Vành đai 4 TP.HCM: Xây dựng hạ tầng chiến lược, kiến tạo tương lai

Dự án vành đai 4 TP.HCM không chỉ là một công trình giao thông trọng điểm mà là một bước ngoặt quan trọng trong việc đưa TP.HCM vươn mình mạnh mẽ, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Đường vành đai 4 TP.HCM sẽ là dự án thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững và tạo ra một không gian phát triển mới cho các tỉnh khu vực phía Nam, đặc biệt là TP.HCM, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và vùng ĐBSCL. Được xây dựng với chiều dài khoảng 198 km, dự án này sẽ đóng vai trò nền tảng trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông quốc gia, đáp ứng nhu cầu di chuyển và vận tải ngày càng gia tăng trong bối cảnh kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Dự án đường vành đai 4 không chỉ là một công trình giao thông mang tính chất kết nối liên vùng, mà còn là yếu tố quyết định trong việc thay đổi cơ cấu giao thông của khu vực phía Nam. Tuyến đường đi qua năm tỉnh, TP quan trọng gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu. Sự tích hợp đồng bộ với các tuyến quốc lộ, cao tốc và các điểm kết nối cảng biển, đường VĐ4 hứa hẹn không chỉ giảm thiểu thời gian vận chuyển mà còn giúp tối ưu hóa hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa.

 Khu vực dự án đường vành đai 4 sẽ đi qua trên địa phận tỉnh Long An. Ảnh: HUỲNH DU

Khu vực dự án đường vành đai 4 sẽ đi qua trên địa phận tỉnh Long An. Ảnh: HUỲNH DU

Đường VĐ4 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế không chỉ của TP.HCM mà còn của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và vùng ĐBSCL. Tuyến đường này sẽ tạo ra một hành lang vận tải chiến lược, kết nối trực tiếp các khu công nghiệp lớn tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM với các cảng biển quốc tế như Cát Lái, Thị Vải. Việc kết nối này không chỉ giúp tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu từ các khu công nghiệp đến các cảng xuất khẩu mà còn giảm thiểu chi phí vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp khu vực phía Nam.

Đặc biệt, đối với các tỉnh vùng ĐBSCL, đường VĐ4 sẽ mở ra cơ hội để các sản phẩm nông sản và thủy sản được vận chuyển nhanh chóng từ các khu vực sản xuất đến các cảng xuất khẩu, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra giá trị gia tăng cho ngành nông sản và thủy sản, vốn đang là thế mạnh của khu vực này.

Hơn nữa, đường vành đai 4 cũng giúp các tỉnh Tây Nguyên, nơi có nhiều tiềm năng về khoáng sản và nông sản, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, mở ra cơ hội mới cho việc khai thác và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Đường vành đai 4 không chỉ đơn thuần là một dự án giao thông, mà còn là công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đồng đều giữa các khu vực. Tuyến đường sẽ góp phần giải quyết vấn đề quá tải giao thông tại TP.HCM, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển các khu đô thị vệ tinh xung quanh TP, giảm áp lực đô thị hóa tại khu vực trung tâm. Các khu đô thị vệ tinh này sẽ trở thành những trung tâm kinh tế, thương mại và dịch vụ mới, tạo ra động lực phát triển cho các khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận.

Đối với các tỉnh chưa phát triển mạnh về hạ tầng giao thông như Tây Nguyên và vùng ĐBSCL, đường vành đai 4 sẽ là yếu tố giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích đầu tư và thúc đẩy phát triển bền vững. Việc kết nối các khu vực này với TP.HCM và các tỉnh, TP lân cận sẽ giảm thiểu sự phân hóa trong phát triển kinh tế, tạo cơ hội để các vùng chưa phát triển mạnh về công nghiệp, đô thị có thể nâng cao chất lượng sống và thu hút đầu tư.

Để đảm bảo dự án đường vành đai 4 được triển khai hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước và các đơn vị thi công. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và minh bạch, đặc biệt trong quá trình đấu thầu, giải phóng mặt bằng và các thủ tục hành chính liên quan. Các quy trình này cần phải được tối ưu hóa để đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hiệu quả, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc giám sát thi công và quản lý tiến độ công trình là một yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng và tiến độ của dự án. Các công nghệ như giám sát tự động, phân tích dữ liệu lớn (big data) sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời giảm thiểu rủi ro và đảm bảo các mốc tiến độ của dự án được hoàn thành đúng hạn.

Đồng thời cần phải nghiên cứu huy động nguồn lực tài chính đa dạng, đặc biệt là từ mô hình hợp tác công tư (PPP) để giảm áp lực tài chính lên ngân sách nhà nước và đảm bảo tính bền vững của dự án.

Dự án đường vành đai 4 không chỉ là một công trình giao thông trọng điểm mà việc thực hiện thành công đại dự án này sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc đưa TP.HCM vươn mình mạnh mẽ, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng sẽ là biểu tượng cho tầm nhìn chiến lược trong việc xây dựng một hệ thống giao thông đồng bộ, mở ra không gian phát triển rộng lớn, tạo nền tảng cho sự thịnh vượng dài lâu.

ThS LÊ VĂN CƯỜNG, Viện Kinh tế và phát triển giao thông vận tải

Nguồn PLO: https://plo.vn/vanh-dai-4-tphcm-xay-dung-ha-tang-chien-luoc-kien-tao-tuong-lai-post833837.html