Cần tái định cư cho hơn 19 ngàn người dân để xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10/2, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (khoảng 8,369 tỷ USD).

 Chủ tọa phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Chủ tọa phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Chiều 10/2, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết: Mục tiêu đầu tư là nhằm xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng bảo đảm kết nối hiệu quả mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế.

Về phạm vi, điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9 km.

Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt điện khí hóa khổ 1.435 mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa; tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai Mới đến ga Nam Hải Phòng tốc độ thiết kế 160 km/h, đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội tốc độ thiết kế 120 km/h, các đoạn nối, tuyến nhánh tốc độ thiết kế 80 km/h.

Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632 ha, số dân tái định cư khoảng 19.136 người. Đề xuất hình thức đầu tư dự án là đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (khoảng 8,369 tỷ USD).

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: Về hiệu quả của Dự án, theo Tờ trình của Chính phủ, dự kiến trong 5 năm đầu tiên khai thác Dự án, doanh thu dự kiến chỉ bù đắp chi phí vận hành, bảo trì, phương tiện, Nhà nước cần hỗ trợ sơ bộ khoảng 109,36 triệu USD trong 5 năm chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bố trí cho hệ thống đường sắt như bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện nay. Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tổng thể hiệu quả của các dự án đường sắt dự kiến sẽ đầu tư và đánh giá kỹ lưỡng phương án tài chính, các tác động trong quá trình vận hành, khai thác của các dự án để giảm thiểu các rủi ro về sau.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, dự án sẽ góp phần hoàn thiện khai mạng lưới giao thông đường sắt kết nối các đô thị, khu công nghiệp lớn của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vốn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu, đảm bảo tính kết nối của dự án với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và các loại hình vận tải khác, hạn chế tối đa đi qua khu dân cư và quỹ đất rừng. Đối với công trình ga, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tính toán phù hợp tốc độ chạy tàu, đảm bảo nguyên tắc tập trung hàng hóa và hành khách để tiết kiệm chi phí đầu tư.

Quan tâm đến tiến độ thực hiện dự án, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các dự án có quy mô tương tự thường mất khoảng 36 tháng từ thời điểm thông qua chủ trương đầu tư đến khi khởi công. Đồng thời, cần tính toán để thời gian này không vượt quá 4 năm.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh phát biểu

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh phát biểu

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV. Đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án thiết kế sơ bộ, hướng tuyến của dự án và việc kết nối mạng lưới đường sắt, hệ thống giao thông khác, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến tiến độ triển khai, để có giải pháp đến năm 2030 cơ bản hoàn thành xây dựng dự án, lưu ý đến việc thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư, lựa chọn nhà đầu tư, việc đáp ứng về công nghệ, nhân lực, vật liệu... trong quá trình khai thác, đưa vào sử dụng.

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/can-tai-dinh-cu-cho-hon-19-ngan-nguoi-dan-de-xay-dung-tuyen-duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-20250210193209943.htm