Vang vọng âm hưởng những ca khúc về Bác Hồ kính yêu

Cứ mỗi dịp tháng Năm về, dường như đi đâu, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những ca khúc mang âm hưởng sâu lắng về Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Thật khó có thể kể hết được chính xác số lượng tác phẩm âm nhạc viết về Bác, chỉ biết rằng, mỗi ca khúc, bằng mỗi cách khai thác, thể hiện khác nhau đều có điểm chung nhất đó là khắc họa, tôn vinh và thể hiện sự thành kính, ngưỡng vọng một vị lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất nhưng rất đỗi giản dị, gần gũi với mọi người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.

Ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (sáng tác năm 1947) có lẽ là một trong những ca khúc đầu tiên viết về Bác. Gần 80 năm qua, giai điệu, ca từ của ca khúc bất hủ này đã trở nên rất đỗi gần gũi, quen thuộc với người dân Việt Nam bởi âm hưởng thánh thót, ngân vang hàm chứa sự thiêng liêng và niềm tự hào: “Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi/ Toàn Việt Nam đón chào ngày mới/ Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta/ Vững bền tranh đấu cho đời chúng ta/ Hồ Chí Minh muôn năm/ Giải phóng cho nhân dân/ Xây dựng non nước Việt Nam/ Tiếng Người tha thiết kêu gọi bốn phương/ Cờ vùng lên quân thù gục xuống…/ Hồ Chí Minh muôn năm/ Chỉ lối cho nhân dân đến ngày chiến thắng vẻ vang”... Cũng vào thời điểm những ngày đầu nhân dân ta giành được chính quyền và bắt tay vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ, hai ca khúc “Biết ơn Cụ Hồ” (nhạc sĩ Lưu Bách Thụ) và “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” (nhạc sĩ Văn Cao) đã tạo được thành công vang dội, trở thành những tác phẩm “đi cùng năm tháng”. Điểm nổi bật của hai ca khúc này chính là phần giai điệu tha thiết, tình cảm, đậm chất dân ca và những ca từ rất mộc mạc, gần gũi: “Dân Nam ơi biết ơn Cụ Hồ đời đời/ Một lòng vì dân Người đấu tranh không ngừng”; “Người về đem tới ngày vui/ Mùa thu nắng tỏa Ba Đình/ Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời…”. Đóng góp vào những sáng tác âm nhạc đầu tiên về Hồ Chủ tịch trong khoảng thời gian này còn phải kể đến người con quê hương Hà Nam- nhạc sỹ Phong Nhã với hai tác phẩm ca ngợi Bác viết cho thiếu nhi. Nhạc sĩ Phong Nhã cũng là người đầu tiên đưa tên gọi huyền thoại “Bác Hồ” vào tác phẩm âm nhạc qua các ca khúc: “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” và sau này là bài “Cùng nhau ta đi lên” (được chọn là Đội ca Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh).

Những năm đất nước tạm bị chia cắt, cảm nhận sâu sắc khát vọng cháy bỏng thống nhất Bắc- Nam cũng như tình cảm tha thiết thiêng liêng của Bác đối với đồng bào miền Nam, những sáng tác âm nhạc viết về Người thời kỳ này mang đậm âm hưởng thể hiện lòng thủy chung son sắt, ý chí kiên cường của toàn dân, toàn quân ta nguyện một lòng đi theo con đường Bác đã chọn. “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (Trần Kiết Tường); “Hoa sen Tháp Mười” (Trương Quang Lục); “Người sống mãi trong lòng miền Nam” (Nguyễn Đồng Nai); “Cô gái PaKo” (Huy Thục); “Tây Nguyên mừng đón thơ Bác” (Doãn Nho); “Lời ca dâng Bác” (Trọng Loan); “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” (Lưu Cầu); “Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin” (Thuận Yến); “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” (Nguyễn Tài Tuệ)… có thể coi là những tâm khúc ẩn chứa tình cảm cao đẹp và vô cùng thiêng liêng đó.

 Liên khúc Lời trái tim Việt Nam - Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Mùa xuân thống nhất". Ảnh: baoapbac.vn

Liên khúc Lời trái tim Việt Nam - Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Mùa xuân thống nhất". Ảnh: baoapbac.vn

Năm 1969, Bác vĩnh biệt chúng ta đi vào “thế giới người hiền”, hàng trăm tác phẩm văn học, nghệ thuật gần như cùng một lúc ra đời ca ngợi công ơn trời biển của Bác, tỏ niềm tiếc thiêng vô hạn đối với Bác và cũng là thể hiện niềm tin mãnh liệt của toàn dân quyết tâm xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như ý Người hằng mong đợi. Trong lĩnh vực âm nhạc, những ca khúc nổi bật về Bác giai đoạn này có thể kể đến: “Người là niềm tin tất thắng” (Chu Minh); “Trông cây lại nhớ đến Người” (Đỗ Nhuận); “Tình Bác sáng đời ta” (Lưu Hữu Phước); “Đôi dép Bác Hồ” (Văn An); “Hát về Người” (Đoàn Bổng)... Đáng chú ý là trong giai đoạn này, có hai nhạc sĩ quê hương Hà Nam cũng đã có những sáng tác rất nổi tiếng về Bác, khẳng định sự trường tồn bất diệt hình ảnh của Bác trong niềm tin, ý chí, tình cảm mỗi người dân Việt Nam: “Bác sống đời đời” (Phong Nhã); “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” (Huy Thục); “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” (Trần Chung, thơ Nguyễn Trung Thu);...

