Vành đai 4 TP.HCM kết nối liên vùng - Bài 1: Đề xuất 12 chính sách, cơ chế đặc thù làm dự án
Dự án đường vành đai 4 TP.HCM là dự án có quy mô, tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, được TP.HCM đề xuất 12 chính sách, cơ chế đặc thù nhằm đưa dự án triển khai nhanh hơn dự án đường vành đai 3.
LTS: Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường vành đai 3 để thông xe toàn tuyến đoạn qua TP.HCM vào ngày 30-6-2026, TP.HCM và các địa phương cũng đang gấp rút triển khai để sớm khép kín dự án đường vành đai 4. Đường vành đai 4 là con đường mở ra khát vọng kết nối liên vùng, kết nối với các trục cao tốc, giảm thiểu kẹt xe, ùn ứ cho các địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đồng thời phát triển kinh tế, mở ra các khu đô thị mới ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện nay, TP.HCM và các địa phương đang thực hiện các bước chuẩn bị báo cáo Chính phủ, để Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án với nhiều cơ chế đặc thù.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ KH&ĐT về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai (VĐ) 4 TP.HCM.
TP.HCM và các địa phương có đường VĐ4 đi qua mong muốn sớm triển khai dự án bởi đây là tuyến đường quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải liên vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và kết nối với Campuchia. Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị, các cảng biển và cảng hàng không quốc tế; cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; mở rộng và phát triển đô thị…
Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Trung, Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư Sở GTVT TP.HCM, về sự quyết tâm của TP.HCM và các địa phương trong kế hoạch triển khai dự án đường VĐ4 TP.HCM.
VĐ4 TP.HCM - không thể làm trễ hơn
. Phóng viên: Thưa ông, tại sao TP.HCM và các địa phương phải khẩn trương trình dự án đường VĐ4 trong thời điểm này, dù TP.HCM cũng đang tất bật triển khai dự án đường VĐ3, khép kín đường VĐ2?
+ Ông Trần Chí Trung: Dự án đường VĐ4 TP.HCM cần phải trình Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn này để Chính phủ xem xét, tổ chức thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định, phấn đấu trình Quốc hội (QH) xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án trong kỳ họp đầu năm 2025. Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự án đường VĐ4 phải hoàn thành trước năm 2030.
Đồng thời, Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 81 của QH đã có chỉ đạo cần phải tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo quy hoạch đã được duyệt... Như vậy, về cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý đã chỉ đạo rất rõ và việc của chúng ta là phải tập trung, nỗ lực để hoàn thành dự án đúng tiến độ đã đề ra.
Mỗi tuyến đường VĐ sẽ mang ý nghĩa riêng và đường VĐ4 TP.HCM là dự án đường bộ có quy mô rất lớn, đi qua năm tỉnh, TP, có tổng mức đầu tư và chiều dài tuyến lớn hơn hai lần dự án đường VĐ3. Hiện nay, TP.HCM cũng đang nỗ lực khép kín tuyến đường VĐ2 nhưng đây chỉ là tuyến đường phục vụ chủ yếu cho TP.HCM và đường VĐ3 TP.HCM có phạm vi phục vụ rộng hơn, mang tính chất kết nối cho vùng Đông Nam Bộ, giải quyết ùn ứ cho giao thông cửa ngõ, các tuyến giao thông trục chính, xuyên tâm của TP.HCM.
Trong khi đó, tuyến đường VĐ4 lại có ý nghĩa hoàn toàn khác - nó sẽ trở thành tuyến VĐ kết nối liên vùng rộng hơn, kết nối với các tuyến cao tốc hiện hữu, đang đầu tư và sẽ đầu tư trong tương lai.
Đặc biệt hơn, đường VĐ4 sẽ nối liền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Campuchia. Khi đường VĐ4 được hoàn thành sẽ tăng cường kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng Hiệp Phước, Long An, Cái Mép - Thị Vải, Cần Giờ. Từ đó mở rộng dư địa phát triển, tạo đà phát triển logistics, ưu tiên phát triển kinh tế, bến bãi, kho bãi, mở rộng phát triển đô thị của các địa phương.
