Vàng thuộc sở hữu của ai sau khi khách gửi tiết kiệm?

Trong khi khách hàng phẫn nộ phản đối các nhà ngân hàng tự ý đem vàng bạc của họ cho vay lãi thì các ngân hàng lại tuyên bố rằng họ có quyền sử dụng số tiền đó mà không cần phải giải thích về mục đích sử dụng.

Hệ thống dự trữ cục bộ - Nơi khởi nguồn của lạm phát tiền tệ

Ngân hàng (hiện đại) vốn dĩ là không công bằng và chứa đựng nhiều tội ác. Các nhà tài phiệt ngân hàng sở hữu cả thế giới. Họ tước đoạt tất cả mọi thứ của con người, chỉ để lại cho họ quyền tích lũy và lưu giữ tiền tệ. Nhưng, nếu như quyền lợi này cũng bị tước đoạt nốt thì mọi ưu thế của sự giàu có đều không còn tồn tại. Nếu không có những quyền này, thế giới sẽ trở nên hạnh phúc và tốt đẹp hơn. Nhưng nếu vẫn cam tâm tiếp tục làm nô lệ cho các nhà ngân hàng và chấp nhận chi trả những khoản phí nô dịch cho họ thì các bạn cứ việc tích lũy và lưu giữ tiền bạc.

J. STAMP

Ban đầu, ngân hàng chỉ thuần túy cung cấp dịch vụ lưu giữ vàng bạc của người gửi. Khi đem vàng bạc giao cho ngân hàng, người gửi được phát một biên lai chuẩn gọi là “tín phiếu ngân hàng”. Những tờ tín phiếu này dần dần trở thành công cụ giao dịch trong xã hội và được gọi là tiền tệ.

Theo đó, ngân hàng có thể đem “tín phiếu ngân hàng” đổi thành vàng bất cứ lúc nào. Nguồn thu nhập chủ yếu của ngân hàng chính là “phí ủy thác quản lý” do người gửi chi trả.

Dần dần, các nhà ngân hàng “thông minh” nhận ra một điều rằng thường có rất ít người gửi vàng đem “chứng chỉ ngân hàng” đổi thành vàng, và khi thấy vàng nằm bất động trong kho như vậy, ngân hàng không khỏi cảm thấy ngứa ngáy, và câu hỏi khiến họ băn khoăn là làm thế nào để “đánh thức” nguồn vốn đang ngủ yên này?

Nhận thấy trong xã hội luôn có một số người cần sử dụng tiền, các nhà ngân hàng bèn mở dịch vụ cho vay, người vay chỉ cần trả lãi suất cho ngân hàng đúng hạn. Khi người vay tiền đến ngân hàng, các nhà ngân hàng dùng nhiều biện pháp như phát hành thêm hóa đơn hay “tín phiếu ngân hàng” để kiếm lời. Chỉ cần không thêm quá nhiều các loại tín phiếu, ngân hàng sẽ không tạo ra sự hoài nghi của người gửi.

 Tiền vàng được lưu thông qua hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng. Ảnh: CBS News.

Tiền vàng được lưu thông qua hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng. Ảnh: CBS News.

Kinh nghiệm của các nhà ngân hàng cho thấy nếu số “chứng chỉ ngân hàng” được phát hành thêm ở mức dưới 10 lần thì ngân hàng sẽ an toàn. Do mức lãi suất từ việc cho vay giống như thứ tiền bất ngờ, tự dưng mà có, càng nhiều càng tốt, nên các nhà ngân hàng bắt đầu hiện diện khắp nơi để lôi kéo khách hàng đến gửi tiền. Và để thu hút người gửi, thay vì thu lệ phí gửi vàng như trước đây, họ bắt đầu chi trả lãi suất cho người gửi.

Trên thực tế, khi thực hiện dịch vụ cho vay vàng, các nhà ngân hàng cung cấp cho các khách hàng hai loại sản phẩm hoàn toàn khác nhau: Loại thứ nhất là dịch vụ “lưu gửi tiền vàng” thuần túy, loại thứ hai là “đầu tư tiết kiệm”. Sự khác biệt về bản chất của hai loại dịch vụ này nằm ở quyền sở hữu tiền vàng.