Ngày 30/4/1975, với thắng lợi vang dội của Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại đã thắng lợi hoàn toàn, miền Nam sạch bóng quân thù, non sông thu về một mối đúng như lòng mong ước cháy bỏng của Bác Hồ kính yêu. Hòa trong niềm vui chiến thắng như cùng lúc vỡ òa ở mọi miền quê hương đất nước cũng như trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, hình ảnh Bác hiển hiện thiêng liêng trong cung bậc của những khúc khải hoàn. Những sáng tác âm nhạc về Bác Hồ trong giai đoạn lịch sử vô cùng đáng nhớ này, đến nay đã hơn nửa thế kỷ mà hầu như người dân nào cũng thuộc nằm lòng với: “Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà); “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” (Phạm Tuyên); “Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người” (Cao Việt Bách); “Thăm bến Nhà Rồng” (Trần Hoàn);…

Thỏa nguyện ước mong thống nhất non sông, Bắc Nam sum họp, nhân dân ta lại bắt tay xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như ý nguyện bao năm Bác vẫn hằng thiết tha mong đợi. Và, những ca khúc viết về Bác trong thời kỳ này luôn là sự thành kính biết ơn, là “lời hứa quyết tâm” của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nguyện khắc ghi và nỗ lực làm tròn Di chúc thiêng liêng mà Bác gửi lại: “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, “Giữa Mạc Tư khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” (Trần Hoàn); “Bên tượng đài Bác Hồ” (Lư Nhất Vũ-Lê Giang); “Đêm nghe câu hát đò đưa nhớ Bác” (An Thuyên); “Vầng trăng Ba Đình” (Thuận Yến); “Viếng Lăng Bác” (Hoàng Hiệp); “Những bông hoa trong vườn Bác” (Văn Dung); “Bên Lăng Bác Hồ” (Dân Huyền); “Chúng con canh giấc ngủ của Người” (Nguyễn Đăng Nước); “Dấu chân phía trước” (Phạm Minh Tuấn); “Ấm tình quê Bác” (Văn An)… Trong số hàng trăm nhạc sĩ có tác phẩm âm nhạc viết về Bác thì Thuận Yến được giới chuyên môn suy tôn là người có nhiều ca khúc thành công nhất với đề tài đặc biệt này. Trong 26 tác phẩm âm nhạc viết về Bác Hồ của nhạc sĩ Thuận Yến có những ca khúc suốt một thời gian dài luôn được đông đảo công chúng yêu âm nhạc nhắc nhớ, như: “Miền Nam trong trái tim Bác”, "Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Người về thăm quê”, “Vầng trăng Ba Đình”…

Đặc biệt, có một điều thú vị là mảng sáng tác về Bác Hồ kính yêu viết dành riêng cho thanh, thiếu nhi cũng có đến hàng trăm tác phẩm, trong đó rất nhiều tác phẩm mà hầu như đoàn viên, đội viên, học sinh, sinh viên nào cũng thuộc như: “Thanh niên làm theo lời Bác” (Hoàng Hòa); “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ” (Triều Dâng); “Nhanh bước nhanh nhi đồng”; “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn Thiếu niên Nhi đồng”; “Bác sống đời đời” (Phong Nhã); “Em mơ gặp Bác Hồ” (Xuân Giao); “Bác Hồ Người cho em tất cả” (Hoàng Long, Hoàng Lân); “Nhớ ơn Bác” (Phan Huỳnh Điểu); “Tre ngà bên Lăng Bác” (Hàn Ngọc Bích)...

Không chỉ giới nhạc sĩ trong nước, những người làm nhạc chuyên nghiệp là bạn bè quốc tế cũng đã có không ít sáng tác thành công về Bác. Ca khúc "Bài ca Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ người Anh EWan Mac Coll với tiết tấu sôi động, cuồng nhiệt, đắm say mang đậm phong cách dân gian châu Âu đã mấy chục năm nay trở thành quen thuộc đối với công chúng yêu âm nhạc trong nước. Ngoài ra, còn phải kể đến những tác phẩm tiêu biểu như: "Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" (của nhạc sĩ người Nga Vladimir Fere, lời Việt của Đỗ Nhuận); “Hồ Chí Minh là cả một bài thơ” (của nhạc sĩ người Cu Ba Felis Pita Rogerigate); “Hát mừng Bác Hồ vĩ đại” (của nhạc sĩ Mukhophathiai, người Ấn Độ); "Cảm ơn đường Hồ Chí Minh" (Norodom Sihanouk, Campuchia);…

Ra đời trong những thời điểm, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, đề cập đến hình tượng Bác Hồ kính yêu với những khía cạnh, góc nhìn khác nhau nhưng điểm chung nổi bật nhất xuyên suốt trong những ca khúc viết về lãnh tụ muôn vàn kính yêu Hồ Chí Minh là lòng ngưỡng mộ, thành kính biết ơn, tri ân sâu nặng của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Vượt qua giới hạn về thời gian, không gian địa lý, các tác phẩm âm nhạc về Bác Hồ kính yêu sẽ mãi là nguồn cảm hứng vô tận nhân lên niềm tin và lòng tự hào về một con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Đỗ Hồng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/am-nhac/vang-vong-am-huong-nhung-ca-khuc-ve-bac-ho-kinh-yeu-163871.html