Đường VĐ4 sẽ khơi thông con đường vận chuyển hàng hóa, kết nối vùng, luân chuyển hàng hóa, vật liệu, xuất nhập khẩu. Đồng thời, các xe cũng giảm thiểu đi vào các tuyến đường xuyên tâm, không cần đi vào khu đô thị các tỉnh mà chỉ cần qua cao tốc, đường VĐ, giảm ùn tắc giao thông các khu vực nội đô tại các địa phương. Đường VĐ4 hoàn thành sẽ hiện thực hóa và góp phần thực hiện thắng lợi, đạt được các chỉ tiêu, định hướng chiến lược mà Trung ương và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đề ra.
Điều kiện để làm vành đai 4 nhanh hơn vành đai 3
. Lý do TP.HCM và các địa phương trình Chính phủ tới 12 chính sách, cơ chế đặc thù, các chính sách này mang lại hiệu quả gì cho dự án đường VĐ4, thưa ông?
+ Trong 12 chính sách, cơ chế để làm dự án đường VĐ4 TP.HCM thì có bốn chính sách, đề xuất mới, còn tám chính sách, đề xuất khác đã được thực hiện ở các dự án như đường VĐ4 Hà Nội, đường VĐ3 TP.HCM, cao tốc Bắc - Nam phía đông và Nghị định 106 (áp dụng cơ chế, chính sách cho các dự án cao tốc, quốc lộ do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản), tham khảo Nghị quyết 98, một số cơ chế, chính sách đặc thù mà Chính phủ đang trình QH tại kỳ họp thứ 8. Đơn cử như dự thảo Luật sửa đổi các luật liên quan đến quy hoạch, đầu tư công, đấu thầu, đối tác công tư (PPP).
Vì vậy, TP.HCM đã chủ trì, phối hợp với các địa phương đề xuất 12 cơ chế, chính sách cho dự án đường VĐ4 với nhiều cơ chế hơn dự án đường VĐ3. Nếu được QH thông qua, TP.HCM và các địa phương có thể bắt tay ngay vào triển khai dự án, rút ngắn thời gian và làm nhanh hơn.
Trong bốn chính sách mới, TP.HCM cũng nghiên cứu Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật PPP (sửa đổi) sẽ trình QH đợt này để xin cơ chế cho dự án đường VĐ4.
Tại sao xin cơ chế nhiều hơn? Bởi lẽ dự án đường VĐ4 có quy mô rất lớn, đi qua năm địa phương. Đường VĐ4 được triển khai tổng hợp, lập chủ trương đầu tư trên cơ sở của năm dự án trước đây mà các địa phương nghiên cứu được ghép lại. Đồng thời, từ thực tế thực tiễn của đường VĐ3 và các dự án khác của cao tốc Bắc - Nam phía đông cho thấy cần bổ sung chính sách đặc biệt là phân cấp, ủy quyền để nâng cao trách nhiệm của địa phương đối với các dự án đi qua. Bên cạnh đó, tạo sự chủ động của địa phương để đẩy nhanh các vấn đề vướng mắc, khó khăn, đảm bảo tiến độ dự án chung.
Tự tin khép kín đường vành đai 4 vào năm 2028
Theo ông Trần Chí Trung, hiện nay nguồn vốn thực hiện dự án đường VĐ4 hơi khác, trong đó tỉnh Long An là địa phương có chiều dài dự án đi qua dài nhất nhưng nguồn ngân sách có phần khó khăn hơn. Tuy nhiên, tỉnh Long An đã rất quyết tâm, nỗ lực thu xếp được 10.000 tỉ/68.000 tỉ đồng, số còn lại Trung ương sẽ hỗ trợ để làm.
Đối với TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương trên tâm thế sắp xếp tối đa nguồn vốn ngân sách địa phương, đảm bảo nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án, số còn lại nhà đầu tư sẽ bỏ ra một phần. Ước tính các địa phương sẽ bỏ ra hơn 57% tổng mức đầu tư để làm dự án, nhà đầu tư sẽ chi 43% để làm dự án này.
Thời gian qua, các địa phương đã tổ chức đo đếm, rà soát và đang mong chờ QH thông qua chủ trương đầu tư với nhiều chính sách đặc thù để có thể triển khai nhiều nhóm công việc làm song song như chỉ định thầu, tư vấn… Với những cơ chế trên, TP.HCM và các địa phương có thể tự tin khép kín đường VĐ4 vào năm 2028.
