Vàng miếng SJC đang có mức chênh lệch mua-bán cực thấp
Giá vàng miếng SJC ngày 25-4 tại thị trường trong nước trồi sụt bất thường.
Trong khi giá vàng thế giới đêm qua có thời điểm giảm sốc rồi lại bật tăng lên mốc 2.000 USD/ounce thì giá vàng trong nước không nhiều biến động.
Thị trường vàng trong nước diễn biến trái ngược
Tính đến 4 giờ chiều ngày 25-4, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,45 triệu đồng/lượng mua vào và 67,05 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 50.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua.
Tương tự, Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng nâng thêm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, đưa giá vàng miếng SJC lên 66,5 - 67,05 triệu đồng/lượng.
Tại Eximbank sau khi giữ ổn định giá mua - bán vàng miếng SJC quanh ngưỡng 66,6 - 66,9 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với hôm trước.
Riêng tại Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng, giá vàng miếng SJC chiều nay giảm tới 200.000 đồng/lượng so với giá mở cửa. Hiện giá mua - bán tại đây được giao dịch ở mức 66,45 - 66,85 triệu đồng/lượng.
Dù mỗi doanh nghiệp điều chỉnh tăng giảm vàng miếng SJC với biên độ khác nhau, song chênh lệch giá mua bán của loại vàng này đang được các tiệm vàng rút ngắn xuống còn 300.000 - 600.000 đồng/lượng. Đây là mức thấp nhất trong nhiều ngày qua trong bối cảnh sức cầu yếu.
Đối với các loại vàng 9999 tại Mi Hồng giảm nhẹ 100.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng, xuống 55,1 - 55,7 triệu đồng/lượng. Nhưng tại PNJ, giá vàng nhẫn 24K các loại bật lên 55,9 - 57,1 triệu đồng/lượng, tăng tăng 200.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Trên thị trường thế giới, giá vàng có thời điểm chỉ còn 1.974 USD/ounce nhưng sau đó đã tăng nhanh lên 2.001 USD/ounce và đến 4 giờ chiều nay theo giờ Việt Nam dao động quanh mức 1.990 USD/ounce.
Quy đổi theo tỉ giá, giá vàng quốc tế tương đương 56,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng SJC khoảng trên 10 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới chao đảo trong bối cảnh thị trường tài chính có tâm lý thận trọng khi nhiều dự báo cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tăng lãi suất đồng đôla vào tháng 5 ngay cả khi nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái.
Nhiều ngân hàng trung ương tích cực thu gom vàng
Đầu tháng 3, vàng giao dịch ở mức khoảng 1.860 USD/ounce và kết thúc tháng ở mức 1.998 USD/ounce. Trong thời gian đó, vàng đã thử nghiệm mức 2.000 USD/ounce 2 lần.
Hội đồng Vàng thế giới (WGC) trích dẫn dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cho thấy trong tháng 3 vừa qua, ngân hàng trung ương Nga đã bán 3,1 tấn vàng ngay khi kim loại quý bước vào đợt tăng giá mạnh.
Ông Krishan Gopaul, nhà phân tích cấp cao của WGC cho biết Ngân hàng Trung ương Nga đã giảm 3,1 tấn dự trữ vàng trong tháng 3.
Một ngân hàng trung ương khác cũng đã bán 15 tấn vàng vào tháng 3 là Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đánh dấu tháng bán ròng đầu tiên kể từ tháng 11-2021, qua đó hạ mức dự trữ vàng của nước này xuống còn 572 tấn. Năm 2022 Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia tăng dự trữ vàng với số lượng đạt 148 tấn.
Ngân hàng quốc gia Kazakhstan cũng đã giảm dự trữ 10,5 tấn vàng trong tháng 3. Từ đầu năm đến nay, nước này đã giảm lượng vàng nắm giữ 19,6 tấn. Tổng dự trữ vàng của nước này hiện ở mức 332 tấn - thấp nhất kể từ tháng 8-2018.
Ở chiều ngược lại, ngân hàng Quốc gia Séc đã mua 1,5 tấn vàng vào tháng 3. Đây là một vụ mua vàng lớn đối với quốc gia này, khi mà tính chung cả năm ngoái chỉ tăng dự trữ vàng thêm 1,4 tấn. Qua đó, nâng tổng dự trữ vàng của nước này hiện ở mức 13,5 tấn - mức cao nhất kể từ giữa năm 2006.
Ấn Độ cũng đã mua 3,5 tấn vàng thỏi vào tháng trước, nâng tổng lượng vàng quý 1-2023 lên 7,3 tấn. Và việc mua này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc báo cáo mua thêm 18 tấn vàng vào tháng 3, đánh dấu tháng mua vàng thứ 5 liên tiếp.
Nguồn PLO: https://plo.vn/vang-mieng-sjc-dang-co-muc-chenh-lech-mua-ban-cuc-thap-post730445.html