Vàng và dầu thế giới đồng loạt tăng giá
Giá vàng thế giới đảo chiều đi lên trong phiên giao dịch 10/11 sau khi giảm mạnh ở phiên trước đó, chủ yếu nhờ lo ngại về sư phục hồi kinh tế toàn cầu và kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế và nới lỏng tiền tệ mới.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,7%, lên 1.875,70 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 1,2%, lên 1.876,40 USD/ounce.
Tai Wong, người đứng đầu bộ phân phân tích thị trường kim loại quý tại sàn giao dịch chứng khoán phái sinh BMO nhận định, giá vàng đang "cố gắng" tìm lại trạng thái cân bằng trong phiên 10/11, 24 giờ sau khi công ty dược phẩm Pfizer Inc cho biết vaccine ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thử nghiệm của họ có hiệu quả tới hơn 90% khiến các nhà đầu tư rời khỏi “thiên đường trú ẩn an toàn” này và chuyển sang các tài sản rủi ro hơn. Chuyên gia này dự kiến giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian tới.
Giá vàng thế giới mất 4,6% vào phiên đầu tuần 9/11, mức giảm mạnh nhất tính theo ngày kể từ tháng 8/2020 nhờ thông tin về việc Pfizer thử nghiệm thành công vắc-xin ngừa COVID-19 ở giai đoạn cuối, qua đó nâng các chỉ số chứng khoán Mỹ lên mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, thị trường cổ phiếu đã giảm vào ngày 10/11 do lo ngại về tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 lại dấy lên.
Vàng có xu hướng được hưởng lợi từ các chương trình kích thích chi tiêu bởi nó được coi là "hàng rào" chống lại rủi ro lạm phát và đồng tiền mất giá. Trong khi đó, Chủ tịch chi nhánh Dallas của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Robert Kaplan cho biết, ông "thận trọng và lo ngại" về những rủi ro kinh tế trong ngắn hạn do sự gia tăng lây nhiễm dịch COVID-19.
Cũng trong phiên này, giá bạc tăng 0,9%, lên 24,28 USD/ounce. Giá bạch kim tiến 1,8%, lên 881,61 USD/ounce. Còn giá palladium lại hạ 0,7%, xuống 2.460,33 USD/ounce.
Tại Việt Nam, đầu giờ sáng 11/11, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,85- 56,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
* Trong phiên giao dịch 10/11, giá dầu thế giới tăng gần 3% giữa bối cảnh các nhà đầu tư bỏ qua những lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu nhiên liệu trước những hy vọng về một loại vắc-xin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 1,21 USD (2,9%) lên 43,61 USD/thùng, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,07 USD (2,7%) lên 41,36 USD/thùng.
Trong phiên đầu tuần, giá cả hai mặt hàng nói trên đã tăng 8%, ghi nhận mức tăng hàng ngày lớn nhất trong hơn năm tháng, sau khi nhà sản xuất dược phẩm Mỹ Pfizer Inc cho biết kết quả thử nghiệm ban đầu vắc-xin ngừa COVID-19 cho thấy có hiệu quả trên 90%.
Giá dầu tăng trở lại vào chiều ngày 10/11, sau khi Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, ông Anthony Fauci cho biết liều lượng vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ sẵn sàng cung ứng cho những người có mức độ ưu tiên cao nhất vào tháng 12/2020.
Bob Yawger, Giám đốc tại Mizuho, cho rằng thông báo trên dự báo về triển vọng năm tới người dân bắt đầu có thể đi du lịch và nhu cầu đối với nhiên liệu máy bay sẽ tăng cao hơn. Tuy nhiên, việc triển khai sản xuất đại trà vắc-xin ngừa COVID-19 có thể mất vài tháng nữa và tùy thuộc vào sự chấp thuận của các cơ quan quản lý.
Dù vậy, các đợt phong tỏa mới ở châu Âu và sự gia tăng các ca mắc COVID-19 tại Mỹ vẫn đang ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu. Jim Ritterbusch, Chủ tịch của Ritterbusch & Associates ở Galena, Illinois, nhận định tình trạng gia tăng các ca mắc COVID-19 có thể dẫn đến việc ngừng hoạt động kinh doanh và xu hướng làm việc tại nhà, qua đó làm giảm đáng kể các hoạt động giao thông ở Mỹ.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h35 ngày 11/11 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 51.789.605 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.278.442 ca tử vong. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 245.776 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm là 10.557.047 ca.