Khối lượng vật liệu phục vụ dự án đường VĐ4 sẽ rất lớn so với đường VĐ3, vì vậy cơ chế khai thác mỏ vật liệu đối với cao tốc Bắc - Nam phía đông sẽ được áp dụng, đường VĐ3 đã triển khai và gặp khó khăn ở TP.HCM. Vì vậy, cơ chế khai thác vật liệu phục vụ dự án là hoàn toàn phù hợp để triển khai đường VĐ3, đường VĐ4 thuận lợi hơn vì lâu nay chúng ta phụ thuộc vào các mỏ vật liệu khác từ các địa phương. Bên cạnh đó, việc vận dụng bài học từ dự án đường VĐ3 đối với các dự án giao thông tiếp theo sẽ rất thuận lợi, cần thiết cho đường VĐ4 TP.HCM.
Rút ngắn ít nhất 50% thời gian tổ chức, lựa chọn…
. Ông có thể nói rõ hơn về một số cơ chế, chính sách đặc thù?
+ Ví dụ, chính sách 6 - về trình tự, thủ tục lập, tổ chức thẩm định và thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khi các dự án thành phần cần phải điều chỉnh. Dự án đường VĐ4 được hợp thành từ năm dự án từ năm địa phương, các dự án thành phần theo quy định nếu điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh quy mô đều phải xin QH điều chỉnh, Hội đồng Nhà nước phải thẩm định, Chính phủ trình QH mới có thể điều chỉnh được. Nếu chỉ một dự án thành phần trong tổng chín dự án thành phần từ năm địa phương cần điều chỉnh thì mất rất nhiều thời gian, ít nhất từ ba tháng cho một lần điều chỉnh.
Thay vì lập Hội đồng Nhà nước, các địa phương sẽ thành lập hội đồng địa phương trình HĐND thông qua. Sau đó, địa phương sẽ tổng hợp, báo cáo QH, Chính phủ. Như vậy, cơ chế này sẽ đảm bảo tính chủ động của địa phương, đẩy nhanh tiến độ dự án. Vì vậy, TP.HCM và các địa phương mạnh dạn đề xuất thêm chính sách để tăng tính chủ động, trách nhiệm của từng địa phương, đảm bảo tiến độ, chất lượng của công trình (hoàn thành vào năm 2028 và đi vào khai thác).
Hiện TP.HCM đang nghiên cứu bổ sung nút giao thông Mỹ Phước - Tân Vạn ở dự án đường VĐ3. Trường hợp bổ sung thêm nút giao thông này, TP.HCM cũng cần trình Thủ tướng và QH thông qua mới có thể triển khai thêm hạng mục này, như vậy mất nhiều thời gian.
Tương tự, chính sách 9 - cho phép UBND các tỉnh (Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật các đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng quy định muốn rà soát, điều chỉnh phải sau năm năm kể từ ngày phê duyệt quy hoạch, cấp được phê duyệt là QH - Đồ án quy hoạch đường bộ quốc gia, Quy hoạch 1698 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đường VĐ4 là dự án có quy mô lớn, liên quan đến nhiều địa phương, có nhiều quy hoạch thấp hơn nên quá trình làm sẽ tác động đến một số quy hoạch, do đó buộc phải điều chỉnh. Trường hợp phải trình Thủ tướng Chính phủ sẽ mất nhiều thời gian - nếu thuận lợi thì hơn ba tháng (cho một địa phương), lúc này ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Vì vậy, các địa phương mạnh dạn xin cho địa phương có thẩm quyền, được lập tổ chức thẩm định, phê duyệt. Điều này dựa trên kinh nghiệm trên Nghị quyết 98 mà QH đã cho phép TP.HCM, mà nay xin cho bốn tỉnh trên.
