'Vàng tặc' vẫn ngang nhiên lộng hành tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu (Kỳ 1: Tình trạng khai thác vàng trái phép diễn biến phức tạp)
Mặc dù mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đang được thực hiện đóng cửa mỏ theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam, thế nhưng những ngày qua, nhiều người vẫn đưa phương tiện, máy móc, dụng cụ vào khu vực này khai thác vàng trái phép. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn khẩn trương kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh.
Mỏ vàng Bồng Miêu là một trong những mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước. Năm 2005, Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu được Bộ Công nghiệp nặng cấp phép khai thác mỏ vàng và giấy phép hết hạn vào năm 2016. Dù đã lấy đi hàng tấn vàng, thế nhưng công ty này nợ thuế hàng chục tỷ đồng. Đến năm 2018, TAND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản.
Sau khi công ty này hết phép hoạt động và phá sản, người dân từ nhiều nơi kéo về khu vực mỏ vàng Bồng Miêu khai thác trái phép. Hậu quả địa phương mất tài nguyên nhưng không thể thu thuế, đất đai bị đào bới, hóa chất, bùn thải ra môi trường không được xử lý, gây ô nhiễm. Ngoài ra, tình trạng khai thác vàng trái phép còn dẫn đến mất ANTT, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sập hầm, sạt lở núi gây chết người…
Trong vai người đi tìm việc làm ở bãi vàng, chúng tôi đã đi sâu vào trong những cánh rừng keo, thuộc khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Tới đầu con dốc nhìn lên khu vực hầm lò cũ, hàng trăm lều bạt của những người làm vàng “mọc” ở khắp các đồi núi. Xen lẫn vào đó là tiếng máy nổ vang cả cánh rừng. Tiếp đến, chúng tôi chạy xe máy vượt qua con đường đất dốc đá dựng đứng, tới các điểm khai thác vàng ở khu vực hầm lò 6 và bãi Thầu Đâu, Nhà Thùng… Tại đây, nhiều phu vàng đang cặm cụi cào đất để đãi vàng.
Thấy có người lạ đến, một số người tắt máy nổ bỏ chạy vào sâu trong cánh rừng keo; số còn lại vẫn ngồi đãi đất bên máng xái quặng, nước thải chảy ra màu đục ngầu kèm theo mùi hóa chất. Qua quan sát xung quanh, chúng tôi nhìn thấy nhiều khu vực đồi núi bị cày xới nham nhở, hầm hố ngổn ngang, nhiều bãi đá chất cao thành đống lớn nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá vào mùa mưa bão. Bên cạnh đó, các hồ xái quặng, lều trại dựng chỗ để nấu thức ăn và nơi nằm nghỉ của phu vàng nằm ẩn mình dưới các cánh rừng keo.
Đang đãi đất lấy quặng vàng, ông Ng.V.Th. (trú xã Tam Lãnh) cho hay, khoảng một tháng nay, 2 vợ chồng ông đã vào đây đào đất để đãi tìm quặng vàng, công việc rất vất vả, trung bình mỗi ngày 2 vợ chồng ông kiếm được 200 ngàn đồng. “Gia đình tôi chỉ làm tọ mọ, thủ công, chứ mấy anh đi vào sâu trong các hầm hố ở bãi vàng này họ làm mới rầm rộ, với nhiều máy móc hiện đại hơn. Họ khoét núi tìm vàng và còn sử dụng nhiều chất độc hại để đãi vàng gây ô nhiễm môi trường”, ông Th. nói.
Tiếp tục men theo triền đồi núi, khi tới hầm lò 10, chúng tôi quan sát thấy có gần 10 lán trại và một số hồ ngâm chứa quặng vàng. Tại đây, một số người đang đãi quặng vàng, nguồn nước thải chảy xuống các khe suối đục ngầu. Bên cạnh đó, cảnh người đào lấy quặng, vận chuyển quặng đến nơi tập kết, điểm xay quặng, người bắt ống nước từ các con suối cho chảy vào máng để rửa trôi lớp đất đá; tiếng người, tiếng máy nổ khiến cả khu vực này như một đại công trường khai thác vàng trái phép. Cạnh đó, một nhóm gần 10người lấy đất đá lộ thiên trộn với hóa chất cho vào các bể ngâm ủ có đường kính 10m, được lót bạt xung quanh. Quy trình đãi vàng, đất đá được trộn với vôi, soda và một số hóa chất khác rồi đưa xuống bể. Sau 2-7 ngày ủ với xyanua, nước sẽ được bơm liên tục vào bể để vàng theo hóa chất trôi ra và được giữ lại bằng một lớp than hoạt tính kết dính.
Ngoài việc làm ở những khu vực đồi núi lộ thiên, nhiều nhóm khác còn đào hầm, chui sâu vào bên trong để tìm vàng. Chọn một cửa hầm, chúng tôi di chuyển đi sâu vào bên trong để quan sát. Hầm này rộng khoảng 2m, cao hơn 1m, vào sâu bên trong chiều dài gần 100m rất tối tăm. Thế nhưng tại đây có một số thiết bị máy móc và đường dây điện, ống dẫn nước từ bên ngoài kéo sâu vào phục vụ cho quá trình khai thác vàng. Trong đường hầm, các đối tượng dùng một số cột gỗ chống tạm bợ, nhìn rất nguy hiểm, có thể xảy ra sạt lở, sập hầm bất cứ lúc nào…
Một phu vàng tên T. chia sẻ: “Bọn em được một chủ ở Tam Lãnh thuê lên đây để làm vàng. Mỗi ngày em được ông chủ trả tiền công từ 200 đến 300 ngàn đồng. Thế nhưng hơn 1 tháng qua, em chưa nhận được tiền công. Công việc khai thác vàng chủ yếu làm lén lút, do làm trong hầm lò nên ban ngày cũng giống như ban đêm. Hôm nào có lực lượng Công an truy quét thì bọn em nghỉ và rút sâu vào rừng núi, chờ lực lượng chức năng đi thì bọn em vào làm lại”.
Những gì đã và đang diễn ra tại đây có thế thấy, khu vực nào có đất, có thể đào bới được đều bị các đối tượng cày xới để tìm vận may. Ngoài khu vực đồi núi, đất trống thì những vạt rừng trồng gỗ keo cũng bị đào bới nham nhở, tạo thành vách cao. Đất đá ngoài đồi núi hoặc trong hầm lò đào ra được cho vào máy xay nghiền nhỏ và dùng nước cho chảy qua máng để lọc, ngâm ủ tuyển lấy vàng. Trước việc “vàng tặc” ngang nhiên hoạt động như trên, dư luận đang hoài nghi công tác kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác vàng trái phép của chính quyền địa phương.