chính là tài thao lược của Đảng, cụ thể là những chủ trương chiến lược, quyết sách chỉ đạo sáng suốt, nhạy bén của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng Bộ thống soái tối cao với phương châm “Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng"”.
2. 50 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc vĩ đại, ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn luôn ngời sáng, là nguồn cổ vũ toàn thể nhân dân ta trên chặng đường thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước.
Từ ý nghĩa của chiến thắng này, chúng ta rút ra nhiều bài học lịch sử quý báu, đó là: Tinh thần yêu nước nồng nàn, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại,... dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng được soi đường bởi Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và điều quan trọng nhất là biết dựa vào “sức ta để giải phóng cho ta”. Các bài học ấy trở thành chân lý bất diệt, mãi mãi là niềm tin vững chắc cổ vũ nhân dân ta vững bước tiến lên.
Trong vinh quang đó, nhân dân Long An tự hào khi trực tiếp góp công, góp sức trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch ở Sài Gòn, đòn quyết định để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tiếp nối truyền thống sau 50 năm non sông thu về một mối, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Long An đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng phát triển (Trong ảnh: Tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển KT-XH)
Đánh giá về thắng lợi của sự kiện lịch sử này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12 1976) khẳng định: Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc.
Theo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, thắng lợi của quân và dân Long An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là kết quả quan trọng, góp vào thành quả chung vĩ đại nhất của đất nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Long An đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang là “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”, cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Phát huy truyền thống vẻ vang đó, trong suốt những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Long An luôn đoàn kết, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong những ngày này, cả nước đang hân hoan hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhìn lại Chiến thắng vĩ đại của mùa Xuân năm 1975, thế hệ đi sau rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để cùng nhau góp sức đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
* Bài viết có sử dụng tư liệu trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN 2004, tập 37, tr457 Tỉnh ủy Long An, 2005, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000), NXB Chính trị Quốc gia
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/vang-mai-khuc-ca-khai-hoan-a194290.html