Vàng nhẫn vượt mốc 64 triệu đồng/lượng, tỷ giá 'tăng nhiệt'
Trong hai ngày đầu tuần, tỷ giá tại Vietcombank tăng 40 VND/USD. Giá USD tự do cũng đang tiến khá gần mốc 25.000 đồng. Diễn biến trên thị trường vàng lại không mấy đồng nhất. Vàng miếng SJC đi ngang trong khi vàng nhẫn nhích tăng.
Vàng thế giới giữ đà tăng trước căng thẳng địa chính trị leo thang tại Trung Đông
Giá vàng thế giới tăng vọt lên trên mốc 2.050 USD/ounce, ghi nhận phiên tích cực thứ ba liên tiếp trong bối cảnh cuộc chiến tại Trung Đông leo thang đã thúc đẩy nhu cầu của giới đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn như vàng.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,18% lên 2.051,02 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2024 trên sàn Comex New York tăng 0,24% lên 2.056,6 USD/ounce.
Cuộc chiến giữa Israel và Hamas bước qua ngày thứ 100. Sau hơn ba tháng giao tranh, ít nhất 24.100 người tại Dải Gaza thiệt mạng, theo thống kê của cơ quan y tế địa phương.
Trong khi đó, tại Biển Đỏ, một tàu chở hàng của Mỹ đã bị tấn công bởi tên lửa đạn đạo chống hạm được bắn từ các khu vực do phiến quân Houthi kiểm soát ở Yemen. Hiện tại, vẫn chưa có thông báo về thương tích hoặc thiệt hại đáng kể nào đối với con tàu bị tấn công.
Houthi tuyên bố họ tấn công tàu đi qua Biển Đỏ là để đáp trả cuộc chiến đang diễn ra ở dải Gaza. Vụ tấn công diễn ra ngay sau khi Mỹ và Anh tiến hành các cuộc tấn công chung nhằm vào Houthi. Nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn đã tấn công nhiều tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ kể từ cuối năm ngoái, làm đảo loạn hoạt động thương mại toàn cầu.
Tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU), Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni cảnh báo rằng tình trạng bạo lực ở Biển Đỏ do các cuộc tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào các tàu đi qua Biển Đỏ, cản trở hoạt động vận tải biển có thể đẩy giá năng lượng và lạm phát trong liên minh tăng cao.
Ông Gentiloni nhấn mạnh nền kinh tế bắt đầu năm nay với mức tăng trưởng chậm lại, mặc dù có một số tin tốt trên thị trường lao động, nhưng ngày càng xuất hiện mối lo ngại về những rủi ro suy thoái do căng thẳng địa chính trị gây ra.
Những gì đang xảy ra ở Biển Đỏ dường như gây hiệu quả tiêu cực tới giá năng lượng và đẩy nhanh lạm phát. Quan chức EU nhấn mạnh tình hình cần được theo dõi rất chặt chẽ vì những hậu quả này có thể xảy ra trong những tuần tới.
Ông Kyle Rodda, Chuyên gia phân tích thị trường tài chính tại Capital.com cho rằng, vàng được giao dịch giống như một đại diện cho lợi suất trước mắt, cũng như đang phản ánh kỳ vọng ngày càng lớn về việc hạ lãi suất ở Mỹ trong khi thị trường đang bỏ qua số liệu CPI nóng hơn so với dự kiến.
Dữ liệu trước đó cho thấy chi phí sản xuất của Mỹ (PPI) bất ngờ giảm trong tháng 12, khiến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng giảm theo.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà giao dịch vẫn đặt niềm tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất 166 điểm cơ bản trong năm nay, cao hơn mức đặt cược vào sáng thứ Sáu (12/1) là 150 điểm cơ bản.
Cũng theo ông Rodda, trước cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 30 và 31/1, thị trường có vẻ vẫn đang tiến triển tốt theo kỳ vọng. Tuy nhiên, không có bất kỳ điều gì chứng minh nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt hơn trước sự kỳ vọng của mọi người.
Ở diễn biến khác, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mới đây đã giữ nguyên lãi suất của các khoản vay chính sách một năm, hay còn gọi là công cụ cho vay trung hạn (MLF), ở mức 2,5%. PBoC còn cấp thêm 995 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 139 tỷ USD) thông qua MLF, qua đó bơm ròng 216 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống tài chính, giúp tăng cường thanh khoản và đáp ứng các nhu cầu vay vốn trong nước.
Dữ liệu được công bố gần đây của Trung Quốc đã làm tăng lo ngại về đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến giới đầu tư và phân tích càng thêm kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã tăng 0,45% lên 102,85 điểm. Đây là mức cao nhất ghi nhận trong một tháng trở lại đây. Trước đó, USD duy trì trạng thái ổn định so với các loại tiền tệ chủ chốt khi các nhà đầu tư cân nhắc giữa chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ cao hơn dự kiến với việc thị trường đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 3. Đồng thời, cũng không có nhiều biến động với đồng bạc xanh do khối lượng giao dịch thấp do các nhà đầu tư nghỉ lễ ngày Martin Luther King.
Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng niêm yết ở mức 74 - 76,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở chiều mua vào và bán ra so với phiên trước nhưng cũng đã tăng khá so với cuối tuần trước.
Đáng chú ý là chênh lệch giữa chiều mua và bán được thu hẹp ở mức 2,5 triệu đồng/lượng. Dù vậy, đây vẫn là mức cao, cho thấy tâm lý e ngại rủi ro khi mua vào của các thương hiệu trước sự thay đổi của thị trường.
Chênh lệch giá vàng miếng SJC và vàng thế giới hiện đang ở mức hơn 14 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại được điều chỉnh tăng lên 63,05 triệu đồng/lượng mua vào, 64,15 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 150.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước.
US-Dollar Index lên cao nhất một tháng, giá USD tự do tiến gần mốc 25.000 đồng
Tỷ giá trung tâm hôm nay, ngày 16/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.987 VND/USD, giảm 5 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.788 - 25.186 VND/USD.
Tuy nhiên, tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do, USD đang có dấu hiệu tăng nhiệt. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.300 VND/USD (mua vào) và 24.670 đồng/USD (bán ra), tăng 35 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên trước. Chỉ trong hai ngày đầu tuần, tỷ giá đã tăng 40 đồng mỗi USD.
Khảo sát tại một số cửa hàng, giá USD tự do tiếp tục neo ở mức cao sau ngay đầu tuần tăng khá nóng, phổ biến ở mức 24.870 VND/USD chiều mua vào và 24.970 VND/USD chiều bán ra.
Trong vài tuần gần đây, các đồng tiền trong khu vực châu Á hầu hết đều giảm mạnh so với USD ngoại trừ đồng KRW của Hàn Quốc lên giá 0,16%. Trong nước, tương đồng với xu hướng trong khu vực, tỷ giá USD cũng tăng.
Theo phân tích từ SSI Research, áp lực từ tỷ giá niêm yết có thế đến từ nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh giai đoạn trước Tết nguyên đán và cần phải theo dõi thêm trong thời gian tới. Thông thường, nguồn cung ngoại tệ (như kiều hối và giải ngân FDI) vẫn có thể bù đắp được nhu cầu nhập khẩu trên.