Đối với chính sách 11 - về định mức, khoản mục chi phí. Chính sách này để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án như nêu trên và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đường VĐ4 TP.HCM. Hiện nay, theo quy định của Luật Xây dựng, mua sắm dựa trên định mức được ban hành, còn trường hợp chưa có thì phải xây dựng định mức mới. Trường hợp áp dụng công nghệ mới để đẩy nhanh tiến độ thì phải xây dựng định mức mới, tốn nhiều thời gian, tổ chức lập bộ định mức, xây dựng đơn giá, thẩm định, phê duyệt, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Ở nước ngoài họ đã thực hiện hết rồi, như vậy các địa phương xin luôn cơ chế quy trình thiết bị mới được áp dụng đơn giá định mức, hoặc suất vốn đầu tư của các dự án khác đã làm.
Cuối cùng là chính sách 12 - cho phép chủ đầu tư được thực hiện trước các hoạt động lựa chọn nhà thầu, bao gồm cả việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án đầu tư được phê duyệt đối với các gói thầu: Cung cấp dịch vụ tư vấn; phi tư vấn; hàng hóa; xây lắp phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; điều chỉnh quy hoạch; tư vấn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, giám sát thi công xây dựng công trình.
Chính sách này nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Hiện nay, quy định của pháp luật phải làm tuần tự, thuê tư vấn, tiền khả thi, thi công…, Luật Đầu tư sắp trình QH cũng cho phép làm đồng thời các bước khi làm dự án. Hiện TP đang xin một bước tiến mới để tiến độ dự án được nhanh hơn. Các bước như tư vấn, phi tư vấn, giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bản vẽ, giám sát… nếu cho phép làm phải rút ngắn ít nhất 50% thời gian tổ chức, lựa chọn, thực hiện so với một dự án bình thường.
Tóm lại, các cơ chế đặc thù là để tạo điều kiện cho các địa phương được vận dụng, thực hiện ngay và gắn với sự chủ động, trách nhiệm của địa phương, đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án trọng điểm quốc gia.
. Xin cảm ơn ông.
Họ đã nói
Tập trung các tuyến kết nối Long An với các tỉnh lân cận
UBND tỉnh Long An thống nhất cao với đề xuất của Bộ KH&ĐT đề nghị hỗ trợ một phần vốn ngân sách của địa phương. Tỉnh Long An hiện thu ngân sách đạt khoảng 22.000 tỉ đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 khoảng 36.000 tỉ đồng. Trong đó, phải tập trung các tuyến kết nối Long An - TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận. Đặc biệt, tuyến kết nối TP.HCM với hai tỉnh Long An, Tiền Giang. Do đó, tỉnh sẽ cố gắng cùng Trung ương thực hiện.
Dự án đường VĐ4 TP.HCM toàn tuyến dài hơn 209 km, đoạn qua tỉnh Long An là 74,5 km. Nếu đầu tư kết nối xong sẽ rất thuận lợi cho sự phát triển của vùng ĐBSCL. Tổng mức đầu tư dự án đoạn qua tỉnh khoảng 66.000 tỉ đồng, trong đó có kêu gọi xã hội hóa. Ngoài ra, tỉnh cũng dành khoảng 10.0000 tỉ đồng để cùng Trung ương thực hiện. Còn lại tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách để thực hiện dự án.
Tỉnh Long An cũng thống nhất chủ trương chung là một dự án nhưng dự án thành phần các tỉnh triển khai như đề xuất là TP.HCM là đơn vị đại diện đã thống nhất với các tỉnh.
Ông HUỲNH VĂN SƠN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An
Giảm lượng xe xuyên tâm qua TP
Việc mở rộng các đường VĐ4 và VĐ3 cần sớm triển khai và hoàn thành để chia sẻ áp lực giao thông với các tuyến đường hiện hữu hiện nay. Đường VĐ4 hoàn thành sẽ phân luồng đưa các phương tiện vận tải hàng hóa ra ngoại ô, lúc này lượng xe xuyên tâm qua TP sẽ giảm hẳn, từ đó rút ngắn thời gian di chuyển, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, thu hút hành khách tới TP nhiều hơn, đặc biệt là khách du lịch.
Đường VĐ4 sẽ tái thiết dòng xe nên không chỉ giảm thiểu chi phí cho các doanh nghiệp vận tải mà sẽ giúp tất cả phương tiện giao thông lựa chọn được lộ trình di chuyển phù hợp hơn.
Ông LÊ TRUNG TÍNH, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô hành khách TP.HCM
ĐÀO TRANG - HUỲNH DU