Trong tình huống thứ nhất, khách hàng có quyền sở hữu tuyệt đối với lượng tiền vàng đang lưu gửi, các ngân hàng đảm bảo với khách hàng rằng họ có thể cầm biên lai đến rút tiền ra bất cứ lúc nào họ muốn. Còn ở trường hợp thứ hai, khách hàng tạm thời mất quyền sở hữu với lượng vàng đã gửi vào tiết kiệm, và ngân hàng sẽ sử dụng khoản tiền này để quay vòng cho vay. Ngay sau khi ngân hàng thu hồi khoản đầu tư từ nguồn vàng này, khách hàng lưu gửi mới có thể khôi phục lại quyền sở hữu vốn có của mình.

Trong loại hình dịch vụ thứ nhất, tín phiếu ngân hàng tương ứng là dự trữ toàn ngạch; còn trong loại hình dịch vụ thứ hai, tín phiếu ngân hàng tương ứng là “giấy nợ + sự hứa hẹn”. Số lượng tín phiếu ngân hàng phát hành ra nhiều hơn lượng vàng thực tế của ngân hàng và được coi là một hình thức dự trữ cục bộ. Loại tín phiếu theo kiểu “giấy nợ + sự hứa hẹn” như thế này luôn ẩn chứa nguy cơ rủi ro, đồng thời dễ gây lạm phát tiền tệ. Đặc tính này cho thấy rằng tín phiếu ngân hàng hoàn toàn không phù hợp với vai trò giao dịch hàng hóa và dịch vụ trong xã hội, đồng thời không thể hiện được chức năng thước đo cơ bản của hoạt động kinh tế.

Một tính chất đặc trưng của hệ thống dự trữ vàng cục bộ chính là sự mơ hồ về giới hạn của hai loại sản phẩm và dịch vụ ngân hàng. Các nhà ngân hàng tiến hành “tiêu chuẩn hóa” thiết kế tín phiếu ngân hàng, khiến người bình thường rất khó phân biệt sự khác nhau về bản chất của hai loại chứng chỉ ngân hàng này. Vì vậy, trong suốt hàng trăm năm nay, các ngân hàng Anglo-Saxons đã bị liên đới vào rất nhiều vụ kiện tụng.

Trong khi khách hàng phẫn nộ phản đối các nhà ngân hàng tự ý đem vàng bạc của họ cho vay lãi thì các nhà ngân hàng lại tuyên bố rằng họ có quyền sử dụng số tiền đó mà không cần phải giải thích về mục đích sử dụng, miễn sao khi rút tiền, khách hàng không phải than phiền gì.

Một trong những vụ án nổi tiếng nhất chính là vụ Foley kiện Ngân hàng Hill mà quan tòa đã phán quyết: “Khi gửi vào ngân hàng thì tiền không còn thuộc về khách hàng nữa. Lúc này, tiền đã thuộc về ngân hàng. Ngân hàng có nghĩa vụ hoàn trả tiền cho khách hàng khi có yêu cầu. Và như vậy, ngân hàng có toàn quyền sử dụng số tiền đó mà không có nghĩa vụ phải trả lời khách hàng về việc số tiền này có nguy cơ gì không, có bị dùng vào việc đầu cơ gây hại hay không. Ngân hàng chỉ có nghĩa vụ bảo quản nguyên vẹn số tiền của khách hàng theo sự ràng buộc của hợp đồng.”

Theo pháp luật, phán quyết này của tòa án Anh quốc là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử tiền tệ. Theo đó, tiền của khách hàng gửi vào ngân hàng không còn được luật pháp bảo hộ. Điều này xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân một cách nghiêm trọng. Sau vụ việc, ngân hàng Anglo-Saxons hoàn toàn từ chối thừa nhận tính hợp pháp của dịch vụ “ủy thác quản lý tiền gửi”, và việc dự trữ toàn ngạch đã mất đi tính hợp pháp, mọi khoản tiền gửi của dân chúng đều có thể bị ngân hàng sử dụng vào việc đầu tư mạo hiểm.

Song Hong Bing/Bách Việt Books-NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://znews.vn/vang-thuoc-so-huu-cua-ai-sau-khi-khach-gui-tiet-kiem-post1549032.html