Vàng và chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới khi quyết định lãi suất của Fed đến gần
Thị trường kim loại quý và chứng khoán đang được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng USD và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần giảm đầu tiên...
Giá vàng lập kỷ lục mới
Giá vàng thế giới thiết lập thêm kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (16/9), trong bối cảnh giới đầu tư gia tăng đặt cược vào khả năng Fed chọn mức giảm lãi suất lớn hơn khi kết thúc cuộc họp tuần này. Một ngân hàng lớn chỉ ra 5 yếu tố hỗ trợ quan trọng của giá vàng và cho biết đã phân bổ mạnh vốn vào kim loại quý này.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 8,3 USD/oz so với mức chốt của tuần trước, tương đương tăng 0,32%, đạt mức 2.587 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Tại thời điểm hơn 7h sáng nay (17/9) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2 USD/oz so với giá chốt phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.587,2 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 77,05 triệu đồng/lượng, tăng 105.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Giá vàng giao ngay đang tiến mỗi lúc một gần hơn tới ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng 2.600 USD/oz, trong khi giá vàng giao sau đã vượt qua mốc này vào hôm thứ Sáu tuần trước.
Thị trường kim loại quý đang được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng USD và khả năng Fed sẽ giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần giảm đầu tiên của chu kỳ nới lỏng dự kiến sẽ được khởi động vào ngày thứ Tư tuần này.
Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed sẽ khởi động vào ngày thứ Ba và hoàn tất vào ngày thứ Tư với một tuyên bố của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) và một cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Lãi suất quỹ liên bang của Fed đang ở mức 5,25-5,5%. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 62% Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần họp này. Khả năng của mức giảm 0,25 điểm phần trăm giảm mạnh còn 38%.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên đầu tuần ở mức 100,76 điểm, từ mức xấp xỉ 101 điểm của phiên ngày thứ Sáu. Sáng nay, chỉ số tiếp tục đi xuống, còn 100,7 điểm.
Vàng là tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng đồng USD, nên triển vọng lãi suất giảm và đồng USD giảm giá mang tới sự hỗ trợ “kép” đối với giá vàng.
“Thị trường đang phản ánh khả năng Fed giảm lãi suất nửa điểm phần trăm. Đó là lý do giá vàng cao đến vậy. Tôi cho rằng giá vàng sẽ giảm nếu Fed chỉ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm”, chiến lược gia trưởng Phillip Streible của công ty Blue Line Futures nhận định với hãng tin CNBC.
Trao đổi với hãng tin Bloomberg, chiến lược gia trưởng Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank cho rằng việc Fed chọn mức giảm lãi suất bao nhiêu sẽ có nhiều ý nghĩa đối với giá vàng trong ngắn hạn. Quyết định của Fed “có thể gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ” về việc các nhà hoạch định chính sách tiền tệ “đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế hiện tại”.
Một báo cáo của ngân hàng ANZ kỳ vọng các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng sẽ mua mạnh vàng trong những tháng tới nhờ việc Fed giảm lãi suất. “Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi đầu tư chiến lược vào vàng sẽ đẩy giá vàng lên cao hơn. Lượng giảm lãi suất 1 điểm phần trăm sẽ đưa các quỹ ETF mua ròng thêm 200-250 tấn vàng trong những tháng tới”, báo cáo viết.
“Chúng tôi dự báo giá vàng đạt 2.700 USD/oz trong ngắn hạn và đến cuối năm 2025 đạt 2.900 USD/oz”, các nhà phân tích của ANZ cho biết.
Chỉ số S&P 500 cũng tiến gần tới mức kỷ lục
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 16/9 (giờ địa phương), với chỉ số S&P 500 tiến gần tới mức kỷ lục và chỉ số Dow Jones chốt phiên ở mức cao chưa từng thấy trong lịch sử, khi nhà đầu tư đợi quyết định giảm lãi suất lần đầu tiên trong 4 năm của Fed. Triển vọng lãi suất hạ và mối lo về sản lượng dầu của Mỹ sau bão Francine đưa giá dầu thô tăng mạnh.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,13%, đạt 5.633,09 điểm. Dow Jones tăng 228,3 điểm, tương đương tăng 0,55%, đạt 41.622,08 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq mất 0,52%, còn 17.592,13 điểm.
Gây áp lực giảm nhiều nhất lên Nasdaq phiên này là cú giảm 2,8% của cổ phiếu Apple, sau khi một loạt ngân hàng gồm Bank of America và JPMorgan cho rằng hoạt động vận tải sản phẩm có dấu hiệu cho thấy nhu cầu đối với mẫu điện thoại mới iPhone 16 Pro của “táo khuyết” năm nay có thể không đạt được mức như của mẫu 15 ra mắt vào năm ngoái.
Cổ phiếu chip Nvidia cũng giảm do một số nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng vào tuần trước. Mã này chốt phiên với mức giảm gần 2%. Một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác cũng giảm giá, như Broadcom giảm 2% và Marvell Technology giảm 1,5%.
Sau phiên tăng này, S&P 500 chỉ còn cách chưa đầy 1% là tái lập kỷ lục ghi nhận vào hồi tháng 7. Nhiều nhà phân tích cho rằng thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ có khả năng thiết lập một kỷ lục đóng cửa mới trong tuần này. Sau khi khởi động tháng 9 bằng một tuần giao dịch đầy sóng gió, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng trong tuần trước, với S&P 500 và Nasdaq hoàn tất tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu năm.
Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed sẽ khởi động vào ngày thứ Ba và hoàn tất vào ngày thứ Tư. Thị trường đặt cược 100% Fed sẽ giảm lãi suất trong lần họp này, khởi động chu kỳ nới lỏng sau chu kỳ thắt chặt để chống lạm phát bắt đầu vào tháng 3/2022. Sự xoay trục của Fed sẽ giúp giảm chi phí đi vay đối với doanh nghiệp, qua đó có thể thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận.
Lãi suất quỹ liên bang của Fed đang ở mức 5,25-5,5%. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 62% Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần họp này. Khả năng của mức giảm 0,25 điểm phần trăm giảm mạnh còn 38%.
Nhà phân tích cấp cao Christoper Barto của công ty Fort Pitt Capital nhấn mạnh việc nhiều nhà đầu tư chốt lời cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn trong phiên này, đặc biệt là cổ phiếu chip. Trao đổi với hãng tin CNBC, ông cho rằng nhà đầu tư “không nhất thiết cho rằng vai trò nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường sẽ có sự thay đổi hoàn toàn, nhưng các nhóm cổ phiếu khác cũng đã bắt đầu khởi sắc. Việc này có liên quan nhiều tới triển vọng Fed giảm lãi suất”.
Cổ phiếu tài chính và công nghệ đều tăng hơn 1% trong phiên đầu tuần, giữ vai trò trụ cột của toàn thị trường. Trái lại, mức giảm mạnh nhất hơn 1% rơi vào nhóm công nghệ thông tin.