Vàng trên đà đi lên dù lãi suất USD tăng
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng nay tăng thêm 16 USD/ounce lên 1.941 USD/ounce, kể cả sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD lên 0,5%.
Trong khi đó, sức khỏe đồng bạch xanh và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã giảm một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất qua đêm 0,25%.
Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ giảm xuống 98,45 điểm.
Giá mặt hàng kim loại quý được hỗ trợ bởi đà suy yếu của USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm sau khi Fed nâng lãi suất thêm lãi suất cơ bản đồng bạch xanh sau 3 năm.
Như vậy, vàng vẫn trên đà đi lên, dù lãi suất Mỹ tăng thường có xu hướng gây áp lực lên vàng, vì lãi suất tăng làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ tài sản không đem lại lợi suất.
Đồng thời, giá dầu tăng trở lại cũng góp phần đẩy giá vàng đi lên. Dầu Brent trở lại ngưỡng 104 USD/thùng. Nhiều dự báo cho rằng, xung đột tại Ukraine sẽ khó được giải quyết hoàn toàn trong năm 2022. Vàng sẽ được hưởng lợi từ những bất ổn địa chính trị.
Những biện pháp trừng phạt của phương Tây lên Nga và việc Trung Quốc đang tạm đóng cửa các thành phố để khống chế dịch bệnh Covid-19 có thể khiến các chuỗi hàng hóa tiếp tục bị đứt gãy, qua đó đẩy lạm phát lên cao hơn nữa, cả ở Mỹ và châu Âu.
Mặc dù vậy, sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ đã kéo theo giá tiêu dùng tăng vọt, trong bối cảnh các chương trình tiêm chủng và một số gói kích cầu của chính quyền Biden đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng vọt, kéo theo sự hạn chế nguồn cung do đại dịch gây ra, cũng như tình trạng thiếu lao động, tồn đọng sản xuất, tắc nghẽn vận chuyển và ngừng hoạt động ở nước ngoài đã đẩy giá lên cao hơn.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã gọi lạm phát cao là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế và trước đó thừa nhận với các thành viên Quốc hội Mỹ rằng ngân hàng đã đánh giá sai thời gian diễn ra lạm phát.
Lạm phát hàng năm được đo bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo "ưa thích" của Fed, đạt 6,1% vào tháng 1/2022 - gấp ba lần mục tiêu trung bình hàng năm của Fed là 2%.
Vàng luôn được xem là hầm trú ẩn an toàn trước bối cảnh lạm phát cao, vì thế dù Fed tăng lãi suất USD cũng không tác động lên giá mặt hàng kim quý vàng như trước đây.
Quỹ ETF giao dịch bằng vàng lớn nhất thế giới - SPDR Gold Trust - tiếp tục mua vào và đưa lượng vàng sở hữu tăng lên mức cao nhất một năm qua là 1.073,44 tấn.
Trong khi đó, chu cầu mua vàng tại Nga tăng mạnh sau khi nước này tuyên bố gỡ bỏ thuế VAT (gần 20%) đối với người mua vàng. Theo Ngân hàng Trung ương, tỷ lệ vàng trong dự trữ quốc gia đã tăng từ 21% lên 40%.
Trong khi, giá vàng đi lên nhưng thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục kéo dài chuỗi ngày tăng điểm dù Fed nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 và báo hiệu có thêm 6 lần nâng lãi suất nữa trong năm nay.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/3 (rạng sáng ngày 18.3 giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones tăng 417,66 điểm, tương đương 1,23% lên 34.480,76 điểm. Tương tự, chỉ số S&P 500 tăng 1,23% lên 4.411,67 điểm và Nasdaq Composite cộng thêm 1,37% lên 13.614,78 điểm.
Đối với thị trường vàng trong nước sáng nay cũng tăng hơn so với phiên hôm qua. Giá vàng SJC do Công ty SJC niêm yết ở mức 67,8 - 68,8 triệu đồng/lượng (mua-bán), tăng khoảng 150.000 - 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Tại tiệm vàng Mi Hồng niêm yết giá vàng SJC ở mức 67,9-68,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng khoảng 300.000 đồng/lượng so cuối ngày hôm qua.
Quy đổi hiện nay, giá vàng trong nước vẫn duy trì cao hơn thế giới gần 15 triệu đồng/lượng tính theo tỷ giá ngân hàng (chưa thuế, phí).
Ngày 18/3, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá trung tâm 25 đồng/USD, xuống còn 23.142 VND/USD. Các ngân hàng thương mại vẫn giữ giá ngoại tệ đứng yên, Vietcombank mua vào với giá 22.710 - 22.740 VND/USD và bán ra 23.020 VND/USD.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vang-tren-da-di-len-du-lai-suat-usd-tang-d162400.html