Vàng vẫn neo ở mức cao, cần xem lại việc đấu thầu?
Rạng sáng nay, giá vàng trong nước tại một số doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận mức giảm mạnh, song, giá niêm yết vẫn ở ngưỡng cao trên 91 triệu đồng/lượng
Rạng sáng nay (13/5), giá vàng tại các doanh nghiệp có mức niêm yết chênh lệch khá lớn, lên tới gần 4 triệu đồng.
Vàng SJC vẫn được niêm yết ở mức cao hơn 91 triệu đồng/lượng
Cụ thể, vàng SJC tại Tập đoàn DOJI bất ngờ được nhà vàng này điều chỉnh giảm 1,7 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán, đưa giá niêm yết xuống còn 86 – 87,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) so với rạng sáng qua.
Trong khi đó, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), mức bán ra chênh lệch tới gần 4 triệu đồng so với DOJI, niêm yết 88,8 – 91,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với hôm qua, giá vàng SJC tại đây không có sự điều chỉnh tăng giảm. Mức giá này cũng bằng với giá niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay.
Tại Bảo tín Minh Châu, nhà vàng này điều chỉnh giảm tới 900.000 đồng/lượng chiều bán, 800.000/lượng chiều mua so với cùng thời điểm sáng qua, đưa giá SJC niêm yết ở ngưỡng 87 – 89,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Với tình hình thị trường vàng biến động như giai đoạn hiện nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, NHNN cần xem lại việc đấu thầu theo hướng tăng cung nhưng giá phải thấp hơn giá thị trường đang mua bán. Bên cạnh đó, cần thiết phải tăng tự do hóa thị trường vàng, có thể là tự do hóa mua vào nguyên liệu để chế tác vàng trang sức hoặc có thể sản xuất các thương hiệu vàng khác để tăng sức cạnh tranh.
Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đấu thầu vàng không phải là biện pháp phù hợp để tăng cung vàng miếng sau chuỗi phản ứng về giá mỗi lần tổ chức đấu thầu.
Người dân vẫn đổ xô đi mua vàng khi giá vàng tăng cao
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Đồng thời, cần khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, quy định pháp luật về cạnh tranh và các quy định pháp luật có liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 5, không để chậm trễ hơn nữa.